Đã gần 2 ngày kể từ 29/6, chợ đầu mối Hóc Môn phải tạm đóng cửa để thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19 – tổng lượng rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm và thuỷ hải sản về các chợ đầu mối tại TP HCM giảm thêm 11,4% so với ngày hôm trước, đạt 5.608 tấn.

Trong đó, nhóm mặt hàng thịt gia súc, gia cầm đạt 264,4 tấn/ngày đêm (giảm 14,4%); nhóm mặt hàng thủy hải sản đạt 558,2 tấn/ngày đêm (tăng 0,3%) và nhóm mặt hàng rau củ quả, trái cây: 4.784,7 tấn/ngày đêm (giảm 12,4%).

Chợ đầu mối Hóc Môn dù ngưng hoạt động nhưng đã chủ động điều tiết khoảng 900 con heo (tương đương 67,5 tấn) về lò giết mổ Xuân Thới Thượng để cung cấp cho thương nhân mua sỉ. Bên cạnh đó, tiểu thương chợ này cũng nhập khoảng 300 tấn bí, khoai lang… về các kho xung quanh chợ để cung cấp ra thị trường.

Tại chợ đầu mối Thủ Đức, tổng lượng hàng về chợ đạt là 3.519 tấn, giảm 1,5% so với ngày 28-6 là 3.574 tấn. Dù vậy, mặt hàng rau củ quả tiếp tục tăng 6,7%, đạt 2.193 tấn (ngày 28-6 đã tăng 14%).

Lượng hàng hoá nông sản thực phẩm các nơi đưa về chợ đầu mối tại TP HCM giảm mạnh trong những ngày gần đây (ảnh minh họa).

Còn tại chợ đầu mối Bình Điền, mặt hàng rau củ quả và trái cây tăng 0,5%, đạt 965,7 tấn trong khi mặt hàng hàng thịt heo giảm 19,8% so với ngày hôm trước, đạt 177,4 tấn (ngày 28-6 đã tăng đến 58,8%).

So với thời điểm nửa đầu tháng 6, lượng nông sản thực phẩm các nơi đưa về tiêu thụ tại các chợ đầu mối TP HCM đã giảm đáng kể. Chẳng hạn, tổng lượng hàng hoá trung bình của nửa đầu tháng 6 dao động quanh mức 7.600 – 7.800 tấn/ngày đêm (hiện chỉ còn 5.608 tấn). Thủy hải sản từ 760-840 tấn đã giảm về mức 558 tấn; gia súc, gia cầm từ 550 tấn chỉ còn 264,4 tấn; rau củ quả từ 6.250 tấn chỉ còn 4.784,7 tấn.

Việc rau củ quả tăng giá trong thời điểm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp đã khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM – ông Nguyễn Nguyên Phương, cho VTC news biết, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 có dấu hiệu diễn biến ngày càng phức tạp, việc tăng cường, siết chặt công tác phòng chống dịch tại các chợ truyền thống là hết sức cần thiết để hạn chế tối đa nguy cơ và rủi ro lây nhiễm.

Ông Phương cũng thông tin cho biết, hiện chưa xác định được mối liên hệ của việc rau củ quả tăng giá với việc siết chặt công tác phòng chống dịch tại các chợ truyền thống.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, việc giá cả hàng hóa tăng giảm chủ yếu do quy luật cung – cầu quyết định. Qua quan sát thị trường 2 ngày qua, giá cả mặt hàng rau củ quả không tăng đồng loạt mà chủ yếu chỉ tăng ở các loại rau nhiệt đới như cải xanh, cải ngọt, bầu bí… Hơn nữa, giá các mặt hàng này không chỉ tăng tại các chợ lẻ mà đã tăng ngay từ khi về các chợ đầu mối.

“Nguyên nhân do tỉnh Tây Ninh, là vùng nguyên liệu chính sản xuất, cung cấp các mặt hàng rau nhiệt đới cho thị trường TP.HCM, áp dụng chủ trương kiểm soát, cách ly người đến và về từ một số chợ trên địa bàn thành phố, trong đó có 2 chợ đầu mối là Hóc Môn và Bình Điền.

Quy định này vô tình đã gây khó khăn cho việc vận chuyển và cung ứng hàng hóa từ Tây Ninh về thị trường TP.HCM. Các thương lái không dám nhập hàng từ Tây Ninh để đưa về các chợ đầu mối của thành phố do lo ngại bị cách ly, dẫn đến nguồn cung một số mặt hàng rau nhiệt đới giảm xuống. điều này là nguyên nhân chính làm cho giá cả các mặt hàng trên có xu hướng tăng lên”, ông Phương nói.

Theo đó Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã có những giải pháp đề nghị các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường thành phố rà soát năng lực cung ứng mặt hàng thịt lợn và rau, củ, quả của đơn vị; rà soát lại các nguồn cung, chủ động liên hệ với đơn vị cung ứng để tính toán điều chỉnh tăng khả năng cung ứng hàng hóa, có kế hoạch dự phòng nâng khả năng cung ứng hàng hóa ra thị trường của đơn vị ở mức cao nhất.

Các doanh nghiệp bình ổn thị trường cần nghiên cứu phương án kết nối, giao hàng hóa trực tiếp cho tiểu thương các chợ truyền thống hoặc tổ chức các điểm phân phối sỉ hàng hóa với mức giá bán buôn của đơn vị để sở ngành, UBND thành Thủ Đức và các quận, huyện kết nối cho thương nhân đến lấy hàng; thiết lập đường dây nóng để hỗ trợ việc kết nối và giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chủ động gia tăng dự trữ nguồn hàng; sẵn sàng cung ứng kịp thời hàng hóa đến các địa bàn có hiện tượng thiếu hàng cục bộ; bảo đảm lượng cung ứng đầy đủ, không để xảy ra hiện tượng thiếu hàng, sốt giá.

Theo Chất lượng Việt Nam Online

Author

minh@pressvn.com