Vào năm 2020, ông Trần Kim Hiệp, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) là một trong 68 cá nhân tiêu biểu, xuất sắc của cả nước được vinh danh tại Lễ tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” tại thủ đô Hà Nội với chiếc máy bóc, lột vỏ keo lưu động.

Với diện tích trồng keo ở địa phương rất nhiều, khi đến thời điểm thu hoạch, nguồn lao động phổ thông không dồi dào, khả năng khai thác của sức con người có hạn cho nên ông Hiệp đã nghiên cứu sáng tạo ra sản phẩm hữu ích trên nhằm để hạn chế sức lao động và tăng năng suất thu hoạch, giúp cho bà con nông dân tháo gỡ những khó khăn trong cuộc sống.

Máy bóc vỏ cây keo của ông Hiệp chạy bằng dầu, rẻ hơn so với xăng, điện. Ông đã tính toán thổ nhưỡng, độ dốc của địa hình sườn núi để chiếc xe có thể chạy đến tận rừng keo. Ông nói: “Một chiếc máy phải nhỏ, gọn có thể đủ leo các sườn núi, do vậy, chiếc máy bóc vỏ cây keo này chỉ dài 4,5m, ngang khoảng 1,45m, cao khoảng 1,7m. Đặc biệt gầm xe phải cao hơn 40cm, nhờ gầm xe cao nên dù gặp đường đá, đất, lầy lội thì xe có thể dễ dàng vượt qua”.

Quảng Ngãi: Chân dung lão nông sáng chế máy bóc vỏ cây keo độc đáo

Được biết, chiếc máy bóc, lột vỏ keo lưu động của ông Hiệp có thể thay thế cho 6-7 công lao động giỏi, với hiệu suất vượt trội của chiếc máy có thể bóc và lột vỏ cây keo nhanh và còn thay thế công vận chuyển đưa gỗ keo đã lột vỏ lên xe có trọng tải lớn để vận chuyển đến nhà máy.

Vì vậy mà chiếc máy đã tiết kiệm được chi phí thuê nhân công để thu hoạch keo rất lớn. Cụ thể trong 1 ngày, chỉ cần 1 lao động đứng điều khiển máy, tốn 5 – 6 lít dầu thì có thể bóc được 12 tấn keo.

Mỗi cây keo chỉ tốn khoảng 20 giây để hoàn thành tất cả công đoạn từ bóc vỏ đến đưa lên xe tải. Máy có thể bóc được tất cả các loại thân keo lớn, nhỏ, ngắn, dài hay cong, thẳng.

Ông Hiệp nói: “Máy được thiết kế độ dài cây keo từ 1,8-2,5m có thể đưa keo vào được, sau đó, cây keo sẽ được bóc theo hình xoắn ốc, dần loại bỏ vỏ keo. Cây keo đã bóc xong được đưa lên xe tải tự động nhờ hệ thống trục dây chuyền”.

Tuy là một nông dân, không được đào tạo qua trường lớp nào, nhưng ông Trần Kim Hiệp lại có nhiều ý tưởng, sáng chế độc đáo được ghi nhận và áp dụng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp và đời sống nông dân ở nông thôn.

Ngoài sáng chế máy bóc vỏ keo lưu động, ông Hiệp đã nghiên cứu sáng chế nhiều sản phẩm khác như: Máy chế tạo sản xuất gỗ mỹ nghệ (đã đạt giải 3 Hội thi sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ V); giải pháp bẫy lồng tự động bắt chuột (đạt giải 3 Hội thi sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ VI – năm 2009); giải pháp lưỡi cưa đá ong cải tiến (đạt giải khuyến khích Hội thi sáng tạo Kỹ thuật lần thứ VII – 2011); giải pháp chế tạo túi hứng nước mưa để chống bão (đạt giải khuyến khích Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ VIII – năm 2013).

“Việc chế tạo ra những máy móc trên với mục đích chính không phải để kinh doanh, mua bán, mà là thỏa lòng đam mê và giúp ích cho người dân ở địa phương” – ông Hiệp chia sẻ.

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo

Author

eva@pressvn.com