Như chúng tôi đã thông tin, Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (Thế giới Di động – Mã chứng khoán: MWG) hiện nay đang vận hành ba chuỗi siêu thị lớn tại Việt Nam là Thế Giới Di Động (TGDĐ), Điện Máy Xanh (ĐMX) và Bách Hóa Xanh. Trong đó, TGDĐ và ĐMX đã phổ biến toàn quốc trong lĩnh vực đồ điện tử, điện lạnh và sản phẩm công nghệ thì Bách Hóa Xanh tập trung trong mảng hàng tiêu dùng và phần lớn là hiện diện ở khu vực phía Nam.

Trong chiến lược kinh doanh của mình, Thế giới Di động cũng đã lên kế hoạch đưa thương hiệu của mình vươn tầm ra thế giới. Khởi đầu cho tham vọng này, ngày 23/06/2017, BigPhone, siêu thị đầu tiên của Thế Giới Di Động tại Campuchia đã chính thức được khai trương. Sau đó, BigPhone được chuyển thành Bluetronics – hoạt động theo mô hình ĐMX tại Việt Nam. Tính đến cuối tháng 5/2021, số lượng cửa hàng cũng dừng lại với con số khiêm tốn là 55 cửa hàng và cũng chỉ đóng góp 3% tổng doanh thu của Thế giới Di động.

Khi mà tham vọng vươn tầm thế giới sau gần 4 năm vẫn chưa khởi sắc thì tại thị trường trong nước, Thế giới Di động lại đang gặp “đại nạn” liên tiếp dính “phốt” trong thời gian gần đây, đặc biệt là những lùm xùm liên quan đến Bách Hóa Xanh.

“Trục lợi” trong mùa dịch…

Nhắc đến những “lùm xùm” của Bách Hóa Xanh, đầu tiên phải kể đến “làn sóng” kêu gọi tẩy chay Bách Hóa Xanh của người tiêu dùng trong thời gian gần đây. Theo đó, việc kêu gọi tẩy chay xuất hiện sau khi hàng loạt người tiêu dùng “tố” Bách Hóa Xanh tăng giá bán, cân sai, tính tiền gian lận… để trục lợi trong sự khốn khó của người dân.

“Cả thành phố đang giãn cách xã hội, người dân gặp nhiều khó khăn trong việc mua lương thực, thực phẩm. Thế nhưng, Bách Hóa Xanh lại lợi dụng sự khó khăn này để tăng giá bán, tính tiền gian lận… là không chấp nhận được. Đã vậy, họ không thẳng thắn nhận lỗi và xin lỗi khách hàng mà lại còn giải thích theo kiểu bao biện, tìm lí do để đổ lỗi” chị H (Q. Gò Vấp – TP.HCM) cho biết.

Phiếu thanh toán chứng minh hàng hóa Bách Hóa Xanh tăng giá rất nhiều so với trước khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội

“Họ nói Bách Hóa Xanh khó khăn, vậy thì khách hàng chúng tôi không lẽ không khó khăn? Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi khác không gặp khó khăn sao? Tại sao hệ thống khác như siêu thị Aeon Việt Nam, MM Mega Market…vẫn bán lương thực, thực phẩm với giá bình ổn được? Đáng lẽ họ phải chung tay để chia sẻ khó khăn cùng người dân thì họ lại chọn cách ngược lại” chị H nói thêm.

Từ những phản ánh này, lực lượng Quản lý thị trường đã đồng loạt tiến hành kiểm tra một số cửa hàng Bách Hóa Xanh. Để rồi, trong 2 ngày 17 và 18/07, 2 của hàng Bách Hóa Xanh tại tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Đắk Lắk bị xử phạt về lỗi vi phạm bán không đúng giá niêm yết, không niêm yết giá hàng hóa.

Cũng thời gian này, dư luận cũng xôn xao, bất ngờ về việc Bách hóa Xanh muốn được giảm 50% giá thuê mặt bằng để giảm gánh nặng, xử lý các ảnh hưởng từ dịch bệnh. Bởi mặc dù nhiều ngành hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng Bách hóa Xanh thì ngược lại khi có doanh số tăng cao hơn nhiều lần.

Cụ thể, trước khi áp dụng Chỉ thị 16, mỗi ngày Bách hóa Xanh chỉ bán được khoảng 500 đến 600 tấn hàng hóa, còn trong thời gian giãn cách, hệ thống tiêu thụ khoảng 2.000 đến 2.500 tấn hàng hóa mỗi ngày. Như vậy trong giai đoạn giãn cách, lượng bán thực phẩm tại Bách hóa Xanh tăng gấp 4-5 lần so với ngày thường.

Được biết, trước đây Bách Hóa Xanh cũng đã từng nhiều lần dính đến những tai tiếng liên quan đến việc bán hàng kém chất lượng. Điển hình như vào cuối tháng 5/2018, một cửa hàng Bách Hóa Xanh tại Q.12 – TP.HCM bị nam khách hàng tố bán đùi gà mà có một con vật giống là con giun (trùn) có màu đen cựa quậy trên bề mặt.

Tiếp đó, vào tháng 09/2019, Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra 1 cửa hàng Bách Hóa Xanh trên địa bàn và phát hiện ra rất nhiều sai phạm. Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng chưa xuất trình được giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy chứng nhận cơ sở đạt ISO, HACCP…

Bách Hóa Xanh vẫn đang phải đối mặt với “làn sóng” tẩy chay từ người tiêu dùng

Đặc biệt, 18 nhân viên trực tiếp làm việc cũng không có giấy xác nhận kiến thức về ATTP. Đồng thời, kiểm tra ngẫu nhiên 20 sản phẩm tại cửa hàng, đoàn kiểm tra ghi nhận cơ sở chưa xuất trình được các hồ sơ quản lý chất lượng, hồ sơ công bố phù hợp quy định ATTP. Mặt hàng thịt gà, thịt bò đang kinh doanh không có giấy kiểm dịch.

