0 Comments

Cưỡng chế “thần tốc” vì sao?

Theo đơn kêu cứu của ông Cường Trung gửi đến cơ quan báo chí, căn nhà cấp 4 gia đình ông xây cất trên phần diện tích đất giáp danh giữa xã Định Trung và phường Liên Bảo, thị xã Vĩnh Yên, Vĩnh Phú (cũ) và hiện nay là mặt đường Quốc lộ 2B. Được biết, phần đất này là do các hộ dân ở đây khai hoang, trồng rừng từ những năm đầu 1980 và hiện tại thuộc của gia đình ông Trung đang sử dụng.

Ông Trung cho biết, cuối năm 2019, ông Trung cho ông Đặng Ngọc Lam mượn đất (thỏa thuận miệng); sau đó ông Lam đã tiến hành dựng tạm căn nhà tôn khoảng 15 m2, trên thửa đất số 107, tờ bản đồ số 18 thuộc Khu Địa chất Chùa Hà, xã Định Trung. Khi đang hoàn thiện thì UBND xã Định Trung tới kiểm tra và UBND thành phố Vĩnh Yên đã ra quyết định xử phạt hành chính, kèm theo biên bản vi phạm hành chính số 24/BB-VPHC ngày 27/11/2019.

Sau đó, ông Lam đã có đơn khiếu nại và cơ quan chức năng đã phải hủy quyết định và biên bản vi phạm. Thời điểm đó, ông Lam đã thông báo rõ với UBND xã Định Trung là chủ khu đất và công trình vi phạm trên đất trước đó bao gồm: Công trình tường rào bằng tôn, gạch và ngôi nhà lợp tôn diện tích 100m2 có từ trước đó, không phải do ông Lam xây dựng, mà là của ông Nguyễn Cường Trung (cư trú tại xã Định Trung).

Thu giữ tài sản nhưng không hề kê biên có đúng qui định?

Thậm chí, ý kiến này của ông Lam cũng đã được ghi nhận và thể hiện tại Thông báo số 11/TB-UBND ngày 10/02/2020 của UBND xã Định Trung; cũng như Thông báo số 12 và 13/TB-UBND (ngày 17&19/2/2020) của xã Định Trung về việc xác định Chủ công trình xây dựng trái phép tại Khu Địa chất Chùa Hà, xã Định Trung.

Tuy nhiên, không hiểu lý do gì UBND xã Định Trung lại không làm việc với gia đình ông Cường Trung, cũng như không có bất kỳ thông báo nào về việc xử lý vi phạm, hay xác định chủ sở hữu khu đất trên gửi đến gia đình ông Trung, mà phía UBND xã “mặc định” phần diện tích này là vô chủ.

“Phần diện tích đất trên do gia đình tôi mua lại của các hộ dân để trồng cây, tuy nhiên, không hiểu lý do gì khi thực hiện các biện pháp cưỡng chế, xác định chủ công trình xây dựng… gia đình tôi lại không nhận được bất kỳ thông báo nào từ chính quyền địa phương. Phải chăng UBND xã đã quá lạm quyền khi xử lý cưỡng chế và cố tình áp phần đất của gia đình tôi là đất không có chủ?”, ông Trung bức xúc.

Không chỉ có việc “nhập nhèm” trong quá trình xác minh chủ sở hữu công trình vi phạm và chủ sở hữu lô đất, theo các biên bản xử lý từ UBND xã Định Trung cũng cho thấy, việc xử lý vi phạm đối với phần diện tích của gia đình ông Cường Trung theo kịch bản “thần tốc”. Cụ thể, UBND xã Định Trung không chỉ “phớt lờ” thông tin do ông Lam cung cấp về chủ sở hữu lô đất trên, mà các biên bản xử lý vi phạm cũng được triển khai một cách nhanh chóng với lý do “Không chủ”.

Thậm chí, các biên bản niêm yết công khai cũng chỉ được niêm yết tại nhà văn hóa theo kịch bản “thần tốc” không kém, không đăng phát triển truyền hình hay phát thanh địa phương. “Chỉ từ ngày 10/2/2020 đến ngày 19/2/2020, 3 biên bản niêm yết xác định chủ công trình vi phạm được đưa ra. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật việc niêm yết này phải được diễn ra trong vòng 30 ngày. Thế nhưng, khi thời gian niêm yết chưa hết, chưa xác định rõ chủ sở hữu thì ngày 25/2, Chủ tịch UBND xã Định Trung đã có tờ trình gửi UBND TP Vĩnh Yên đề nghị ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục.

Sau đó 2 ngày, ngày 27/3, Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Yên Trần Ngọc Hải đã ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý với công trình vi phạm của gia đình ông Cường Trung. “Phải chăng có sự khuất tất trong việc lập hồ sơ xử lý, cũng như khuất tất trong việc xác định chủ vi phạm, chủ sở hữu công trình nên UBND xã và UBND TP Vĩnh Yên đã ban hành những văn bản xử lý “thần tốc” với công trình vi phạm của gia đình tôi?”, ông Trung đặt câu hỏi.

