Các vụ việc thu hồi điển hình

Năm 2017, Công ty Tân Thuận ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất có tổng diện tích 323.287 m2 tại TP.HCM cho Công ty Quốc Cường Gia Lai, tương ứng giá 1.290.000 đồng/m2. Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can nhiều cá nhân về hành vi “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Trước khi vụ án được khởi tố, năm 2018, khi phát hiện ra các sai phạm trong quá trình chuyển nhượng này, các cơ quan có thẩm quyền đã không đồng ý bán chỉ định, yêu cầu Công ty Tân Thuận đàm phán với đối tác hủy hợp đồng. Dù không muốn, Công ty Quốc Cường Gia Lai rất “khôn ngoan” chấp nhận hủy hợp đồng, trả lại đất cho Công ty Tân Thuận.

Trong vụ án khu đất vàng số 8 – 12 Lê Duẩn, TP.HCM được giao đất trái pháp luật có một trong những bị cáo là ông Nguyễn Thành Tài – PCT UBND TP.HCM, Tòa đã quyết định thu hồi lại đất có giá trị hàng ngàn tỷ đồng trả cho Nhà nước, trả lại tiền cho các cổ đông góp vốn, riêng vốn của Công ty Hoa Tháng Năm thì bị tịch thu do liên quan đến hành vi phạm tội.

Khu đất 43 ha đất công được bán với giá bèo cho tư nhân tại Bình Dương có tên thương mại là Mega City 3.

Tại sao không thu hồi 43 ha đất của Tổng Công ty Bình Dương?

Tổng công ty Bình Dương là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương, được giao hơn 43 ha đất công để xây dựng khu đô thị Tân Phú trong tổng thể Khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ – Đô thị Bình Dương rộng hơn 567 ha. Tổng công ty Bình Dương không khai thác có hiệu quả khu đất này mà bằng các “thủ thuật” để bán toàn bộ khu “đất vàng” ở vị trí hạng nhất của TP Thủ Dầu Một về tay tư nhân với giá rẻ không tưởng.

Năm 2010, Tổng công ty cùng Công ty Âu Lạc thành lập Công ty liên doanh Tân Phú đầu tư, kinh doanh dự án tại khu đất có diện tích 43 ha của Tổng công ty. Khi thành lập Công ty Tân Phú, Tổng công ty Bình Dương góp 60 tỷ đồng, chiếm 30% vốn điều lệ, Công ty Cổ phần Âu Lạc góp 140 tỷ đồng, chiếm 70% vốn điều lệ. Giá chuyển nhượng 43 ha đất cho Công ty Tân Phú chỉ hơn 250 tỷ đồng, tương đương với giá khoảng 580.000 đồng/m2.

Sau khi chuyển nhượng 43 ha đất công từ doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước sang công ty liên doanh chỉ có 30% vốn Nhà nước, “nhóm lợi ích” này tiếp tục “phù phép” thâu tóm đất công. Ngày 2/8/2017, Tổng công ty Bình Dương chuyển nhượng nốt 30% giá trị vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Cổ phần bất động sản Âu Lạc với giá hơn 161 tỷ đồng. Như một trò ảo thuật, toàn bộ 43 ha đất “vàng” công sản trở thành tài sản riêng của tư nhân.

Về bản chất, Tổng công ty chỉ thu về 351 tỷ đồng, gồm 250 tỷ chuyển nhượng đất ban đầu và tiền chênh lệch 101 tỷ giữa giá bán 30% cổ phần (161 tỷ đồng) và 60 tỷ đồng tiền vốn góp. Như vậy, 43 ha đất đã được chuyển từ Doanh Nghiệp Nhà nước sang tư nhân với giá 351 tỷ đồng, tương ứng với hơn 800.000 đ/m2, so với giá hàng chục triệu đồng/m2 hiện nay, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng.

Sau khi sở hữu 100% vốn tại Công ty Tân Phú, Công ty Âu Lạc bán 100% vốn cho Công ty A Đông Hải (sau này đổi tên thành Công ty Kim Oanh). Với giá chuyển nhượng hơn 350 tỷ đồng, Công ty Kim Oanh có ngay 100% vốn Công ty Tân Phú với 43 ha đất. Trò “ảo thuật” kết thúc, Công ty Kim Oanh là đích đến cuối cùng.

Các cá nhân có sai phạm trong việc góp, chuyển nhượng vốn trên tại Tổng công ty đã bị khởi tố, về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Khu đất 43 ha bị ngăn chặn và cấm chuyển dịch, sổ đỏ lô đất do Ngân hàng Phương Đông đang quản lý bị thu giữ. Đây là việc làm rất kịp thời, đúng pháp luật của Cơ quan điều tra Bình Dương.

