0 Comments

Theo danh sách tỷ phú USD do Tạp chí Forbes mới công bố, Việt Nam ghi nhận 6 cá nhân sở hữu tài sản trên 1 tỷ USD, giữ nguyên như năm trước. Tuy nhiên, có 3 cá nhân trong số này đã lọt vào top 1.000 người giàu nhất thế giới. 3 doanh nhân ấy là ông Phạm Nhật Vượng, ông Trần Đình Long và bà Trần Thị Phương Thảo.

“Đại gia Đông Âu” làm tỷ phú USD

Những doanh nhân Việt Nam thành danh từ Đông Âu đều là những người nổi tiếng, đứng đầu các tổ chức lớn ở trong nước, 4 người trong số họ là tỷ phú USD.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup tiếp tục giữ vị trí người giàu nhất Việt Nam với tài sản được Forbes ước tính lên tới 6,2 tỷ USD và trở thành người giàu thứ 422 thế giới. Tuy nhiên, tỷ phú Phạm Nhật Vượng là người duy nhất trong 6 tỷ phú ghi nhận tài sản sụt giảm so với năm ngoái. Cụ thể, tài sản của vị Chủ tịch Vingroup đã giảm 1,1 tỷ USD.

Theo Forbes, phần lớn tài sản của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng đến từ số cổ phần sở hữu trực tiếp và gián tiếp tại Vingroup, doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam hiện nay. Chính điều này đã khiến tài sản ròng của ông Vượng giảm mạnh khi giá cổ phiếu VIC đang trong xu hướng giảm liên tục. Ông Vượng đang sở hữu trực tiếp 985,5 triệu cổ phiếu VIC và sở hữu gián tiếp 1,17 tỷ cổ phiếu.

3 tỷ phú Việt Nam lọt top 1.000 người giàu nhất hành tinh. (Ảnh: Forbes)

Theo đó, kể từ khi đạt đỉnh hơn 128.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 4/2021, thị giá VIC đã liên tục giảm. Từ cuối năm 2021 đến nay, giá cổ phiếu này đã lao dốc một mạch từ vùng 106.000 đồng xuống mức 79.000 đồng/cổ phiếu hiện tại, tương đương mức giảm ròng 25,4%.

Chỉ trong tháng 2 vừa qua, thị giá cổ phiếu này cũng đã mất gần 20% giá trị. So với mức đỉnh đạt được hồi tháng 4/2021, thị giá hiện tại của VIC đã thấp hơn gần 40%, khiến vốn hóa doanh nghiệp giảm hàng tỷ USD.

Trước khi về nước và phát triển Vingroup trở thành một tập đoàn đa ngành lớn mạnh , ông Phạm Nhật Vượng là một trong những doanh nhân thành công với mặt hàng mì gói tại Ukraine. Technocom – tiền thân của Vingroup là một trong những nhà sản xuất mì ăn liền hàng đầu tại Ukraine.

Nếu như trước khi về, ông Phạm Nhật Vượng đã bán lại nhà máy sản xuất mì gói cho Nestlé để tập trung vào bất động sản thì ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh vẫn duy trì kinh doanh mặt hàng ngày, gây dựng nên Masan Consumer.

A Flourish chart

Tài sản của ông Hồ Tùng Anh theo ước tính của Forbes đạt 2,6 tỷ USD, tăng 1 tỷ USD so với năm 2021 và xếp ở vị trí 1.212 thế giới. Ông Hồ Tùng Anh là Chủ tịch HĐQT Techcombank. Ông Nguyễn Đăng Quang tài sản hiện tại đạt 2,1 tỷ USD, tương ứng tăng 900 triệu USD với với năm trước, xếp ở vị trí 1.453 thế giới. Ông Quang hiện là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan và Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank.

Chủ tịch Hòa Phát giàu thứ 2 Việt Nam

Theo dữ liệu cập nhật từ Forbes, giá trị tài sản ròng của ông Trần Đình Long lên 3,4 tỷ USD và lọt vào top 1.000 người giàu nhất thế giới. Ông Long hiện là người giàu thứ 2 Việt Nam, vượt bà Trần Thị Phương Thảo. Nếu so với một năm trước, giá trị tài sản của ông Long đã tăng tới 1,2 tỷ USD. Trong 6 tỷ phú Việt Nam, ông Long là người có tốc độ gia tăng tài sản ròng mạnh nhất một năm gần đây. Khối tài sản này giúp ông Long xếp thứ 892 trong danh sách người giàu nhất hành tinh.

Nếu so với lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách tỷ phú USD của Forbes năm 2018, khối tài sản ròng của ông Trần Đình Long đã tăng tới 2,1 tỷ USD, đưa ông từ vị trí 1.756 lên 892 hiện tại.

Theo Forbes, tài sản ròng của các tỷ phú USD được tạp chí định giá dựa trên lượng cổ phiếu nắm giữ trong các công ty, bất động sản, tiền mặt, các khoản đầu tư có giá trị… và trừ đi số nợ. Trong đó, nguồn tài sản chính của ông Trần Đình Long được xác định đến từ số cổ phần vị doanh nhân này nắm giữ tại Tập đoàn Hòa Phát. Tại Hòa Phát, ông Long và những người thân trong gia đình hiện là cổ đông lớn nhất với hơn 35% vốn nắm giữ.

Trên thị trường, dù đã giảm khoảng 15% kể từ đỉnh tháng 10/2021, tuy nhiên, giá cổ phiếu HPG hiện vẫn cao hơn 60% so với đầu năm 2021. Nhờ đó mà khối tài sản ròng của ông chủ tập đoàn này tăng cao. (Ảnh: FireAnt)

Ông Trần Đình Long đã soán ngôi á quân trong bảng xếp hạng danh sách người giàu Việt Nam của bà Nguyễn Thị Phương Thảo – người đồng sáng lập Tập đoàn Sovico – doanh nghiệp hoạt động đa ngành, từ bất động sản đến hàng không, dầu khí… Bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng là doanh nhân khởi nghiệp và thành công từ Đông Âu.

Tại Vietjet Air, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc hãng bay đang sở hữu trực tiếp 47,47 triệu cổ phiếu VJC và sở hữu gián tiếp 193,43 triệu cổ phiếu này thông qua Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny.

Theo số liệu từ Forbes, tài sản của bà Thảo hiện đạt 3,1 tỷ USD, tăng 300 triệu USD so với năm 2021 và trở thành người giàu thứ 987 hành tinh. Bà Thảo hiện là người giàu thứ 3 Việt Nam.

Người giàu thứ 6 Việt Nam có tổng tài sản 1,6 tỷ USD là ông Trần Bá Dương và gia đình – ông chủ Tập đoàn Thaco. Tài sản của ông Trần Bá Dương giữ nguyên so với năm 2021. Ông Trần Bá Dương hiện xếp vị trí thứ 1855 thế giới.

Như vậy, thời điểm hiện tại, tổng tài sản của 6 tỷ phú USD đạt 19 tỷ USD, tăng 2,3 tỷ USD so với năm ngoái

Author

eva@pressvn.com