0 Comments

Đất nước đã thống nhất 45 năm, nhưng bản thân tôi không thể nào quên được khoảnh khắc lịch sử đó”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tham mưu trưởng chiến dịch Tây Nguyên, Tham mưu phó Quân đoàn 3 chiến dịch Hồ Chí Minh…, người trực tiếp tham gia và tận mắt chứng kiến thời khắc Bắc – Nam sum họp, non sông liền một dải – nhớ lại…

Trong thời điểm đó, bên cạnh sự vui mừng đến vỡ òa của cả dân tộc, chính bản thân chúng tôi, những người trực tiếp tham gia cũng hết sức ngỡ ngàng. Không ngỡ ngàng sao được, bởi sau hơn 20 năm theo đuổi, 50 ngày đêm kể từ chiến dịch Tây Nguyên, 4 ngày của chiến dịch Hồ Chí Minh một sự kiện lịch sử vang dội hiện hữu – Sài Gòn đã được giải phóng. Đó là thứ cảm xúc mạnh nhất khi ấy, vô cùng xúc động. Và có lẽ, đó cũng là cảm xúc của tất cả những người có mặt trong ngày 30/4/1975 tại thành phố Sài Gòn.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước sôi nổi kể lại, suốt 10 năm chúng tôi ở Tây Nguyên không khi nào được gặp dân, sống với rừng, đối mặt với địch. Trong niềm vui chiến thắng đó, hình ảnh đọng lại mạnh mẽ nhất trong tôi đó là lá cờ giải phóng xanh đỏ sao vàng, là nhân dân ta ùa ra đứng ken đặc hai bên đường để vẫy cờ, vẫy hoa đón chào người chiến sỹ của ta. Những ông cụ, bà cụ đang bồng cháu nhỏ trong tay nhưng vẫn vươn tay ra để nói với chúng tôi “Các chú cho các cháu bắt tay các chú một tí”. Hình ảnh cảm động này chính là thể hiện cho khát vọng, cho cảm xúc bùng nổ trong tình cảm của con người trong vùng địch với chiến sỹ giải phóng. Khi đó, tôi cảm nhận được biết bao dồn nén dưới sự đàn áp, chết chóc, bây giờ dân mình đã được vùng lên, họ đang thể hiện sự cảm ơn tới những người lính. Thời gian trôi qua đã gần nửa thế kỷ nhưng đối với Tướng Thước, mọi cảm xúc khi đó vẫn in rõ như mới hôm qua.

Trong khi một bên là người dân nô nức vẫy cờ xanh đỏ sao vàng ra đón bộ đội thì bên kia là một hình ảnh hoàn toàn trái ngược. Quân đội Sài Gòn đang tan rã với từng sóng người mang trên mình quần đùi áo may ô, đầu trần không đeo giầy, tay vẫy vẫy mảnh vải trắng đi ngược lại hướng hành quân của chúng tôi.

Đột nhiên, giọng ông trầm lại: “Lúc vào được Dinh Độc lập rồi, đất nước thảnh thơi rồi, hòa bình rồi, vui mừng rồi, nhưng tôi tự hỏi “sao hôm nay không có Bác Hồ” – Tướng Thước xúc động.

Ông nhớ lại: Sinh thời, Bác từng nói rằng “các chú đánh giặc nhanh lên để Bác có điều kiện vào thăm đồng bào miền Nam, khúc ruột miền Nam của đất nước chúng ta”. Vậy mà đến ngày vui toàn thắng thì Bác đã đi xa. Vì lẽ đó, mà ngay sáng hôm sau (ngày 1/5/1975), khi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, lại thấy như Bác Hồ vẫn mãi ở lại đây, cùng quân và dân ta chứng kiến thời khắc miền Bắc, miền Nam nước non liền một dải.

Cuộc chiến đã lùi xa, đất nước chúng ta đã hòa bình, nhớ lại những năm tháng gian khổ đó, Tướng Thước khẳng định, góp phần làm nên thắng lợi của 30/4 năm đó, không thể quên được công tác hậu cần. Đây là một nhân tố rất quan trọng để cho chúng ta đủ điều kiện sức mạnh về vật chất, tinh thần chiến đấu.

Đến đây, vị tướng già cười, nói: “Trong công cuộc chống Mỹ, có những lúc chúng tôi bảo nhau rằng, trên chiến trường không sợ Mỹ mà chỉ sợ đói và sợ sốt rét. Thuốc men, bệnh tật, lương thực hao mòn như vậy, có sắn, củ mì, củ rừng, rau rừng ăn để mà sống là tốt lắm. Miền Bắc thời điểm đó còn nghèo lắm nhưng luôn luôn dành từng hạt gạo để chi viện cho miền Nam trường kỳ kháng chiến. Cho nên chiến thắng 30/4 là sức mạnh, công sức của quân và dân 2 miền Bắc – Nam. Miền Bắc quyết tâm giành sức cho miền Nam, miền Nam quyết tâm hy sinh xương máu để giải phóng”.

Đất nước thống nhất rồi, chúng tôi nhớ lại câu nói của Bác Hồ lúc sinh thời: “Giải phóng đất nước rồi, ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, mạnh mẽ hơn”. Tướng Thước hoài niệm với đầy tự hào: “Khoảng thời gian năm 1982, khi tôi được cử sang học ở Liên Xô, lúc bấy giờ trời đất ơi mênh mông đường xá, điện sáng trưng, nhà cửa cao ốc… Tôi nghĩ rằng, 20 năm sau đất nước mình cũng được như thế này là quá tốt rồi. Từ năm 1982 đến 2002 đất nước chúng ta đã thay đổi, đi vào thành phố, tôi cảm nhận được sức sống mạnh mẽ hơn cả điều tôi từng mong ước”.

Sự hoài niệm này, có lẽ phải những người đã từng sống ở thời kỳ đó, đã trải qua cái cũ mới thực sự hiểu được ý nghĩa của chiến thắng 30/4 độc lập dân tộc.

Con đường của Việt Nam là con đường tự lực, tự cường, ý chí quyết vươn lên, khắc phục được điều kiện thiên nhiên, yếu tố địa hình, cùng sống cùng phát triển. Tướng Thước kỳ vọng vào thế hệ sau này sẽ nắm vững ngọn cờ của Đảng, giữ vững thành quả cách mạng, làm cho nội lực đất nước càng tăng lên, trong tương lai không xa Việt Nam tiến lên ngang hàng các nước trên thế giới.

Theo Thu Trang – Nguyễn Mai/Báo Công Thương Điện Tử

Author

Ngo@pressvn.com