Tính hệ thống

Hệ giá trị văn hoá luôn tồn tại là một hệ thống hay tạo nên hệ thống với nhiều yếu tố cấu thành. Bản thân hệ giá trị đã là sự kết nối, tổng hoà của nhiều giá trị. Ví dụ hệ giá trị nhân ái bao gồm một chuỗi các yếu tố/giá trị cấu thành như đoàn kết, tương trợ, yêu thương, cảm thông, chia sẻ… hay hệ giá trị vạn vật hữu linh là sự kết hợp của nhiều yếu tố/giá trị như niềm tin, đa thần, linh hồn, thiêng, hồn, vía, thờ cúng… Trong hệ thống này, các yếu tố/giá trị không tồn tại riêng rẽ mà luôn gắn kết, bổ trợ nhau tạo nên những mối quan hệ, những chiều tương tác trong một tổng thể hệ giá trị.

Đua ghe Ngo – lễ hội dân gian mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer ở đồng bằng Sông Cửu Long, tổ chức định kỳ hai năm/lần tại tỉnh Sóc Trăng.

Chính vì vậy mà cả tổng thể hệ giá trị hay từng yếu tố trong đó luôn có tính linh hoạt, có thể sâu chuỗi, kết nối, đan cài nhưng cũng có thể đứng độc lập với những trường ý nghĩa riêng. Tính hệ thống khiến hệ giá trị vừa có những liên kết nội tại song vừa có sự kết hợp với những hệ giá trị khác để cấu thành nên những tổng thể lớn hơn, ví như hệ giá trị nhân ái, kết hợp với hệ giá trị anh hùng, dũng cảm, yêu nước tạo nên hệ giá trị ở qui mô lớn hơn, của cả một cộng đồng tộc người hay quốc gia chẳng hạn.

Việc tồn tại là một hệ thống giúp cho hệ giá trị gia tăng tính ổn định tương đối trong các bối cảnh xã hội và có thể điều tiết, định hướng hành vi con người, thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Hệ giá trị – một hệ thống tổng hoà của các yếu tố/giá trị tạo ra khuôn mẫu, chuẩn mực quy định cách ứng xử, lối sống, tư duy, cách cảm, cách nghĩ và cách vận hành xã hội.

Tính tương đối

Hệ giá trị mang tính tương đối khi chúng ta trải nghiệm một thực tế là mỗi một nền văn hoá đều có hệ giá trị riêng. Theo đó, mỗi cộng đồng, tộc người, mỗi nhóm xã hội đều có hệ giá trị riêng mà những hệ giá trị ấy được hình thành và duy trì, phát triển trong điều kiện cụ thể và đặc thù của chính cộng đồng tộc người hay nhóm xã hội đó. Vì vậy, khi nhìn nhận, đánh giá về bất cứ một giá trị, hệ giá trị nào cũng cần đặt nó trong bối cảnh sinh thái, lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của nó.

Hệ giá trị văn hoá có tính tương đối thể hiện ở cả cấp độ cá nhân, cộng đồng, quốc gia. Mỗi cá nhân có thể theo đuổi giá trị này mà không phải giá trị kia, thậm chí trong các bối cảnh khác nhau có thể lựa chọn giá trị khác nhau hoặc cho giá trị này là quan trọng, là cần ưu tiên hơn giá trị kia… Mỗi cá nhân có thể lựa chọn giá trị hay chính là lựa chọn phương châm sống, triết lý sống cho mình hoàn toàn khác với cá nhân khác hoặc khác với số đông. Ở cấp độ cộng đồng, quốc gia, tính tương đối càng thể hiện rõ.

Do điều kiện tự nhiên, điều kiện lịch sử cũng như kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội khác nhau nên quá trình sáng tạo văn hoá ở mỗi cộng đồng, quốc gia là khác nhau và hệ giá trị hình thành và vận hành trong các cộng đồng, quốc gia đó cũng theo quá trình và phương thức khác nhau. Kết quả là hệ giá trị được biểu hiện ra không giống nhau, ví dụ giá trị làng Việt truyền thống Bắc bộ là khép kín kiểu “trong họ ngoài làng”, cố kết, co cụm trong khi làng Việt Nam bộ lại mở, phóng khoáng, năng động. Giá trị canh tác nông nghiệp truyền thống Bắc bộ là thâm canh, trong khi ở Nam bộ là quảng canh; giá trị ứng xử của người Việt vùng châu thổ Bắc Bộ là coi trọng mồ mả, ngày giỗ trong khi nhiều dân tộc thiểu số bỏ mả, không làm giỗ…

