Ghi nhận lúc 7h sáng 16/12, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở điểm quan trắc Thảo Điền (quận 2) là 138 đơn vị, phường Long Phước (quận 9) là 155 đơn vị, đường Nguyễn Công Trứ (quận 1) là 142 đơn vị. So với 15/12, chỉ số này đã giảm xuống nhưng vẫn còn ở mức cao, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người.

Hiện tượng này đã xuất hiện từ tuần trước và kéo dài đến đầu tuần này, khiến bầu trời TP.HCM thường xuyên có hiện tượng sương mù dày đặc vào sáng sớm, kéo dài cả ngày.

Các tòa nhà phía trung tâm thành phố nhìn từ quận Phú Nhuận. (Ảnh: Quang Định)

Lý giải tình hình thời tiết này với Zing, chuyên gia thời tiết Lê Thị Xuân Lan cho biết có 3 yếu tố gây nên hiện tượng trên. Một là TP.HCM và khu vực phía Nam những ngày qua có mưa do nhiễu động đới gió đông nên độ ẩm cao, không khí bị lưu giữ ở tầng thấp trong bầu khí quyển.

Hai là không khí ô nhiễm dẫn đến tồn tại nhiều bụi lơ lửng, hơi nước bám vào các hạt bụi này tạo ra sương. Ba là TP.HCM và Nam Bộ chịu ảnh hưởng của không khí lạnh từ phía Bắc, ban ngày trời ấm nhưng ban đêm nhiệt độ giảm sâu nên hơi nước được tạo điều kiện bám vào các hạt nhân liên kết tạo ra sương ngày càng nhiều.

Hoạt động xây dựng, sửa chữa đường là một trong những nguồn phát sinh bụi vào bầu không khí tại TP.HCM. (Ảnh: Duyên Phan)

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), kết quả quan trắc trong tháng 11 và đầu tháng 12/2020 tại trạm quan trắc không khí tự động liên tục ở một số đô thị miền Bắc, Trung, Nam cho thấy thông số bụi mịn PM2.5 trung bình trong 24 giờ tại Hà Nội, TP.HCM hầu hết đều tăng cao hơn các đô thị khác.

Ông Lê Hoài Nam – vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường (Bộ TN-MT) – cho biết từ cuối năm 2019, khi họp bàn giải pháp cấp bách về kiểm soát chất lượng môi trường không khí ở các đô thị lớn, Bộ TN-MT đã nêu ra các nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài.

Giải pháp trước mắt khi xảy ra những đợt ô nhiễm yếu tố từ tác động bất lợi của khí hậu, thời tiết, cần triển khai các biện pháp mang tính “can thiệp” như phun rửa đường, kiểm soát nguồn gây ô nhiễm từ đường phố.

Còn về lâu dài, Bộ TN-MT đã trình lại Chính phủ xem xét, ban hành dự thảo chỉ thị tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.

Theo Minh Phương/Kinh tế Môi trường

Author

Ngo@pressvn.com