0 Comments

Dịch COVID-19 lây lan đã tác động toàn diện đến phát triển kinh tế – xã hội, làm đảo lộn cuộc sống người dân. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT), đầu tháng 3, đặc biệt tuần thứ hai của tháng 3, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, số lượng doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất tăng lên rõ rệt với trên 15% trong tổng số doanh nghiệp. Thậm chí, tại một số ngành, lĩnh vực như: du lịch, lưu trú, nhà hàng cắt giảm 70%-80% việc làm, người lao động.

Đáng chú ý, tính từ ngày 1/1 đến 26/3, đã có trên 153.000 người mất việc làm phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và hàng triệu lao động bị ngừng việc, tập trung vào một số ngành nghề, lĩnh vực như: vận tải, dệt may, da giày, dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống…

Theo dự báo, nếu diễn biến dịch không có thay đổi lớn, ước tính trong quý II-2020 sẽ có trên 250.000 lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và 1,5-2 triệu lao động bị ngừng việc. Trong trường hợp dịch bùng phát mạnh hơn, ước tính quý II-2020 sẽ có 400.000 lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và khoảng 3 triệu lao động có nguy cơ bị ngừng việc.

Điều này đồng nghĩa, hàng chục triệu lao động rơi vào cảnh đường cùng, đời sống bấp bênh, chạy ăn từng bữa.

Chính vì vậy, thông tin Chính phủ xây dựng dự thảo nghị quyết về gói hỗ trợ những người lao động bị ảnh hưởng COVID-19 đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng rất lớn của người dân. Dự kiến quy mô của gói hỗ trợ này sẽ vào khoảng 61.580 tỷ đồng, 6 nhóm đối tượng sẽ được nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội. Như vậy, đây sẽ là “phao cứu sinh” cho hàng chục triệu lao động trong lúc cấp bách này.

Đón nhận thông tin về gói hỗ trợ này, anh Nguyễn Sơn (Thanh Hóa), làm việc tại một cửa hàng kinh doanh về sắt thép chia sẻ: “Ban đầu, tôi vẫn nghĩ tình hình dịch bệnh không quá nghiêm trọng, không ảnh hưởng đến gia đình mình. Không ngờ dịch diễn biến phức tạp, từ đầu tháng 3, cửa hàng gặp khó khăn nên tôi tạm thời phải nghỉ việc. Tiền không có nên cuộc sống gia đình cũng khó khăn, chật vật. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, được Chính phủ quan tâm như thế này là vô cùng quí giá”.

Là một lao động tự do, chị Phạm Thị Thủy (Cẩm Phả, Quảng Ninh) cho biết, khi chưa có dịch bệnh, chị làm việc trong một cửa hàng ăn, rồi nhận thêm việc dọn dẹp cho một số gia đình gần nhà. “Cuộc sống gia đình vốn chẳng dư dả. Vì dịch bệnh nên quán ăn cũng phải đóng cửa, tôi phải nghỉ làm. Người thuê dọn nhà cũng sợ dịch bệnh nên không thuê nữa. Tôi phải chật vật cân đối chi tiêu trong gia đình, mong cầm cự lâu hơn trước dịch bệnh. Mấy ngày trước nghe trên tivi nói Chính phủ sắp có gói hỗ trợ an sinh xã hội, tìm hiểu thì thấy mình cũng là một trong những đối tượng dư kiến thuộc diện hỗ trợ. Vì vậy, điều tôi mong muốn là Chính phủ sẽ nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ này. Hỗ trợ dù nhiều, dù ít đều sẽ giúp chúng tôi giảm bớt phần nào khó khăn, cầm cự chờ dịch bệnh đi qua” – chị tâm sự.

Mới mở một cửa hàng chăm sóc sắc đẹp tại Đông Anh, TP Hà Nội chưa lâu, chị Đào Loan (quê Phú Thọ) cho biết, cửa hàng mới khai trương vài tháng, khách quen cũng chưa nhiều. Từ đầu tháng 3, khi dịch bệnh phức tạp hơn thì ngày lác đác chỉ vài khách. Rồi để tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, từ khoảng giữa tháng 3, chị chấp nhận tạm đóng cửa hàng. Đóng cửa hàng, không có tiền nhưng tiền thuê nhà hàng tháng vẫn phải trả đều nên chị rất lo lắng. “Nếu được Chính phủ hỗ trợ như thế này thì mừng quá, chúng tôi cũng an tâm hơn khi chống chọi với dịch bệnh” – chị Loan nói.

Ảnh minh họa (Nguồn: Thế Dương/CPV)

Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng nhìn nhận, đại dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp và người lao động vô cùng khó khăn. Chính vì vậy, việc Chính phủ hỗ trợ người lao động là giải pháp hết sức cần thiết và giúp họ vượt qua khó khăn hiện nay.

Tuy nhiên, điều ông băn khoăn là việc tổ chức thực hiện hỗ trợ với đối tượng người lao động không có hợp đồng lao động, lao động tự do. “Thực trạng hiện nay, có không ít doanh nghiệp không ký hợp lao động với người lao động và số người này bị mất việc. Ngoài ra, hầu hết lao động tự do khi mất việc họ đã về địa phương, vậy phải có cách điều tra, thống kê thế nào để hỗ trợ cho họ. Tránh trường hợp người cần được hưởng thì tiền không đến được tay” – ông cho biết.

Ông Lê Đình Quảng cho biết thêm, thời gian qua, Tổng Liên đoàn đã có nhiều hoạt động chỉ đạo công đoàn các cấp, vận động đoàn viên và người lao động, chủ sử dụng lao động thực hiện các giải pháp phòng chống dịch. Tổ chức công đoàn đã cùng người sử dụng lao động tìm các giải pháp khắc phục khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ vật chất và tinh thần cho người lao động; vận động chủ nhà trọ giảm giá thuê phòng, dịch vụ….

Cùng với việc cho phép các doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19 được lui thời gian trích nộp kinh phí công đoàn, Tổng Liên đoàn đang tìm mọi nguồn lực để hỗ trợ trực tiếp cho đoàn viên công đoàn và người lao động mất việc gặp khó khăn. Đến nay đã có nhiều Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố triển khai thực hiện như Liên đoàn lao động Hà Nội, Liên đoàn lao động TP. Hồ Chí Minh, Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương đã triển khai hỗ trợ với mức 1 triệu đồng/người.

Theo Đảng Cộng sản

Author

Ngo@pressvn.com