Cho đến nay vẫn chưa có cơ quan có thẩm quyền nào yêu cầu Tổng công ty Bình Dương hủy thỏa thuận dùng 43 ha đất của Nhà nước để liên doanh, đồng thời hủy việc chuyển nhượng 30% phần vốn góp cho Công ty Âu Lạc. 43 ha đất “vàng” công sản vẫn là tài sản của Công ty Tân Phú, do Công ty Kim Oanh sở hữu.

Kim Oanh Group tổ chức lễ động thổ Dự án Khu đô thị Thương mại Dịch vụ Tân Phú.

Lớn tiếng “tố” cơ quan tố tụng

Theo quy hoạch, Khu đô thị Tân Phú có hơn 2.000 sản phẩm đất nền, nhà xây sẵn cùng hệ thống dịch vụ, tiện ích hiện đại phục vụ nhu cầu cuộc sống cư dân. Sau khi thâu tóm xong Công ty Tân Phú, Công ty Kim Oanh động thổ dự án Khu đô thị Tân Phú, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã buộc dừng thi công do dự án chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư và chưa có giấy phép xây dựng.

Các đơn vị thành viên Kim Oanh Group cùng hợp tác phát triển dự án khu đô thị Tân Phú với tư cách chủ đầu tư, thi công và phân phối. Đáng chú ý, Kim Oanh Group đã có dấu hiệu huy động vốn của nhiều khách hàng dưới hình thức góp vốn hay “hợp đồng vay tiền” liên quan đến Dự án Tân Phú thông qua Công ty Nam Kim. Từ tháng 5/2019 đến hết tháng 9/2019 Công ty Nam Kim đã có 651 giao dịch với khách hàng qua ngân hàng với tổng số tiền 405 tỷ đồng (chưa kể giao dịch tiền mặt và qua các kênh khác ngoài Công ty Nam Kim). Số tiền này lớn hơn số tiền Công ty Kim Oanh mua Công ty Tân Phú để có được 43 ha đất.

Nhiều giao dịch được ghi rất rõ là góp vốn đầu tư, đặt cọc theo hợp đồng vay vốn, tiền góp vốn theo hợp đồng… Có những giao dịch hàng chục tỷ đồng đã được chuyển tiếp cho Công ty Tân Phú. Điều kiện hợp đồng được ghi rất rõ “Bên B là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Tân Phú; dự án hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện các bước thủ tục pháp lý có liên quan để triển khai hạ tầng và sớm đưa sản phẩm ra kinh doanh”. Như vậy, Dự án chưa hoàn thiện pháp lý thì đã nhận tiền, bản chất là bán. Đơn giá được xác định là hàng chục triệu đồng/m2. Như vậy, giá trị cả 43 ha đất có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Bằng mọi cách để đạt được lợi ích đã tính toán, Công ty Kim Oanh lớn tiếng cho rằng mình là bên mua bán ngay tình, “tố” Cơ quan điều tra Bình Dương hình sự hóa quan hệ dân sự, gây khó dễ cho doanh nghiệp. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng quyền sử dụng đất này không phải là tài sản Nhà nước. Có rất nhiều các suy diễn nhằm gây sức ép cho Cơ quan điều tra Bình Dương để giải tỏa khu đô thị Tân Phú, hoàn tất trò “ảo thuật”, bán đất ra thị trường, thu tiền, chấm dứt mọi hy vọng vào việc thu hồi tài sản thất thoát trong vụ án này.

Tổng công ty Bình Dương vi phạm nghiêm trọng quy định về thẩm định giá, đấu giá tài sản nhà nước và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, gây thất thoát cho Nhà nước. Các giao dịch góp vốn, chuyển nhượng vốn trái pháp luật không có giá trị. Công ty Kim Oanh chỉ là người mua lại cổ phần từ Công ty Âu Lạc để sở hữu Công ty Tân Phú. Công ty Kim Oanh hưởng lợi ích và cũng phải chịu trách nhiệm về các hoạt động, rủi ro của Công ty Tân Phú. Việc thu hồi 43 ha đất về cho Nhà nước là việc cần thực hiện ngay để hạn chế tối đa các thiệt hại. Bên cạnh đó, các cơ quan pháp luật cần xử lý ngay các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi huy động vốn, bán đất khu Tân Phú khi chưa đủ điều kiện.

Theo Kinhtechungkhoan.vn

Author

Ngo@pressvn.com