0 Comments

Một nhà xưởng sản xuất “mọc” trái phép giữa khu dân cư gây mùi hôi thối

Vào đầu năm 2020, ông Trần Trọng Thìn (ngụ phường Bến Thủy, TP Vinh) về xóm 13 (nay là xóm 5 xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc) thu mua đất của một số hộ dân. Cụ thể ông Thìn đã mua của hộ ông Lê Văn Lợi 300m2; hộ ông Lê Văn Hà 433m2 và hộ ông Lê Văn Tính 57m2.

Lúc đầu nhiều người trong xóm 5, xã Nghi Thịnh cứ nghĩ ông Thìn từ TP Vinh về mua đất để an dưỡng tuổi già, tránh xa phố thị ồn ào, náo nhiệt.

Ai ngờ chỉ một thời gian ngắn sau, ông Thìn đã thuê công nhân cho xây dựng một nhà xưởng rộng gần ngàn m2, lúc này người dân mới ngã ngửa ra.

Đặc biệt hơn là các mảnh đất này chưa được hợp thửa (chưa có sổ), chưa có giấy phép xây dựng hay ý kiến chấp thuận của bất cứ một cơ quan chức năng nào của tỉnh Nghệ An nhưng ông Trần Trọng Thìn vẫn vô tư xây dựng.

Dù cách UBND xã Nghi Thịnh khoảng 400 mét, nhưng do không gặp bất cứ một “trở ngại” nào nên chỉ trong vòng chưa đầy vài ba tháng, nhà xưởng rộng gần ngàn m2 đã cơ bản hoàn thiện.

“Sau khi xây dựng xong, họ cho ô tô chở hàng loạt máy móc, các thùng chứa chất lỏng gì đó về tập kết trong xưởng. Đường bê tông của xóm giới hạn tải trọng mà họ cho xe cả chục tấn chạy vào.

Tìm hiểu kỹ chúng tôi mới biết ông Thìn xây dựng nhà xưởng để sản xuất nước lau chùi sàn nhà, khử mùi (còn gọi là sản phẩm ORENJI)” – anh Lê Văn S, một người dân địa phương cho hay.

Không kìm nén được sự bức xúc, ông Lê Văn T. ngụ xóm 5 bày tỏ ”Nhà xưởng sản xuất mọc lên giữa khu dân cư khiến người dân xóm 5, xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc hết sức bất ngờ, bức xúc. Bao đời nay người dân sống yên bình, nay nhà máy mới đi vào hoạt động, đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của họ.

“Lúc đầu mới sản xuất, mùi hôi chỉ thoang thoảng. Nhưng càng ngày mùi càng hắc, không thể chịu được. Họ sản xuất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn mà đặt trong khu dân cư thế này là ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của chúng tôi. Đây là vùng quy hoạch đất ở chứ đâu phải đất kinh doanh, sản xuất mà đặt nhà máy ở đây” ông Lê Văn T. ngụ xóm 5 bức xúc.

Theo tìm hiểu của PV thì được biết, Công ty Cổ phần Ứng dụng Công nghệ mới Orenji (gọi tắt là Cty Orenji) được thành lập vào tháng 10/2017 có địa chỉ trụ sở chính tại U04-3 khu D, khu đô thị mới Dương Nội, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP Hà Nội do ông Nguyễn Hoàng Trung làm Giám đốc.

Vào đầu năm 2020, sau khi ông Trần Trọng Thìn xây dựng xong nhà xưởng thì Cty Orenji đã chuyển cơ sở sản xuất về xóm 5, xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Chính quyền xã cố tình làm ngơ không hề hay biết

Sau khi nhận được phản ánh của người dân về việc một nhà xưởng sản xuất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn “mọc” lên giữa khu dân cư mà chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng, chúng tôi đã tìm về xóm 13 (nay là xóm 5, xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc) để tìm hiểu sự việc.

Ghi nhận tại hiện trường, khu đất đã được xây dựng tường cao, cổng sắt bao bịt, phía trong cửa khóa không thể ra vào. Nhà xưởng được xây khá kiên cố, gạch táp lô xây dựng xung quanh, phía trên bao bọc bằng tôn sắt, xà gồ. Camera giám sát được lắp khắp nơi.

