0 Comments

Đây đều là những gương mặt đại diện cho nội lực, khả năng, bản lĩnh và tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ của phụ nữ trong kinh doanh.

1. “Nữ tướng hàng không” Nguyễn Thị Phương Thảo

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là một trong những nữ doanh nhân thế hệ mới, nổi bật nhất tại Việt Nam trong khoảng 10 năm qua. ( Ảnh: Vietjet)

Tuổi: 50 tuổi

Tài sản: 32.220 tỷ đồng

Chức vụ: Tổng giám đốc kiêm Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Vietjet Air, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sovico Holdings và Phó chủ tịch thường trực Ngân hàng HDBank.

Người phụ nữ duy nhất xây dựng và vận hành hãng hàng không Vietjet Air – bà Nguyễn Thị Phương Thảo là một trong những nữ doanh nhân thế hệ mới, nổi bật nhất tại Việt Nam trong khoảng 10 năm qua. Vietjet của bà Thảo đang dẫn đầu thị trường bay nội địa.

Mục tiêu của Vietjet hiện tại là vươn ra khu vực khi hãng này mở rộng không ngừng các đường bay quốc tế tới các nước Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Campuchia… Ngoài điều hành hãng hàng không, bà Phương Thảo còn giữ vai trò đứng đầu tập đoàn đầu tư đa ngành Sovico, ngân hàng HDBank, sở hữu loạt bất động sản đắt giá.

Trước khi trở thành cổ đông lớn của HDBank, bà từng tham gia sáng lập và quản trị tại 2 ngân hàng Techcombank và VIB. Thành công của bà khẳng định đóng góp của một thế hệ doanh nghiệp tư nhân năng động trong nền kinh tế, cũng là niềm tự hào về trí tuệ, sáng tạo của người Việt trên bản đồ tài chính – ngân hàng quốc tế và trên thị trường hội nhập.

Thành công đã mang lại sự giàu có, đưa bà Thảo thành nữ tỉ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam, đồng thời là người phụ nữ tự thân làm giàu nhất Đông Nam Á với tổng tài sản theo cập nhật của Forbes đến ngày 04/03/2020 vào khoảng 2,5 tỷ USD.

2. “Bà trùm” thủy sản Trương Thị Lệ Khanh

Trương Thị Lệ Khanh được mệnh danh “bà trùm” ngành thủy sản.

Tuổi: 59 tuổi

Tài sản: 2.650 tỷ đồng

Chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn

Bà Trương Thị Lệ Khanh sinh năm 1961, nguyên quán An Giang. Bà Khanh hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, với tỷ lệ nắm giữ gần 79 triệu cổ phiếu VHC. Được mệnh danh “bà trùm” ngành thủy sản, mới đây bà Khanh lọt danh sách 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam do Forbes bình chọn.

Việc bình chọn của Forbes dựa trên các tiêu chí: có vai trò quyết định cao nhất trong doanh nghiệp; có thời gian lãnh đạo đủ dài để tạo nên dấu ấn tích cực với công ty và ngành kinh doanh mà họ hoạt động…

Theo thống kê của Forbes Việt Nam, chỉ trong 10 năm từ 2008 đến 2018, bà Khanh đã đưa doanh thu của Vĩnh Hoàn tăng 3,8 lần, lợi nhuận sau thuế tăng 18,1 lần và tổng tài sản tăng 5,1 lần. Vĩnh Hoàn hiện là một trong những công ty cá tra lớn nhất ở thị trường nội địa, phát triển năng động nhất.

Dưới sự lèo lái của bà Khanh, Vĩnh Hoàn chú trọng đầu tư phát triển theo chiều sâu, hướng vào việc hoàn thiện chuỗi giá trị đã định hình thức ăn – nuôi trồng – chế biến – xuất khẩu.

3. “Công chúa mía đường” Đặng Hoàng Ức My

Đặng Hoàng Ức My được coi là người phụ nữ quyền lực nhất ngành mía đường Việt Nam. (Ảnh: nguoiduatin).

Tuổi: 39 tuổi

Tài sản: 2.230 tỷ đồng

Chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thành Công, Thành viên Hội đồng quản trị STB Đặng Huỳnh Ức My là con gái của ông Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc.

Bà Ngọc là người sáng lập nên Tập đoàn Thành Thành Công và có kinh nghiệm trên 30 năm trong lĩnh vực mía đường.

Bà My sinh 1982, từng sang New Zealand học tập và lấy bằng cử nhân quản trị kinh doanh – tài chính. Được coi là người phụ nữ quyền lực nhất ngành mía đường Việt Nam, doanh nghiệp của bà My đang giữ vị trí số 1 về sản xuất và tiêu thụ đường nội địa.

4. “Nữ tướng thực phẩm” Nguyễn Hoàng Yến

Nữ tỷ phú thầm lặng đứng sau ông chủ Masan.

Tuổi: 57

Tài sản: 2.130 tỷ đồng

Chức vụ: Thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Masan.

Bà Nguyễn Hoàng Yến sinh tại Hà Nam Ninh nhưng lớn lên ở Hà Nội và tốt nghiệp cử nhân tại Nga. Theo hồ sơ, năm 1993, bà Yến trở thành thành viên của Hội đồng quản trị Công ty nước khoáng Vĩnh Hảo. Tiếp theo đó, bà Yến tham gia vào Hội đồng quản trị Biên Hòa VinaCafe.

Năm 2000, bà Yến tham gia vào Masan Group và giữ chức vụ Phó chủ tịch công ty hàng tiêu dùng Masan. Dù là vợ của đại gia Nguyễn Đăng Quang song bà Yến khá kín tiếng. Nhiều người có quan hệ với bà Yến cho biết bà là mẫu phụ nữ đầy tài giỏi trong kinh doanh, nhưng cũng khéo vun vén để gia đình được yên ấm.

5. “Bà chúa nữ trang” Cao Thị Ngọc Dung

Cao Thị Ngọc Dung được mệnh danh là “bà chúa nữ trang” Việt Nam. ( Ảnh: nhadautu)

Tuổi: 63

Tài sản: 1.660 tỷ đồng

Chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận Được mệnh danh là “bà chúa nữ trang” Việt Nam.

Bà Dung là người gây dựng và phát triển Phú Nhuận PNJ từ một công ty tư nhân trở thành thương hiệu trang sức hàng đầu Việt Nam. Bắt đầu từ một cửa hàng kinh doanh nhỏ với số nhân sự ít ỏi, dưới sự chèo lái của bà Dung, sau hơn 25 năm, Phú Nhuận PNJ trở thành một công ty niêm yết với tổng tài sản hơn 2.500 tỷ đồng.

PNJ cũng đã trở thành thương hiệu trang sức hàng đầu Việt Nam với các mặt hàng uy tín, đủ sức cạnh tranh với các nhãn hàng quốc tế. Tương lai, bà Dung tham vọng xây dựng Phú Nhuận PNJ thành một tập đoàn bán lẻ trang sức hàng đầu châu Á.

Theo VTC

Author

eva@pressvn.com