0 Comments

10 năm làm việc, nhà khoa học trẻ, TS Bùi Hùng Thắng, SN 1984, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Triển khai Công nghệ, Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) sở hữu 9 bằng độc quyền sáng chế.

Riêng trong năm 2019, TS Thắng có 2 bằng độc quyền sáng chế được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng và 8 đơn đăng ký sáng chế được chấp nhận. Với quan điểm làm khoa học ứng dụng, tất cả những nghiên cứu, sáng chế của anh và cộng sự đều “bắt tay” với các đối tác, doanh nghiệp để được áp dụng vào thực tiễn, phục vụ cuộc sống.

Tiến sỹ trẻ Bùi Hùng Thắng với gia tài gần chục bằng sáng chế độc quyền

Tốt nghiệp trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, TS Thắng được nhận về làm việc tại Viện Khoa học vật liệu. Với niềm đam mê trong lĩnh vực vật liệu mới nên anh chọn hướng nghiên cứu về tản nhiệt từ ống nano cacbon (CNTs) và graphene (Gr). Đây là hai loại vật liệu được các nhà khoa học thế giới quan tâm nhờ những tính chất cơ lý ưu việt như: Có độ cứng lớn, độ bền cao, phát xạ điện trường và khả năng dẫn nhiệt tốt.

Theo TS Thắng, giới khoa học công nghệ luôn muốn tìm kiếm các vật liệu có hệ số dẫn nhiệt cao để tăng hiệu quả truyền nhiệt cho các linh kiện điện tử hoặc thiết bị công suất cao trong quá trình hoạt động. Theo đuổi lĩnh vực này, anh tập trung nghiên cứu về vật liệu tản nhiệt chứa thành phần CNTs và Gr trên cả hai hướng cơ bản và ứng dụng.

Từ lá thư “thuyết phục” của GS Nguyễn Văn Hiệu (Nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cậu học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý Bùi Hùng Thắng đã trở thành một trong bảy sinh viên đầu tiên của Khoa Vật lý kỹ thuật, Trường đại học Công nghệ. Học cao học rồi làm tiến sĩ tại Viện Khoa học Vật liệu, TS Bùi Hùng Thắng có hứng thú đặc biệt với vật liệu ống các-bon na-nô (CNTs). Đây là loại vật liệu có độ cứng lớn, độ mềm cao, phát xạ điện trường tốt, khả năng dẫn nhiệt cao. Các nhà khoa học luôn muốn tìm kiếm các vật liệu có hệ số dẫn nhiệt cao để tăng hiệu quả truyền nhiệt cho các linh kiện điện tử hoặc máy móc cần tản nhiệt trong quá trình hoạt động. Theo đuổi hướng này, TS Bùi Hùng Thắng tập trung nghiên cứu về chất lỏng tản nhiệt chứa thành phần CNTs trên cả hai hướng cơ bản và ứng dụng.

Các mô hình giải thích cơ chế hoạt động khi đưa CNTs vào chất lỏng tản nhiệt đã được nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới đưa ra, nhưng khi ứng dụng thực tế, độ chính xác chưa cao. TS Bùi Hùng Thắng nhận thấy, CNTs dẫn nhiệt tốt dọc theo ống, nhưng lại dẫn nhiệt kém theo chiều vuông góc với ống. Dựa vào phát hiện này, TS Bùi Hùng Thắng đã đặt ra bài toán và thực hiện các phép tính để đưa ra mô hình cải tiến tính toán độ dẫn nhiệt của chất lỏng chứa CNTs. Mô hình do nhóm của TS Bùi Hùng Thắng xây dựng đã chứng minh được độ chính xác cao khi so sánh với các nghiên cứu tương tự trên thế giới, phù hợp nhiều môi trường chất lỏng khác nhau như dầu gấc, nước… Công trình được công bố trên tạp chí của Viện Vật lý Mỹ và đem lại cho TS Bùi Hùng Thắng đề cử giải Nhà khoa học trẻ thuộc giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017.

Trong năm 2019, 3 bằng độc quyền sáng chế của TS Thắng đang được áp dụng sản xuất ở một số doanh nghiệp, gồm: Bằng độc quyền sáng chế “Môđun đèn LED tản nhiệt bằng chất lỏng”; “Bóng đèn LED tản nhiệt bằng chất lỏng tự đối lưu”; “Quy trình chế tạo kem tản nhiệt nền silicon chứa thành phần Graphene”.

Với sáng chế: “Môđun đèn LED tản nhiệt bằng chất lỏng” có thể lắp thay thế vào hệ thống đèn đường chiếu sáng hiện nay. Theo TS Thắng, hệ thống chiếu sáng đèn LED là xu hướng mới, với ưu điểm vượt trội so với hệ thống đèn đường đang sử dụng hiện nay là tiết kiệm năng lượng, tuổi thọ cao, chất lượng ánh sáng trung thực.

Tiến sĩ Bùi Hùng Thắng (bên trái) với mô hình đèn LED tản nhiệt bằng chất lỏng.

Một sáng chế mà TS Thắng dành nhiều tâm huyết ấp ủ để triển khai là xây dựng hệ thống chống lóa phân cực cho các phương tiện giao thông đi ngược chiều. Sáng chế này anh đăng ký cuối năm 2019 và đã được chấp thuận.“Buổi tối các phương tiện giao thông đi ngược chiều bật đèn pha gây lóa, rất nguy hiểm. Thế giới chưa đưa ra được giải pháp nào giải quyết vấn đề này.Vì thế, tôi nghiên cứu đưa ra giải pháp về hệ thống chống lóa phân cực. Với công nghệ có sẵn, nếu áp dụng vào thực tế thì đảm bảo giá thành rất rẻ, an toàn cho người tham gia giao thông vào buổi tối”, TS Thắng nói và cho biết đang bàn thảo với một doanh nghiệp lớn của Việt Nam để áp dụng trong tương lai.

Hạ Lan/SHTT

Author

eva@pressvn.com