Theo đó, ông Takemitsu Takizaki là nhà sáng lập hãng sản xuất cảm biến điện tử Keyence Corp có số tài sản 38,2 tỷ USD đã trở thành người giàu số 1 Nhật Bản.

Thông tin từ bảng xếp hạng Bloomberg Billionaires Index cho thấy, tài sản của vị doanh nhân đã tăng lên đáng kể nhờ hiệu ứng từ cổ phiếu Keyence tăng giá gần gấp đôi kể từ đầu năm ngoái đến nay. Theo chiều ngược lại, tài sản của tỷ phú Tadashi Yanai – người đứng đầu hãng thời trang Uniqlo nổi tiếng đã giảm hơn 20% từ đầu năm đến nay, xuống còn 35,5 tỷ USD, nên ông này đã tụt xuống vị trí thứ hai.

Nhiều nguồn tin cho biết, cổ phiếu của hãng Keyence tăng mạnh một phần nhờ việc sắp được đưa vào chỉ số blue-chip Nikkei 225 Stock Average của thị trường chứng khoán Nhật.

Đây có thể coi là ví dụ điển hành cho việc môi trường kinh doanh và độ giàu có của các tỷ phủ dịch chuyển ra sao trong đại dịch COVID-19 khi 1 doanh nhân đầu ngành lĩnh vực tự động hóa vượt mặt ông trùm bán lẻ. Ngoài ra cổ phiếu Keyence cũng hưởng lợi từ việc sắp được bổ sung vào chỉ số Nikkei 225.

Sở hữu 21% cổ phần tại Keyence, Takizaki đã có thêm 5,9 tỷ USD từ đầu năm đến nay và hiện là người giàu thứ 9 ở châu Á.

Trong cùng kỳ, ông chủ Uniqlo lại “đánh rơi” 9,7 tỷ USD, tương đương 22% tài sản của ông. Cổ phiếu Uniqlo đã giảm 18%. Hồi tháng 7, công ty mẹ Fast Retailing đã phải hạ dự báo lợi nhuận năm 2021 do doanh số bán hàng ảm đạm trong mùa hè từ những ảnh hưởng tiêu cực do các biện pháp chống dịch ở Nhật Bản cũng như các thị trường châu Á khác.

Keyence Corp – hành trình thầm lặng vươn lên vị trí thứ hai tại Nhật

Keyence Corp được ra đời vào năm 1974, từng bước xây dựng công ty và phát triển nó thành công ty đi đầu khi kinh doanh tại các lĩnh vực tự động hóa trong sản xuất công nghiệp với các thiết bị như cảm biến, các thiết bị đo lường và hệ thống quang học.

Trái với các thương hiệu nổi tiếng như Uniqlo hay Softbank, đây là một doanh nghiệp khá kín tiếng có trụ sở tại Osaka, tuy nhiên các nhân viên tại công ty này nổi tiếng nhận được lương, thưởng và mức đãi ngộ khá hậu hĩnh.

Đại dịch đã khiến nhu cầu tự động hóa trong các nhà máy tăng vọt bởi nhiều quốc gia trên khắp thế giới đồng loạt áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. Từ đó, những doanh nghiệp như Keyence đã có đà tăng trưởng mạnh mẽ. Cổ phiếu Keyence đã tăng 96% kể từ đầu năm 2020, giúp giá trị vốn hóa đạt khoảng 167 tỷ USD, trở thành công ty lớn thứ 2 ở Nhật Bản theo thước đo này (chỉ đứng sau Toyota). Biên lợi nhuận hoạt động của Keyence lên tới hơn 50%, chuyên gia phân tích Takeshi Kitaura của Bloomberg Intelligence chỉ ra.

Đáng chú ý, trong những năm gần đây, Keyence đang là một trong số rất ít doanh nghiệp không có nợ và lợi nhuận ròng tăng trưởng hàng năm gần 50%. Hầu hết những sản phẩm của họ đang cung cấp cho khách hàng đều là những sản phẩm tự sáng chế và có độ độc đáo cao so với các mặt hàng khác trên toàn cầu.

Để làm được điều này, doanh nghiệp tự động hóa này đã chọn hướng đi khác biệt. Tại đây, các nhân viên bán hàng của công ty được đào tạo chuyên môn cao, có kiến thức phong phú về các ứng dụng trong ngành công nghiệp. Do đó, khách hàng có thể được hỗ trợ trực tiếp về ứng dụng, khắc phục sự cố, góp phần tạo niềm tin lớn với các khách hàng trên toàn thế giới.

Hệ thống tư vấn, bán hàng và hỗ trợ của Keyence được đánh giá cao và đứng đầu ngành công nghiệp Nhật. Bên cạnh đó, Keyence còn chủ động xây dựng một hệ thống giao hàng nhanh chóng. Bất kỳ khi nào khách hàng cần thì sản phẩm được vận chuyển trực tiếp từ các kho trung tâm tại Nhật Bản hay từ nhiều địa điểm khác trên toàn thế giới.

Ông Takizaki Takemitsu từng nói rằng “Chúng tôi không sản xuất những thứ mà khách hàng mong muốn”. Có thể hiểu ý của vị tỷ phú này là những sản phẩm, những đề xuất mà khách hàng đã nhận ra được thì không có giá trị, những sản phẩm tốt nhất phải là những thứ mà ngay cả khách hàng chưa bao giờ nghĩ tới. Nhờ hoạt động xoay quanh triết lý này mà Keyence có thể vươn lên mạnh mẽ như bây giờ.

Thời điểm hiện tại, hệ số P/E của Keyence lên tới 63 lần nhưng triển vọng của công ty vẫn được nhiều chuyên gia tin rằng vẫn đang ở ngưỡng tích cực. Bloomberg Intelligence cho biết thêm, hiện hơn 40% doanh thu của công ty đến từ thị trường Nhật Bản, do đó Keyence vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng ở các thị trường nước ngoài.

Với chiến lược khác biệt với các đối thủ, nhiều khả năng Keyence sẽ còn bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới và có thể vượt qua cả Toyota về giá trị vốn hóa trên thị trường.

Author

eva@pressvn.com