Là một trong những thôn tại xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, Hà Giang, thôn Độc Lập may mắn được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Giang cho mượn vốn theo Dự án phát triển nông thôn Việt Nam – Thụy Điển để làm quỹ vào những năm 1996. Sau đó, Ban quản lý dự án được thành lập và tập huấn nghiệp vụ cho 3 người, hoạt động với nguồn vốn vay ban đầu là 60.000.000 đ (sáu mươi triệu đồng). Phương thức vay được quy định với lãi suất ưu đãi 1,5%/tháng và huy động tiết kiệm trong dân là 1%/tháng.

Lợi nhuận thu được từ hoạt động của Tổ tín dụng này thống nhất được chia trả như sau: Trả thù lao cho 03 thành viên tổ tín dụng 60%, trích tiền quỹ rủi ro 10% còn 30% nhập quỹ thôn để nhân dân được hưởng. Cho đến năm 2015, Tổ tín dụng thôn Độc Lập thay thành viên mới gồm bà Hoàng Thị Gấm, ông Hoàng Anh Quyên, ông Bùi Xuân Công và Trưởng Ban giám sát quỹ là bí thư chi bộ, ông Bùi Quyết Chiến.

Đến năm 2017, UBND xã Đạo Đức đã làm tờ trình lên UBND huyện Vị Xuyên và Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Hà Giang để xin nâng cấp Quỹ tín dụng thôn Độc Lập lên thành Quỹ tín dụng nhân dân xã Đạo Đức. Thế nhưng, do UBND huyện Vị Xuyên đã có 1 quỹ tín dụng nhân dân do huyện quản lý nên việc nâng cấp quỹ thôn Độc Lập không được thông qua để nâng cấp như mong muốn của nhân.

Ngày 30/12/2018, quỹ tín dụng thông Độc lập chính thức tạm dừng hoạt động, quỹ tín dụng có nhiệm vụ thu hồi các khoản nợ đến hạn (gốc và lãi), Chủ động, vận động các thành viên có vay tiền trả nợ trước hạn cho Quỹ. Trên thực tế, các thành viên trong Tổ tín dụng đã thực hiện rất tốt việc hoàn trả lại toàn bộ tiền cho các cá nhân gửi tiền vào quỹ, tuy nhiên việc thu hồi các khoản đã cho vay đối những cá nhân gặp nhiều khó khăn. Do lợi dụng tình hình quyết định tạm dừng hoạt động của Quỹ, nên có 1 số hộ vẫn “trây ỳ” không chịu hoàn trả như đã thoả thuận ban đầu.

Trả lời với PV, bà Nguyễn Thị Liên – chủ tịch UBND xã Đạo Đức cho biết, trong suốt thời gian hoạt động Quỹ thôn Độc lập đã hoạt động rất hiệu quả, có nhiều đóng góp cho việc phát triển kinh tế địa phương, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn làm ăn kinh tế với lãi suất nằm trong quy định của nhà nước. Mặc dù hoạt động với quy mô nhỏ nhưng Quỹ tín dụng này đóng góp được rất nhiều cho các công trình phúc lợi và hoạt động của địa phương. Có thể kể đến như việc xây dựng được hội trường thôn trị giá 500 triệu đồng, xây nhà tưởng niệm và đường ra nghĩa địa trị giá 120 triệu đồng, bên cạnh đó là sự ủng hộ về mặt tài chính cho các sự kiện của địa phương.

Bà Liên đánh giá cao đóng góp của Quỹ tín dụng đến việc phát triển kinh tế địa phương

Cũng theo bà Liên, trong suốt thời gian hoạt động UBND xã không hề nhận được đơn thư khiếu nại khiếu kiện từ phía người dân về hoạt động của Quỹ tín dụng. Bên cạnh đó, cũng không hề có bất cứ sự việc nào liên quan đến việc đòi nợ, đe doạ nào liên quan đến hoạt động của Quỹ tín dụng gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Không có tình trạng nhiều gia đình mất nhà, mất đất, vợ chồng ly hôn do vay vốn tại Quỹ này.

Bà Đỗ Thị Hiền (60 tuổi, trú tại thôn Độc Lập, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên) tỏ ra khá tiếc nuối khi nhắc về việc chấm dứt Quỹ tín dụng thôn Độc Lập. Gia đình bà quê gốc Nam Định nhưng lên khai hoang vùng đất núi rừng này từ năm 1985, cứ mỗi tháng mỗi quỹ, tích cóp được bao nhiêu bà lại gửi vào để nhận tiền lãi suất. Hàng tháng nhận tiền lãi suất đều đặn, cùng với sự nỗ lực của gia đình Bà, giờ đây các con đã trưởng thành ổn định gia đình.

“Đã gọi là Tín dụng, thì có Tín dân mới tin, nếu không tin chúng tôi sẽ không bao giờ gửi vào. Tôi rất cám ơn và mong muốn được duy trì hoạt động Quỹ lâu dài, giúp bà con nông dân, đồng bào có thêm những khoản thu nhập đáng tin cậy”., Bà Hiền nói.

Cũng chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nam (65 tuổi, thôn Độc Lập, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên) – Chi hội trưởng người cao tuổi của thôn Độc Lập cho biết, Tổ tín dụng thôn Độc Lập trong thời gian hoạt động đã mang lại lợi ích nhiều cho người dân cũng như chính quyền địa phương. Sau khi nghe về hoạt động của Quỹ, ông đã cùng 2 con trai vay 500 triệu đồng mua chiếc máy xúc để về làm. Chỉ trong vài năm gia đình ông đã phát triển mua được thêm trang thiết bị khác, cùng với đó là 1 chiếc máy xúc tương tự cùng chiếc xe ô tô để gia đình đi lại và kinh doanh. Với phương thức hoạt động dễ vay, dễ trả nên cơ hội tiếp cận vốn của người dân được rút ngắn.

Tuy nhiên, thuận lợi của việc vay vốn không phải lúc nào cũng mang đến hiệu quả. Trường hợp Anh Phan Anh Tuất (trú tại xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên) cũng là người vay vốn từ Quỹ tín dụng thôn Độc Lập khẳng định, việc tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn là một trong những giá trị hữu ích đến từ Quỹ thôn Độc Lập.

Anh Tuất nhận thức rõ được hậu quả trong việc sử dụng nguồn vốn sai cách

Trước đây, anh cũng vay vốn tại Quỹ thế nhưng do không biết vận dụng nguồn vốn vào việc phát triển kinh tế, cá nhân anh không biết sử dụng nguồn vốn, không tập trung vào công việc nên dẫn tới nguồn vốn bị thất thoát. Tuy nhiên, anh cũng đã nhận thức được thông qua những trường hợp điển hình đi lên từ việc vay vốn làm ăn bằng những công việc đúng quy định pháp luật nên kinh tế gia đình anh đã đi dần vào ổn định.

Như vậy, mặc dù hoạt động với quy mô nhỏ tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, nhưng những giá trị, đóng góp của các Quỹ tín dụng trong nhân dân đã mang tại rất nhiều hữu ích cho kinh tế địa phương. Cũng chính là các giá trị từ sự đoàn kết, tin tưởng lẫn nhau giữa người với người để những khó khăn không thể cản trở sự vươn lên, bứt phá từ nơi xa xôi tại địa đầu của Tổ Quốc.

Đăng Khôi

Author

Ngo@pressvn.com