0 Comments

Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) mới đây đã ban hành Quyết định số 207/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (Mã CK: AMD – HoSE).

Cụ thể, FLC Stone không công bố thông tin trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN, trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh đối với Nghị quyết Hội đồng quản trị số 113/NQ-HĐQT ngày 01/8/2019 thông qua kế hoạch kinh doanh 2019.

Với hành vi vi phạm này, FLC Stone bị phạt hành chính số tiền 85 triệu đồng.

Đây không phải là lần đầu tiên FLC bị phạt nặng vì vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Trước đó, ngày 21/1, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng ban hành Quyết định số 09/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (địa chỉ: Số 265 Cầu Giấy, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội).

Theo đó, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định phạt FLC Faros 70.000.000 đồng (Bảy mươi triệu đồng) theo quy định tại Khoản 3 Điều 33 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 108/2013/NĐ-CP).

Nguyên nhân FLC Faros đã có hành vi vi phạm hành chính: Công bố thông tin không đúng thời hạn, không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật (Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros công bố thông tin không đúng thời hạn Quyết định cưỡng chế vi phạm thuế số 571/QĐ-CCT ngày 06/3/2019 của Chi cục thuế thành phố Hội An; Công bố thông tin không đầy đủ nội dung tại Báo cáo tài chính năm 2018, 2019. Cụ thể: Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros không thuyết minh về việc Công ty bị xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; chưa thực hiện thuyết minh riêng bất động sản đầu tư nắm giữ chờ tăng giá; chưa thực hiện thuyết minh thông tin về giá trị hợp lý của bất động sản đầu tư; thuyết minh chưa đầy đủ về Doanh thu bán hàng hóa là vật liệu xây dựng).

Quyết định phạt tiền 100.000.000 đồng (Một trăm triệu đồng) theo quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều 33 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 40 Điều 1 Nghị định số 145/2016/NĐ-CP ngày 01/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2013/NĐ-CP vì đã có hành vi vi phạm hành chính, công bố thông tin sai lệch (Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros công bố thông tin Báo cáo tài chính năm 2018, 2019 có nội dung sai lệch.

Tháng 8/2020, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng ban hành Quyết định số 230/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với CTCP Tập đoàn FLC với số tiền 70 triệu đồng.

Theo Quyết định xử phạt, Tập đoàn FLC có hành vi vi phạm hành chính: công bố thông tin không đúng thời hạn, không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật (CTCP Tập đoàn FLC công bố thông tin không đúng thời hạn Nghị quyết Hội đồng quản trị (HĐQT) số 80B/2019/NQ-HĐQT-FLC ngày 25/6/2019 phê duyệt giao dịch giữa Công ty với bên liên quan là thành viên Ban kiểm soát Công ty và người có liên quan với thành viên HĐQT Tập đoàn FLC về việc chuyển nhượng cổ phần CTCP Đầu tư kinh doanh và phát triển Bất động sản FLCHOMES.

Bên cạnh đó, Tập đoàn FLC không thống kê Nghị quyết HĐQT số 80B/2019/NQ-HĐQT-FLC ngày 25/6/2019 và không trình bày các giao dịch với bên liên quan theo Nghị quyết HĐQT số 80B/2019/NQ-HĐQT-FLC ngày 25/6/2019 trong Báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2019 và Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2019).

Với các hành vi vi phạm trên, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt tiền 70.000.000 đồng (bảy mươi triệu đồng) theo quy định tại Khoản 3 Điều 33 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/09/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu bán hàng của FLC Stone tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm ngoái (tăng 30%, đạt 787 tỷ đồng), nhưng giá vốn cao nên lợi nhuận gộp thu về của công ty sụt giảm mạnh 31%, chỉ đạt 29 tỷ đồng.

Đáng chú ý, FLC Stone ghi nhận khoản doanh thu tài chính tăng đột ngột lên hơn 10 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ khoảng 1,5 tỷ đồng. Nguồn thu hoạt động tài chính chủ yếu đến từ lãi tiền gửi và lãi cho vay từ các hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Cuối kỳ, FLC Stone báo lãi ròng 6,7 tỷ đồng, hoàn thành 31% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Mặc dù hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh, có lãi nhưng dòng tiền từ hoạt động của FLC Stone bị hao hụt rất nhiều do biến động hàng tồn kho và lỗ từ hoạt động đầu tư, dẫn tới âm 3,6 tỷ đồng.

Thị giá AMD của công ty đã đánh mất 40% giá trị sau khi liên tục tăng kịch trần và leo đỉnh cao nhất 3 năm gần đây tại mức 7.800 đồng/cp (phiên 23/4). Đóng cửa phiên 04/8, giá tham chiếu của AMD ở mức 4.680 đồng/cổ phiếu.

Author

Ngo@pressvn.com