Hệ giá trị, phụ thuộc vào từng bối cảnh đặc thù của từng vùng, miền, tộc người và phụ thuộc vào sự lựa chọn của chủ thể văn hoá nên có thể khác nhau, thậm chí có thể mâu thuẫn nhau. Ví dụ, giá trị của người Việt vùng châu thổ Bắc bộ là tiết kiệm, “tích cốc phòng cơ”, thu vén trong khi giá trị của đồng bào các dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên lại là cho đi (chia sẻ). Giá trị trong ứng xử của người Việt là “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” ngược lại với giá trị “Thương cho ngọt cho bùi, ghét cho roi cho vọt” của người Thái và nhiều tộc người thiểu số khác vùng miền núi phía Bắc. Triết lý/phương châm sống của nhiều dân tộc thiểu số là hoà hợp, nhận từ tự nhiên vừa đủ nhu cầu, giá trị này trái với triết lý/phương châm sống của nhiều cộng đồng khác là chiếm hữu tự nhiên, làm giàu về vật chất với mục tiêu có “của ăn của để”…

Hệ giá trị văn hoá qua từng chặng đường lịch sử cũng có thể khác nhau. Ví dụ giá trị yêu nước ở mỗi thời kỳ lịch sử cụ thể lại được định hình ở những khuôn mẫu, chuẩn mực khác nhau, yêu nước thời chiến tranh là ra trận, “đấu tranh giành độc lập dân tộc”, yêu nước thời bình là ra sức xây dựng đất nước, làm giàu cho đất nước hay giá trị cần cù, đề cao kinh nghiệm trong xã hội tiểu nông đã thay đổi, xã hội đương đại đề cao giá trị sáng tạo.

Giá trị/triết lý về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên một thời là chinh phục tự nhiên, chiến thắng tự nhiên nhưng hiện nay giá trị/triết lý trong mối quan hệ này là hài hoà với tự nhiên, nương theo tự nhiên, thuận thiên… Hệ giá trị văn hoá ở từng thời kỳ, cộng đồng, tộc người cũng có thể mâu thuẫn nhau, ví như ở cộng đồng làng quê/buôn/bản lệ làng, hương ước, luật tục là giá trị chuẩn mực trong cuộc sống của người dân, còn ở cộng đồng đô thị giá trị chuẩn mực lại là luật pháp, trong không ít trường hợp thực hành theo lệ làng, hương ước, luật tục sẽ mâu thuẫn với luật pháp.

Với nhiều cộng đồng, triết lý sống vun vén cho cá nhân, gia đình, nhận càng nhiều càng tốt ngược hẳn với triết lý sống cho đi, chia sẻ của cải trong cộng đồng, dâng của cải vào chùa ở nhiều cộng đồng khác… Chính vì hệ giá trị văn hoá mang tính tương đối như vậy nên khó có thể có một hệ giá trị văn hoá nào có thể thống trị và trở thành hệ giá trị mang tính định hướng cho toàn bộ xã hội. Hệ giá trị văn hoá luôn mang tính riêng của từng cộng đồng, tộc người, nhóm người và phụ thuộc vào từng bối cảnh cụ thể và những sự lựa chọn của chủ thể văn hoá. Sự khác nhau, mở rộng, bổ sung, thay thế hay mâu thuẫn, trái ngược nhau trong sự tồn tại của hệ giá trị văn hoá đều là bình thường và hợp quy luật.

Tính đa dạng

Việt Nam là đất nước có sự đa dạng về sinh thái (sông, biển, đảo, núi, rừng, đồi, đồng bằng,…), đa dạng về tộc người (54 tộc người và nhiều nhóm tộc người trong đó), đa dạng các biểu đạt văn hoá, dạng thức văn hoá, các vùng văn hoá (Tây Bắc, Việt Bắc, châu thổ Bắc bộ, Trung bộ, Trường Sơn-Tây Nguyên và Nam bộ và nhiều tiểu vùng trong đó. Đi cùng với những sự đa dạng này là đa dạng hệ giá trị văn hoá. Mỗi vùng sinh thái, vùng văn hoá, mỗi địa phương, tộc người, nhóm người sáng tạo và duy trì các hệ giá trị văn hoá khác nhau tạo nên tổng thể đa dạng của hệ giá trị văn hoá ở Việt Nam.

Sự đa dạng luôn thể hiện ở đủ các góc cạnh, phương diện của hệ giá trị văn hoá, cả trong điều kiện hình thành và trong quá trình sáng tạo, duy trì, phát triển, bổ sung, bồi đắp, làm mới các hệ giá trị, trong các mối quan hệ tương tác, tiếp nối, kế thừa của các hệ giá trị và trong cả sự giao lưu, tiếp biến văn hoá giữa các hệ giá trị qua các thời kỳ. Ví dụ, hệ giá trị yêu nước, nhân ái hay niềm tin đều được hình thành và vận hành trong đời sống văn hoá xã hội gắn với các quá trình và các chiều tương tác kể trên.