Nhìn vào trong phía sát hàng rào, cơ sở đã cho khoan một giếng nước ngầm để phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Sau một hồi quan sát chúng tôi đã gõ cửa liên hệ nhưng không ai trả lời, dù phía trong vẫn có người nói chuyện, làm việc.

Để nắm rõ thông tin, chúng tôi tìm đến UBND xã Nghi Thịnh nhưng phòng Chủ tịch Lê Văn Lưu cửa đóng then cài, bấm máy gọi điện cũng không bắt máy, nhắn tin cũng không nhận được hồi âm.

Trao đổi nhanh với cán bộ địa chính xã Nguyễn Trọng Hiền thì được ông cho biết: “Đất xây dựng đó họ nhận chuyển nhượng lại của ba hộ gia đình, với diện tích khoảng 790m2. Thấy họ xây dựng đó tưởng xây nhà để ở chứ không biết là họ làm nhà máy”.

Khi chúng tôi hỏi chủ mua họ tên gì, ở đâu thì ông Hiền lấy lí do: “Hồ sơ đã nộp lên huyện làm thủ tục hợp thửa nên không biết ai (?)”.

Còn bà Đặng Thị Lê, Công chức Địa chính- Nông nghiệp- Môi trường xã Nghi Thịnh thì cho biết: “Họ về xây dựng nhà xưởng đó thì tôi không biết, vấn đề môi trường cũng chưa nhận được phản ánh của người dân (?)”.

Sau khi nhận thông tin phản ánh từ PV về việc một nhà xưởng sản xuất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn “mọc” lên giữa khu dân cư mà chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng, ông Nguyễn Tiến Dũng, chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc đã chỉ đạo phòng TNMT phối hợp UBND xã Nghi Thịnh kiểm tra, báo cáo.

Chiều ngày 03/6/2020, bà Phan Thị Quỳnh Nga –Chuyên viên phòng TNMT, bà Đặng Thị Lê, cán bộ ĐC-NN-MT xã Nghi Thịnh xuống kiểm tra hiện trạng Cty Orenji. Theo biên bản được lập thì đại diện cơ sở sản xuất là ông Trần Trọng Thìn và ông Trần Trọng Thiện.

Nội dung biên bản ghi “Vừa qua có thông tin phản ánh về tình trạng gây ô nhiễm môi trường của xưởng sản xuất Orenji. Qua kiểm tra xưởng không sản xuất, xưởng sử dụng nước máy, có khai thác nước ngầm phục vụ sinh hoạt cho công nhân.

Nguyên liệu sản xuất là cồn, tinh dầu, không sử dụng hóa chất, không thải ra môi trường. Hiện cơ sở chưa có giấy CN QSDĐ vào mục đích sản xuất kinh doanh dịch vụ và các hồ sơ về môi trường liên quan”.

Tiếp đó, biên bản giao trách nhiệm: “Giao cho xưởng chỉ được sản xuất khi hoàn thiện các thủ tục liên quan về đất đai và môi trường có liên quan”.

Mặc dù biên bản ghi là “qua kiểm tra xưởng không sản xuất” nhưng qua phỏng vấn, chị Lê Thị L, một trong những công làm ở Cty Orenji cho biết: “Tôi đã đi làm được hơn một tuần nay, công việc đang diễn ra bình thường thì sáng ngày 03/6/2020 (thời điểm sau khi PV đã làm việc với xã Nghi Thịnh) thì công ty báo máy đang “trục trặc” nên cho công nhân nghỉ, sau đó họ có kêu chúng tôi vào lĩnh lương”.

Sau khi có sự chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, chúng tôi đã hẹn gặp được ông Lê Văn Lưu, chủ tịch UBND xã Nghi Thịnh. Qua trao đổi ông Lưu cho hay: Tôi có biết việc thu gom mua đất của các hộ dân, tuy nhiên việc xây dựng nhà xưởng thì tôi không biết. Nếu nhà xưởng hoạt động sản xuất mà chưa đủ điều kiện thì phải lập biên bản đóng cửa.

Đầu tư Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi, đưa tin vụ việc

Thanh Nga(TH)/ Sở hữu trí tuệ

Author

Ngo@pressvn.com