Mục tiêu biên soạn và ban hành 100% tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng

Phát biểu tại Tọa đàm trực tuyến với các chủ đề: “Nghiên cứu, phổ biến Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật xây dựng theo định hướng mới, thúc đẩy vai trò quản lý của Nhà nước và đáp ứng các yêu cầu trong hoạt động xây dựng” và “Bàn về định hướng ngành vật liệu xây dựng phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn mới”, ông Tào Khánh Hưng, Phó Tổng biên tập Báo Xây dựng cho biết, nhận thức rõ tầm quan trọng của khoa học và công nghệ trong việc hoạch định, xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật, thời gian qua Bộ Xây dựng luôn bám sát và triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển khoa học và công nghệ.

Nhận thấy tầm quan trọng của khoa học và công nghệ trong việc hoạch định, xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật, thời gian qua Bộ Xây dựng luôn bám sát và triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển khoa học và công nghệ. Các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng chiến lược, chính sách, các văn bản pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ để trình cấp có thẩm quyền ban hành như: Luật Xây dựng sửa đổi; Đề án hoàn thiện các Tiêu chuẩn quy chuẩn; Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng…

Ngày 09/02/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng với mục tiêu đến năm 2030, hoàn thành biên soạn và ban hành 100% tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng theo quy hoạch định hướng mới.

Theo Quyết định phê duyệt Đề án của Thủ tướng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng bao gồm: Quy hoạch xây dựng, vật liệu xây dựng, cơ khí xây dựng và khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, nghiệm thu, kiểm định, bảo trì, sửa chữa các công trình xây dựng (công trình dân dụng, công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình công nghiệp, công trình giao thông, công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình an ninh, công trình quốc phòng và các công trình xây dựng khác).

Phạm vi của Đề án liên quan đến toàn bộ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng đang áp dụng trên lãnh thổ Việt Nam bao gồm: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực.

Mục tiêu tổng quát của Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng đồng bộ, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và các hoạt động trong xây dựng; đảm bảo an toàn trong xây dựng; khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất lao động, chống thất thoát lãng phí; hướng tới các tiêu chí xanh, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo vệ an ninh quốc gia.

Theo Quyết định phê duyệt Đề án, đến năm 2020 hoàn thành quy hoạch, biên soạn và công bố “Bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ngành Xây dựng” bao gồm 15 – 20 quy chuẩn Việt Nam để phục vụ hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an toàn xây dựng; lợi ích, an ninh quốc gia; bảo vệ tài nguyên, môi trường; tiết kiệm năng lượng; phù hợp với các công nghệ xây dựng tiên tiến trong nước và quốc tế. Đến năm 2030, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, thường xuyên soát xét, cập nhật nội dung các quy định trong Bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ngành Xây dựng.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng tích cực và chủ động tham mưu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, đồng thời ban hành theo thẩm quyền nhiều cơ chế, chính sách, nhiều đề án, chiến lược, chương trình nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung, vật liệu xanh, thân thiện với môi trường, hiệu quả năng lượng…

Ngày 18/8/2020, tại Quyết định 1266/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050. Chiến lược được phê duyệt có ý nghĩa quan trọng, dẫn dắt định hình các hoạt động phát triển VLXD phù hợp với quy luật cung – cầu của kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, lấy phát triển kinh tế xã hội và hài hòa bảo vệ môi trường làm chủ đạo trong thời gian 10 năm tới và định hướng đến năm 2050.

Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050 đã đặt ra mục tiêu tổng quát là: Phát triển ngành công nghiệp VLXD đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của trị trường trong nước; Loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất VLXD lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; Xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế. Hạn chế xuất khẩu những sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu là tài nguyên khoáng sản không tái tạo.

Ảnh minh họa

Những khó khăn, bất cập cần tháo gỡ

Nói về những bất cập, tồn tại trong việc triển khai áp dụng các tiêu chuẩn liên quan tới ngành xây dựng, ông Nguyễn Lương Bình – Phó TGĐ CTCP Tư vấn công nghệ thiết bị và Kiểm định xây dựng (CONINCO) cho biết, trên thực tế, tới năm 2020 Việt Nam có tới hơn gần 13.000 tiêu chuẩn. Tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam lên mức tương đối cao (năm 2019 đạt tới 54%) trong đó lĩnh vực có tỷ lệ hài hòa với quốc tế cao nhất là Điện – Điện tử và Thực phẩm (>80%).

Trong lĩnh vực xây dựng cơ bản có tới gần 1.600 tiêu chuẩn Việt Nam và theo kế hoạch 2020 tới 2030 dự kiến chuyển đổi hơn 1.000 tiêu chuẩn Việt Nam từ nền tảng tiêu chuẩn Liên Bang Nga sang nền tảng tiêu chuẩn châu Âu. Tuy nhiên, cũng do các tiêu chuẩn này được áp dụng dựa trên các tiêu chuẩn nền tảng của Liên Bang Nga, nền tảng chiêu chuẩn của các nước châu Âu nên đôi khi chưa có sự thống nhất và còn nhiều chồng chéo, gây khó khăn trong việc áp dụng vào ngành Xây dựng.