Vượt thẩm quyền cưỡng chế?

Không chỉ ra các văn bản xác minh, niêm yết thần tốc, mà theo phản ánh của ông Cường Trung, việc xử lý phá dỡ công trình vi phạm là căn nhà cấp 4, cùng các công trình tường rào có giá trị hàng trăm triệu đồng của gia đình ông, cũng được UBND xã triển khai rất bất ngờ.

Theo đó, ngày 20/3/2020, UBND xã Định Trung đã tiến hành xử lý cưỡng chế theo dạng “nhà không chủ” với ngôi nhà cấp 4 của ông Nguyễn Cường Trung nói trên. Tại thời điểm cơ quan chức năng chuẩn bị cưỡng chế, ông Trung được người dân thông báo và xuất hiện tại công trình. Tuy nhiên, bất chấp sự có mặt của ông Trung, thậm chí trong ngôi nhà đang có người lưu trú, UBND xã Định Trung vẫn huy động máy móc, phương tiện san bằng ngôi nhà này.

Phần còn lại sau khi cưỡng chế

“Tôi làm kinh doanh nên thường xuyên không có nhà, tuy nhiên, sự việc xã xác minh chủ sở hữu công trình vi phạm của gia đình tôi, tôi hoàn toàn không biết. Thậm chí, gia đình tôi cũng không nhận được bất kỳ thông báo, giấy mời của xã để làm việc về vấn đề này. Trong khi đó, khi cưỡng chế tôi đã có mặt và yêu cầu xã làm đúng quy trình, lẽ ra thời điểm đó xã phải dừng ngay việc triển khai và lập lại hồ sơ xử lý, vì công trình này không phải là công trình không có chủ. Thế nhưng, bất chấp quy định của pháp luật, UBND xã Định Trung vẫn tiến hành cưỡng chế, khiến gia đình tôi bị thiệt hại nặng nề”, ông Trung bức xúc.

Đề cập về nguồn gốc của lô đất, theo ông Cường Trung cho biết, phần diện tích đất mà gia đình ông xây dựng căn nhà cấp 4 tại địa chỉ Khu Địa chất Chùa Hà, Định Trung, Vĩnh Phúc, đây là diện tích đất khai hoang của các hộ dân và được gia đình ông mua lại. Năm 1994, UBND tỉnh Vĩnh Phú đã giao cho Công ty Nhân Nghĩa quản lý khu vực này để trồng rừng và trồng cây lâm nghiệp theo Quyết định số 1096/QĐ-UB ngày 12/8/1994, với tổng diện tích được bàn giao là 120ha đất rừng (trong đó có phần diện tích khai hoang gia đình ông đang sở hữu).

Ngay sau khi được bàn giao, Công ty Nhân Nghĩa đã tiến hành ký hợp đồng giao đất trồng rừng cho các hộ gia đình với thời hạn 50 năm. Thời điểm này do người dân không nắm rõ về luật đất đai, nên phần diện tích khai hoang trước đó của nhiều hộ gia đình không được làm giấy chứng nhận quyền sở hữu đất. Và phần đất này không hiểu lý do gì đã thuộc quyền quản lý của Công ty Nhân Nghĩa.

Đến năm 2005, UBND tỉnh Vĩnh Phúc (tách ra từ tỉnh Vĩnh Phú) sau khi thành lập đã ra văn bản thu hồi diện tích đất rừng trên từ Công ty Nhân Nghĩa và bàn giao lại cho Ban Giải phóng mặt bằng và phát triển quỹ đất tỉnh quản lý. Sau đó, khu đất này đã được giao cho Đại học Dầu khí để triển khai xây dựng. Tuy nhiên, dự án này cũng không thành công, đất lại được trả về cho Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh quản lý.

Tại bản đồ địa chính thu hồi đất Công ty TNHH Nhân Nghĩa lập năm 2005, vị trí trên thuộc tờ bản đồ số 18, Khu Địa chất Chùa Hà, xã Định Trung ghi chú thích: Khu đất các hộ dân lấn chiếm đất của Công ty Nhân Nghĩa. Tuy nhiên, theo phản ánh của gia đình ông Cường Trung, đến thời điểm hiện tại nguồn gốc đất thuộc về đơn vị nào quản lý gia đình ông Trung cũng không nắm được.

“Nếu là đất của Công ty Nhân Nghĩa, thì thuộc quyền quản lý của tỉnh Vĩnh Phúc, và tỉnh phải có phương án bồi thường cho dân, nếu có quyết định thu hồi. Còn nếu là đất của thành phố Vĩnh Yên quản lý, thì chúng tôi nằm trong diện được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất. Chúng tôi yêu cầu cơ quan chức năng phải làm rõ về nguồn gốc đất, cũng như những việc UBND xã Định Trung tiến hành cưỡng chế công trình gia đình tôi có đúng quy trình hay không?”, ông Trung nói.

Phóng viên đã liên hệ với UBND xã Định Trung nhằm làm rõ những thông tin nêu trên.

Bạch Hiệp/Sở hữu Trí tuệ

Author

Ngo@pressvn.com