Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới tiêu dùng thông minh, bền vững, cũng như những sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường ngay từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và sử dụng sản phẩm. Tiêu dùng ngày nay không những đòi hỏi về chất lượng sản phẩm, mà còn đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về tính xã hội và tính nhân văn của từng sản phẩm. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, người dân các và nhà đầu tư đã chuyển dần thói quen mua sắm bằng các kênh tiêu dùng xanh và ưu tiên cho bảo vệ sức khoẻ, tái tạo năng lượng.

Nhiều doanh nghiệp đã tiên phong nghiên cứu, sản xuất và phát triển các sản phẩm sinh học có giá trị xuất khẩu cao. Đơn cử, đại diện Tập đoàn An Phát Holdings, một trong những doanh nghiệp phát triển sản phẩm xanh (dòng sản phẩm sinh học phân huỷ hoàn toàn, bao gồm túi, dao, thìa, dĩa, ống hút…) cho biết:

“Khi chúng tôi xuất khẩu hàng hóa, việc có các tiêu chuẩn xanh sẽ giúp sản phẩm được công nhận. Hơn nữa, khi chúng ta có tiêu chuẩn Việt Nam về các sản phẩm xanh thì thời gian đăng ký cho các sản phẩm tại các quốc gia trên thế giới sẽ nhanh hơn. Đồng thời, tiêu chuẩn xanh sẽ giúp cho doanh nghiệp định hướng cần phải thay đổi sao cho phù hợp”.

Bên cạnh việc dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp thì hiện nay người dân cũng đã có ý thức cao hơn về việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, hướng tới tăng trưởng bền vững. Anh Hoàng Linh (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Khi được sử dụng những sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng thì tôi cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều. Và tôi cũng cảm thấy mình đã đóng góp một phần nhỏ bé trong việc bảo vệ môi trường”.

Hay chị Phương Mai – nhân viên bán hàng tại một siêu thị tại Đống Đa, Hà Nội cũng cho biết: “Ngay tại siêu thị mình đang làm việc, thay vì việc sử dụng túi nilon như trước kia thì nhiều thực phẩm đã được bọc bằng lá chuối hoặc những sản phẩm thân thiện môi trường, rồi ống hút nhựa dần được thay bằng ống hút giấy, ống hút tre hoặc nhiều sản phẩm mỹ phẩm cũng đã hướng đến hạn chế sử dụng chất hóa học, tăng cường sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường… tất cả đều nhận được phản hồi rất tích cực từ người dùng”.

Các chuyên gia nhận định, tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững, và là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ đến bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại nhưng không làm ảnh hưởng đến thế hệ tương lai. Điều này đã và đang được thực hiện và ghi nhận sự chuyển biến tốt tại Việt Nam thời gian qua.

Tuy nhiên, sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng trong bối cảnh dịch Covid-19 sẽ vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với các đơn vị, cửa hàng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong việc sản xuất, cung ứng hàng hóa theo các tiêu chí xanh, sạch, minh bạch thông tin sản phẩm để thu hút người tiêu dùng.

Để hướng tới các mô hình sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững cần có sự nỗ lực từ phía các doanh nghiệp sản xuất, nhà cung cấp cũng như những thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, rất cần những cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp của các cơ quan chức năng, địa phương trong việc khuyến khích các mô hình sản xuất, tiêu dùng xanh, bền vững.

Tiêu dùng xanh là một nội dung trong dự thảo “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng. Trong đó, dự thảo đưa ra những mục tiêu, bao gồm các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể theo từng khía cạnh của tăng trưởng xanh như: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính; Xanh hóa các ngành kinh tế; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; Bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu trong quá trình chuyển đổi xanh…

Author

Ngo@pressvn.com