Thời gian qua, Việt Nam được xem là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong 10 tháng đầu năm đạt hơn 22,46 tỷ USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2021 song tăng 9,9 điểm phần trăm so với 9 tháng…

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 12,9 tỷ USD, chiếm 57,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Đại diện LEGO đang giới thiệu mô hình, quy mô nhà máy LEGO thứ sáu cho Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Thái tử kế vị Hoàng gia Đan Mạch Frederik…

Mới đây nhất, vào ngày 3/11, Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) đã tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà máy mới trị giá 1 tỉ USD tại tỉnh Bình Dương. Đây là nhà máy đầu tiên của LEGO được thiết kế thành cơ sở trung hòa carbon. Xây dựng trên khu đất rộng 44ha, kích thước tương đương 62 sân bóng đá, nhà máy được giới thiệu là nơi áp dụng các công nghệ tân tiến nhất để tạo khuôn, xử lý và đóng gói các sản phẩm của LEGO. Dự kiến nhà máy sẽ tạo việc làm cho 4.000 người trong vòng 15 năm tới.

Nhiều doanh nghiệp FDI đã quyết định xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D tại Việt Nam, thể hiện quyết tâm đưa Việt Nam vượt qua vai trò điểm sản xuất để trở thành cứ điểm chiến lược ưu tiên của tập đoàn. Trước đó, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann trong các cuộc làm việc và đặc biệt là trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam, đặc biệt là vấn đề thu hút FDI. Theo ông, các công ty khối OECD đang có xu hướng tìm đến Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, theo ông Mark Ridley, Tổng giám đốc Điều hành Savills Global, người vừa có chuyến thăm chính thức Việt Nam, thì trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất vào năm 2023. Mức tăng trưởng vượt bậc của Việt Nam, theo Savills, là trái ngược hẳn với diễn biến kinh tế của các quốc gia khác ở châu Á.

“Việt Nam đang nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư trên khắp thế giới hơn bao giờ hết. Mức tăng trưởng toàn cầu vào năm 2023 sẽ ở mức 2,5% và các thị trường như Anh, châu Âu dự báo sẽ suy thoái trong 2 quý tiếp theo. Điều này tiếp tục thúc đẩy sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài khi Việt Nam đang sở hữu những cơ hội tăng trưởng như bây giờ”, ông Ridley nói.

Trong diễn biến có liên quan, tại báo cáo gửi tới Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, để thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài, Chính phủ Việt Nam đã có một loạt động thái quan trọng.

Cụ thể như ban hành các quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt, phê duyệt bộ tiêu chí thu hút FDI có chọn lọc, thành lập tổ công tác đặc biệt để tiếp cận, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn lớn, có công nghệ nguồn, đứng đầu chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu…

Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tham mưu, xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá để thu hút FDI hiệu quả, bền vững, trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, thúc đẩy đà phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong tình hình mới.

Author

Ngo@pressvn.com