Tăng tuổi nghỉ hưu

Nghị định 135/2020/NĐ-CP ban hành ngày 18/11/2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu bắt đầu từ năm 2021.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam; đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng với lao động nam; 4 tháng với lao động nữ.

Riêng người bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay làm việc ở nơi có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thì có thể nghỉ hưu trước không quá 5 tuổi.

So với quy định của Bộ luật Lao động 2012, tuổi nghỉ hưu của người lao động đã tăng lên đáng kể. Đặc biệt, với những công việc đặc thù, việc nghỉ hưu trước tuổi của người lao động cũng được quy định cụ thể, rõ ràng hơn.

Quy định mới về các trường hợp tinh giản biên chế

Nghị định 143/2020/NĐ-CP ngày 10/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.

Trong đó, Nghị định 143/2020/NĐ-CP sửa đổi quy định về các trường hợp tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và cán bộ, công chức cấp xã hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 23/1/2021.

Người lao động có thể được thưởng “không chỉ bằng tiền”

Bộ luật Lao động sửa đổi quy định về “Thưởng” thay vì “Tiền thưởng” như Bộ luật năm 2012. Theo điều 103 của luật, khái niệm thưởng cho người lao động được mở rộng, có thể là tiền, tài sản hoặc bằng các hình thức khác căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Như vậy, từ ngày 1/1/2021, người sử dụng lao động được phép thưởng cho người lao động không chỉ bằng tiền mà còn có thể bằng tài sản hoặc các hình thức khác.

Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy

Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ban hành ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Trong đó, Nghị định quy định rõ về điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với: cơ sở, khu dân cư, hộ gia đình, phương tiện giao thông cơ giới.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 10/1/2021.

Kéo dài thời hạn thực hiện hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp

Nghị định 146/2020/NĐ-CP ban hành ngày 18/12/2020 sửa đổi, bổ sung Điều 5 Nghị định số 20/2011/NĐ-CP ngày 23/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Theo đó, về hạng đất tính thuế, Nghị định 146 nêu rõ: Kéo dài thời hạn thực hiện hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31/12/2025 (quy định cũ đến ngày 31/12/2020) trên cơ sở hạng đất đã được quy định và thực hiện trong giai đoạn từ năm 2011 đến hết năm 2020.

Trường hợp địa phương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định thì thực hiện theo quy định đó đến hết ngày 31/12/2025.

Nghị định 146/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Người dân được phép bắn pháo hoa trong dịp lễ Tết, sinh nhật

Nội dung đáng chú ý này được đề cập trong Nghị định 137/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo.

Theo Điều 17 Nghị định này, từ 11/1/2021 khi Nghị định này có hiệu lực, người dân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (đủ 18 tuổi, không mắc bệnh tâm thần…) được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp như Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương… Tuy nhiên, khi sử dụng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được Bộ Quốc phòng cấp phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Đồng thời, Nghị định cũng giải thích rõ, pháo hoa khác với pháo hoa nổ. Loại pháo hoa người dân được sử dụng là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp… tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian nhưng không gây ra tiếng nổ (Điều 3 Nghị định 137/2020).

Tổ chức, hoạt động dược lâm sàng của cơ sở khám, chữa bệnh

Nghị định 131/2020/NĐ-CP ngày 2/11/2020 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Theo đó, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không tổ chức khoa dược vẫn phải tổ chức bộ phận dược lâm sàng để thực hiện các hoạt động dược lâm sàng phục vụ người bệnh ngoại trú có thẻ bảo hiểm y tế và người bệnh nội trú.

Theo Minh Phương/Kinh tế Môi trường

Author

Ngo@pressvn.com