“Trong quá trình triển khai, áp dụng các tiêu chuẩn quy chuẩn có một số nội dung đã lỗi thời, chưa được cập nhật hoặc không còn cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế của ngành Xây dựng. Việc theo dõi, quản lý sử dụng hệ thống tiêu chuẩn chưa có mã tên cơ quan biên soạn, chưa tích hợp mã vạch hay mã số cũng khiến doanh nghiệp khó khăn trong tìm kiếm các quy chuẩn phù hợp để áp dụng”, ông Nguyễn Lương Bình – Phó TGĐ CTCP Tư vấn công nghệ thiết bị và Kiểm định xây dựng (CONINCO) cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Lương Bình, hiện còn có tình trạng các đơn vị tư vấn trong, ngoài nước sử dụng tiêu chuẩn chưa đồng bộ đối với cùng 1 dự án do sử dụng tiêu chuẩn quy chuẩn chưa cập nhật, chưa theo kịp các công nghệ tiên tiến; chưa cập nhật các tiêu chí về công trình xanh, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường hoặc do hạn chế từ nguồn vốn đầu tư. Ngoài ra, việc đào tạo ở các trường Đại học chuyên ngành chưa cập nhật kịp thời các tiêu chuẩn quy chuẩn nên khi thực hành các kỹ sư cần tìm hiểu, cập nhật, thực hành.

Đồng quan điểm, ông Dương Anh Tuấn, Phó TGĐ CTCP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai cũng cho rằng việc ban hành áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kịp thời, là cơ sở để doanh nghiệp chuẩn hóa được quy trình sản xuất trong nhà máy cũng như trong quá trình xây dựng. Ngoài ra, mặc dù doanh nghiệp được phép đề xuất áp dụng các tiêu chuẩn quy chuẩn châu Âu vào thiết kế, tuy nhiên ngay cả với các sản phẩm bất động sản Xuân Mai vẫn phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Nhà nước.

“Do vậy, công tác phổ biến tiêu chuẩn, quy chuẩn cực kỳ quan trọng đối với các doanh nghiệp thiết kế, xây dựng, sản xuất. Việc cập nhật, trao đổi các vướng mắc trong quá trình triển khai sản xuất là cực kỳ cần thiết” – ông Tuấn chia sẻ.

Mã số hóa tiêu chuẩn để doanh nghiệp, người dân dễ tra cứu và áp dụng

Ghi nhận những phản ánh của doanh nghiệp, ông Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, năm 2017, Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng đề án Đề án được hoàn thiện, trình Chính phủ và được Thủ tướng phê duyệt vào ngày 09/02/2018 với tên gọi Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng với mục tiêu đến năm 2030 (Hay còn gọi là Đề án 198).

Đề án chia ra làm 2 giai đoạn. Trong giai đoạn đến năm 2021, có 5 mục tiêu nhỏ như: Sắp xếp, tinh gọn hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn (tránh sự chồng chéo) từ 28 quy chuẩn giảm xuống còn 15 đến 20 quy chuẩn; Hoàn thiện quy hoạch định hướng hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có đến 1.500 tiêu chuẩn, trong đó Bộ Xây dựng biên soạn, thẩm định khoảng 1.000 tiêu chuẩn. Những năm qua, hệ thống tiêu chuẩn tản mát, được biên soạn bởi nhiều tổ chức khác nhau, không đồng bộ. Vì vậy, cần tìm ra một hướng mới để biên soạn hệ thống tiêu chuẩn. Mục tiêu trong năm 2021, Bộ Xây dựng sẽ biên soạn 10 – 15% tiêu chuẩn theo định hướng mới.

Mục tiêu tiếp theo là hoàn thiện cơ chế chính sách, kiểm soát quy trình áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở… Đồng thời đổi mới nghiên cứu hệ thống phổ biến thông tin về tiêu chuẩn.

“Hiện nay chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn. Vì vậy, hệ thống tiêu chuẩn cần sớm được đưa vào rộng rãi, tránh để người dân, các đơn vị liên quan tiếp cận thông tin gặp khó khăn. Cuối cùng là đổi mới hệ thống giáo trình tại các trường đại học, cập nhật kịp thời hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn mới được áp dụng trong tương lai” – ông Vũ Ngọc Anh thông tin.

Giai đoạn 2 là đến năm 2030, biên soạn đầy đủ 100% tiêu chuẩn do Bộ Xây dựng ban hành. “Hơn hết, gần 1.000 tiêu chuẩn sau khi biên soạn sẽ được xếp vào thành 8 bộ, 8 bộ tiêu chuẩn từ những vấn đề chung như quy hoạch, hạ tầng, kiến trúc… và khảo sát, thiết kế, sẽ được mã số, quản lý dễ dàng và doanh nghiệp, người dân dễ tra cứu, áp dụng”, ông Vũ Ngọc Anh nhấn mạnh.

Theo Chất lượng Việt Nam online

Author

Ngo@pressvn.com