Tai tiếng của Thế giới di động và Điện máy xanh

Ngoài những tai tiếng từ Bách Hóa Xanh, Thế giới Di động cũng nổi tiếng với những lần “bóc phốt” của khách hàng hay việc kinh doanh bất chấp đối với hệ thống cửa hàng TGDĐ và ĐMX.

Cụ thể, vào giữa tháng 5/2021, tỉnh Hải Dương đang căng mình chống dịch Covid-19 thì cửa hàng ĐMX Cẩm Vũ vẫn bất chấp quy định về biện pháp phòng chống dịch để chuẩn bị khai trương. Sau đó, cửa hàng này đã bị huyện Cẩm Giàng xử phạt 30 triệu đồng vì không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người tại nơi công cộng (Tổ chức cho trên 20 người vào cửa hàng bán hàng và không đảm bảo khoảng cách trong phòng chống dịch).

Mới đây nhất, một khách hàng tên H. (Hà Nội) đã tố ĐMX – TGDĐ “treo đầu dê bán thịt chó”. Theo khách hàng này, anh mua chiếc Samsung Tab 7 tại một cửa hàng tại một cửa hàng ĐMX – TGDĐ tại huyện Hoài Đức với chính sách bảo hành 1 đổi 1 trong tháng đầu. Từ tháng thứ 2, nếu máy bị lỗi do nhà sản xuất thì sẽ được đổi mới với 10% giá trị máy/tháng.

Thế nhưng, tối ngày 08/07/2021, mới chỉ sau 45 ngày sử dụng, máy bỗng nhiên xuất hiện những kẻ sọc phía bên phải chạy dọc màn hình, một chấm đen to ở góc màn hình và cảm ứng không sử dụng được. Sáng ngày 09/07, anh H. mang ra cửa hàng ĐMX – TGDĐ thì được nhân viên kỹ thuật từ chối bảo hành theo chính sách đã đưa ra. Sau đó, vì quá bức xúc, anh H đã đập nát luôn chiếc máy Samsung Tab 7 và tuyên bố sẽ không bao giờ đặt chân đến hệ thống cửa hàng ĐMX – TGDĐ nữa.

Cũng bức xúc với chính sách bảo hành của Thế giới Di động, trên mạng xã hội đã từng rầm rộ về việc một khách hàng mua đồng hồ tại hệ thống cửa hàng ĐMX – TGDĐ chưa đầy 2 tháng đã bị bong tróc viền mạ, nhưng hệ thống này lại từ chối bảo hành. Hệ thống này cho rằng lỗi do người sử dụng và khách hàng này đã không đồng ý với cách giải thích này.

Hệ thống cửa hàng ĐMX – TGDĐ cũng nhiều lần dính tai tiếng về chất lượng sản phẩm

Trước đó, cũng rất nhiều khách hàng phản ánh về chất lượng sản phẩm và chính sách bảo hành của hệ thống cửa hàng ĐMX – TGDĐ. Thậm chí, có khách hàng mua nồi cơm điện tại hệ thống ĐMX đã đổi đến lần thứ 3 nhưng nồi cơm vẫn có bị lỗi vừa cắm đã bị nhảy nấc nên cơm không thể chín.

Hay như trường hợp một khách hàng ở TP.HCM cũng mua chiếc tivi tại Điện Máy Xanh, với thời gian bảo hành sản phẩm là 24 tháng. Tuy nhiên, khi sử dụng được khoảng 1 tháng thì chiếc tivi đã mua bị lỗi mở màn hình không lên. Sau khi yêu cầu rất nhiều nhiều lần thì khách hàng này cũng đã được đổi 1 chiếc tivi mới. Thế nhưng, sử dụng được khoảng 4 tháng, chiếc tivi mới đổi lại tiếp tục bị lỗi tương tự như lần trước (tức mở không lên hình).

Trước những tai tiếng như trên, dư luận đã một số ý kiến cho rằng, cách kinh doanh của Thế giới Di động dường như chỉ với phương châm “kiếm tiền bất chấp” và “đổ thừa”. Nếu không thay đổi phương châm này thì Thế giới Di động rất khó để vươn xa được ở thị trường quốc tế.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững, giữ được uy tín lâu dài với người tiêu dùng thì phải xây dựng hình ảnh từ khi mới tham gia thị trường và đi cùng người tiêu dùng trong những thời điểm khó khăn nhất. Có như vậy người tiêu dùng mới thật sự cảm phục và có ấn tượng lâu bền với họ.

Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất đối với một doanh nghiệp là thương hiệu chứ không phải bằng mọi cách để có lợi nhuận. Một doanh nghiệp sẽ thành công khi có được sự ủng hộ của người tiêu dùng. Một khi được người tiêu dùng ủng hộ thì doanh thu sẽ tăng lên, uy tín thương hiệu của doanh nghiệp cũng sẽ tăng lên. Lúc đó, doanh nghiệp muốn phát triển thương hiệu vươn ra tầm quốc tế cũng sẽ được người tiêu dùng ủng hộ và đón nhận.

Theo Chất lượng Việt Nam Online

Author

minh@pressvn.com