Viết bậy vào bài kiểm tra, vở bài tập

Phản ánh tới…, cô N.T.T, giáo viên tại Trường tiểu học Sài Sơn B cho hay, thời gian qua, học lực của học sinh tại trường xuống mức rất thấp. Cá biệt, một số em còn vò nát bài, viết, vẽ bậy lên kiểm tra và vở bài tập.

Cụ thể, trong quá trình giảng dạy môn Lịch sử và Địa lý của khối lớp 4, cô T. phát hiện nhiều học sinh “hổng” nặng về kiến thức. “Đối với môn Lịch sử, cả khối lớp 5 rất ít học sinh đạt điểm hoàn thành (trên trung bình). Cá biệt, tại lớp 4D, qua khảo sát có tới 100% học sinh đạt điểm dưới 5”, cô N.T.T chia sẻ.

Bài kiểm tra phản ánh sự “hổng” nặng về kiến thức Địa lý của học sinh

Theo phản ánh của cô T. và ghi nhận thực tế của phóng viên, trong các bài kiểm tra 2 môn Lịch sử và Địa lý của học sinh lớp 4, lớp 5, nhiều em có dấu hiệu “mất gốc” kiến thức.

Điển hình, bài kiểm tra môn Địa lý của em H. T. H. lớp 4C viết sai khá nhiều lỗi chính tả cơ bản như “rệt vải” (dệt vải), “chồng lúa” (trồng lúa),…

Không dừng lại ở đó, một số học sinh khác thể hiện sự nhầm lẫn, không phân biệt được các đơn vị đo lường. Trong bài kiểm tra môn Địa lý của em N. P. Y. N lớp 5B, học sinh này viết “Diện tích nước ta dài 3300 km2”.

Điều đáng nói, ở câu hỏi cuối cùng trong bài kiểm tra nói trên, học sinh này còn thể hiện thái độ coi thường, thách thức giáo viên khi viết: “Tại sao em phải trả lời cô?”

Ngoài các bài kiểm tra, trong vở bài tập của học sinh trường tiểu học Sài Sơn B cũng đầy rẫy các ngôn từ viết rất “bậy”. Cụ thể, trong vở bài tập của em N.V.T lớp 4C, học sinh này viết những từ ngữ như: “không biết”, “đ… biết”, “không nói”, “cút”,….

Trước tình trạng nói trên, cô N.T.T cho biết đã phản ánh vấn đề này với Ban giám hiệu (BGH) nhà trường. Tuy nhiên, không những nhận được cảm thông và chỉ đạo khắc phục, BGH lại cho rằng cô N.T.T đang đi ngược với thông tư hướng dẫn của Bộ giáo dục & Đào tạo.

“Vừa qua, BGH giao cho tôi phải dạy và thực hiện với bản chất lượng quá cao, hơn ½ số học sinh hoàn thành tốt. Điều này là bất thường so với lực học của học sinh. Cũng qua kiểm tra, tại lớp 4C của trường có duy nhất 01 em đạt điểm 5, còn lại đều dưới trung bình” – cô T. chia sẻ.

Ngôn từ “bậy” được thể hiện ngay trong vở bài tập
Bảng đăng ký kết quả đánh giá đối với môn Lịch sử – Địa lý

Sự “thờ ơ” của BGH và trách nhiệm của Phòng giáo dục?

Liên quan tới vấn đề này, PV đã liên hệ làm việc với ông Nguyễn Khắc Thắng, Trưởng Phòng giáo dục huyện Quốc Oai để làm rõ thông tin phản ánh. Theo đó, ông Thắng cho biết, cô N.T.T đã có nhiều lần phản ánh tới Phòng giáo dục huyện,lãnh đạo phòng cũng đã nắm được vấn đề này.

Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, tất cả vấn đề nói trên nằm ở chỗ giáo viên không nắm được phương pháp, giảng dạy học sinh sai. Về việc học sinh viết bậy, coi thường giáo viên là do cô giáo dậy không “đến nơi đến chốn” nên chỉ có 1, 2 học sinh viết “linh tinh”.

“Cô T tự ý khảo sát, cô ấy không nắm được phương pháp dạy. Thế bây giờ cô đọc kỹ hướng dẫn chưa, đi dự giờ chưa, học hỏi đồng nghiệp chưa?….

Làm gì có chuyện chất lượng, chỉ có 1-2 đứa học sinh cá biệt, cô ấy dạy không đến nơi đến chốn thì học sinh mới viết linh tinh vào đấy”,ông Thắng khẳng định.

Tuy ông Thắng cho biết, việc hổng kiến thức, viết, vẽ bậy vào bài kiểm tra chỉ là tình trạng cá biệt nhưng theo ghi nhận của PV, có rất nhiều bài kiểm tra, vở bài tập có dấu hiệu nói trên.

Bên cạnh cách giải thích thiếu hợp lý với thực tế PV ghi nhận, với tình trạng nêu trên, ông Thắng không nêu lên được trách nhiệm của lãnh đạo ngành giáo dục của huyện. Cùng với đó, các giải pháp để giải quyết tình trạng trên cũng không được đưa ra.

Để xác minh, làm rõ vụ việc nói trên, PV đã liên hệ tới BGH Trường Tiểu học Sài Sơn B nhưng chưa nhận được phản hồi.

Trao đổi với PV về tình trạng học sinh trường tiểu học Sài Sơn B hổng kiến thức cơ bản, thiếu tôn trọng giáo viên, một chuyên gia văn hóa, giáo dục cho rằng, đây là tình trạng đáng “báo động đỏ”.

“Bên cạnh việc đào tạo, truyền đạt kiến thức các môn học, trách nhiệm của nhà trường còn phải giáo dục nhân cách, đạo đức cho học sinh. Với việc học sinh bày tỏ thái độ vô lễ với giáo viên, rõ ràng nhà trường đã không xây dựng được văn hóa học đường.

Tình trạng này cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thuộc ngành giáo dục. Đối với các em học sinh có những hành vi (viết, vẽ bậy vào bài kiểm tra, vở bài tập) thể hiện sự thiếu tôn trọng giáo viên, nếu nghiêm trọng cần phải có sự can thiệp của các chuyên gia tâm lý. Qua đó, các em học sinh phải ý thức được rằng đó là hành vi sai trái, đặc biệt đối với lứa tuổi nhỏ như cành cây non cần phải uốn nắn từ sớm”, vị chuyên gia phân tích.

Có thể thấy, hiện tượng học sinh hổng kiến thức cơ bản, quậy phá trong lớp học và viết những ngôn từ thiếu chuẩn mực ở ngay môi trường giáo dục là một vấn đề hết sức báo động. Ở môi trường học đường, thậm chí ngay ở cấp tiểu học còn như vậy thì ở các môi trường khác các em học sinh sẽ như thế nào? Điều này khiến dư luận đặt ra dấu hỏi lớn về nguyên nhân do ý thức của học sinh, do sự bắt trước hay sự giáo dục chưa đúng đắn của nhà trường, gia đình?

PV … sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Đỗ Tùng – sở hữu trí tuệ

Author

Ngo@pressvn.com