0 Comments

Bà Cao Thị Ngọc Dung, sinh ngày 8/10/1957, nguyên quán tỉnh Quảng Ngãi, là một nữ doanh nhân người Việt Nam. Bà hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) và còn hay được nhắc đến với vai trò là vợ của ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á (DongABank).

Với những người quen biết của bà Dung, thì việc bà vẫn giữ được thái độ sống tích cực, lạc quan là một “kỳ tích” bởi trong vài chục năm cuộc đời, bà Dung đã gặp rất nhiều biến cố lớn lao, mà với nhiều người khác có thể không gượng dậy nổi.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận.

“Nhiều người nói rằng, tôi là “iron women” – “người đàn bà thép”, nhưng tôi không nghĩ như vậy. Tôi chỉ là người dám nhìn thẳng vào sự thật mà thôi”, bà Dung khẳng định.

Những năm 2000, bà được chẩn đoán mắc ung thư. Bà kể lại: “Khi đối diện với cái chết, tôi nghĩ mình phải mạnh mẽ hơn, phải chiến đấu chống lại nó. Hơn nữa, trước cái chết, tôi thấy sự hơn thua, nóng nảy cũng chẳng có ích gì nữa. Thế là, tôi buộc phải thay đổi tính cách của mình.

Sau cú sốc đó, tôi đã tìm được “cái tâm” của mình. Khi rơi vào một hoàn cảnh nào đó, tự dưng mình làm được những thứ mà bình thường mình không thể”.

Một biến cố lớn nữa đến với bà, là cuối năm 2016, chồng bà – ông Trần Phương Bình bị truy tố vì những sai phạm trong lúc điều hành ngân hàng Đông Á. Trong phiên tòa sơ thẩm, ông Bình bị tuyên án tù chung thân, buộc phải bồi thường cho DongABank hơn 27 ngàn lượng vàng và gần 2 ngàn tỷ dồng.

Tháng 11/2019, ông Bình tiếp tục bị truy tố thêm tội danh liên quan tới việc cho vay và chi sai nguyên tắc gây thiệt hại hơn 9,6 ngàn tỷ đồng.

Ông Trần Phương Bình bị truy tố thêm tội mới vào tháng 11/2019. (Ảnh: TTO)

Bỏ ngoài tai những lời xì xào bàn tán, bà Dung dồn toàn bộ tâm trí vào PNJ. Để rồi, cổ phiếu PNJ vẫn đang ở vùng đỉnh và dường như những thách thức trong vài năm qua không thể cản trở được bà trùm kim tiền.

So với đỉnh cao gần 140.000 đồng/cp hồi đầu 2018, cổ phiếu doanh nghiệp của bà Cao Thị Ngọc Dung đã giảm khá nhiều, kỷ lục vốn hóa 1 tỷ USD đã rời xa. Tuy nhiên, nhưng so với 4 năm trước, giá cổ phiếu PNJ vẫn còn tăng khoảng 4 lần.

Cổ phiếu PNJ hiện đang tham chiếu ở mức 81.700 đồng/cp với vốn hóa thị trường là 18,397.87 tỷ đồng.

Trong năm 2019 vừa qua, PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung lần đầu tiên trong lịch sử ghi nhận lợi nhuận đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính, năm 2019, PNJ đạt 17.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 17%; lãi sau thuế 1.191 tỷ đồng, tăng 24%. Công ty thực hiện 93% kế hoạch doanh thu và vượt 1% kế hoạch lợi nhuận. Tuy nhiên, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) cả năm ở mức 5.285 đồng, giảm 8% do công ty tăng vốn.

Kết thúc năm 2019, PNJ mở mới 43 cửa hàng, nâng số lượng cửa hàng lên con số 346. Trong đó, 288 cửa hàng PNJ Gold, 54 cửa hàng PNJ Silver, 4 cửa hàng CAO và 26 cửa hàng PNJ Watch.

Tính đến 31/12, tổng nguồn vốn của công ty là 8.600 tỷ đồng, tăng thêm 34% so với đầu năm. Nợ phải trả tăng thêm hơn 1.300 tỷ đồng, riêng vay ngắn hạn tăng thêm 1.053 tỷ đồng.

Nguồn vốn tăng thêm chủ yếu dùng để tăng hàng tồn kho, thêm 1.127 tỷ đồng so cuối quý III và 2.051 tỷ đồng so đầu năm lên 7.019 tỷ đồng. Trong mức tăng này chủ yếu là hàng tồn kho, ghi nhận 4.292 tỷ đồng, gấp gần 11 lần đầu năm. Tồn kho nguyên vật liệu cũng gấp 4,5 lần lên 393 tỷ đồng.

Nữ doanh nhân 61 tuổi từng chia sẻ triết lý kinh doanh đó là đặt lợi ích xã hội và người tiêu dùng lên trên lợi ích doanh nghiệp. Ngoài ra, cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Nói riêng về văn hóa tại PNJ, bà Ngọc Dung cho biết luôn hướng đến tính đa dạng và bao trùm trong sử dụng lao động. Bên cạnh vấn đề bình đẳng giới, bà quan tâm nhiều đến cộng đồng LGBT trong công ty.

Khánh Linh (t/h)/ANTT

Author

eva@pressvn.com