Hệ giá trị văn hoá được hình thành và bồi đắp từ nhiều nguồn khác nhau (từ truyền thống văn hoá – những truyền thống thể hiện giá trị văn hoá, xã hội như phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, từ các diễn ngôn phát triển, từ truyền thông đại chúng, từ những cá nhân trong vai trò là những biểu tượng…) và bằng nhiều con đường khác nhau (qua môi trường gia đình, xã hội, qua giáo dục trong nhà trường và qua các trải nghiệm cá nhân trong các mối tương tác đa chiều).

Tết cổ truyền – nét văn hóa đẹp của con người Việt Nam.

Chính vì hệ giá trị đến từ nhiều nguồn khác nhau và qua nhiều con đường khác nhau như vậy nên luôn đa dạng, đa chiều và đa ý nghĩa. Sự đa dạng của hệ giá trị còn được tạo nên bởi sự đa dạng của từng giá trị cấu thành, chỉ trong một giá trị thôi thì tính đa dạng đã được thể hiện khi giá trị ấy ở mỗi thời điểm khác nhau được bộc lộ khác nhau hay trong từng bối cảnh cụ thể, với từng nhóm, cộng đồng cụ thể, giá trị ấy lại hiện ra với những nét nghĩa mới.

Hệ giá trị luôn tồn tại trong sự đa dạng khi một nhóm, một cộng đồng, một tộc người, một quốc gia có thể tồn tại nhiều hệ giá trị khác nhau tạo ra nhiều chuẩn mực, triết lý sống khác nhau mà mỗi chuẩn mực, triết lý lại có cách vận hành riêng để tồn tại và chi phối cuộc sống con người. Hệ giá trị văn hoá được lồng vào trong hầu hết các thành tố/yếu tố hay hiện tượng văn hoá, một câu tục ngữ cũng có thể thể hiện sâu sắc một giá trị văn hoá như: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” chuyển tải giá trị đoàn kết, một lời mời trước khi ăn cơm chuyển tải giá trị lễ giáo trong ứng xử…

Vì vậy sự đa dạng của văn hoá cũng chính là sự đa dạng của hệ giá trị văn hoá. Hệ giá trị văn hoá cũng được lồng vào trong đa dạng các thiết chế, thể chế để vận hành nó (lệ làng, luật tục, hương ước, quy ước, quy định, nguyên tắc, các điều luật…). Có thể khẳng định rằng đa dạng giá trị, đa dạng nguồn hình thành giá trị, đa dạng cách vận hành giá trị, đa dạng ý nghĩa, hình thức thể hiện giá trị là những đặc điểm nổi bật khi nhìn vào hệ giá trị văn hoá.

Tính không bất biến, không đồng nhất

Do hệ giá trị là tương đối và đa dạng nên không có một hệ giá trị nào tồn tại mãi mãi mà luôn có sự thay đổi, thay thế, bổ sung hay sáng tạo mới; cũng không có sự đồng nhất trong hệ giá trị mà các hệ giá trị luôn tồn tại đa dạng, đan cài nhau trong các mối quan hệ tương tác, tương liên, với những sự kết nối chặt chẽ và đa chiều.

Như đã phân tích ở trên, hệ giá trị được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, trong nhiều bối cảnh đặc thù khác nhau và vì vậy khi cơ sở hình thành các hệ giá trị thay đổi, khi bối cảnh, môi trường thay đổi thì hệ giá trị thay đổi. Hệ giá trị của mỗi nhóm, mỗi tộc người, mỗi quốc gia, vì vậy, không đồng nhất, không mang tính khách quan, tĩnh tại mà luôn có sự khác nhau, luôn được kiến tạo và luôn biến đổi. Vì hệ giá trị văn hoá luôn thay đổi theo sự thay đổi của lịch sử, của các điều kiện tự nhiên, kinh tế, chính trị xã hội nên các hệ giá trị đã từng tồn tại trong truyền thống có thể không còn tồn tại trong hiện tại hoặc vẫn tồn tại nhưng đã có sự thay đổi về nội hàm hay sự mở rộng về trường nghĩa, sự thay thế về cách biểu đạt.

Ví dụ, giá trị chuẩn mực của người phụ nữ truyền thống là “công, dung, ngôn, hạnh”, trong xã hội đương đại đã có sự thay đổi theo những giá trị chuẩn mực mới như: trí tuệ, năng động, sáng tạo, khéo léo, linh hoạt… Giá trị chuẩn mực của mối quan hệ con cái với cha mẹ trong gia đình truyền thống là quyền của cha mẹ, bổn phận của con cái, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, trong xã hội đương đại chuẩn mực này đã thay đổi theo hướng quyền của con cái, bổn phận của cha mẹ, cha mẹ không áp đặt mà tôn trọng lựa chọn của con cái…

Giá trị yêu nước, theo thời gian và đặc thù lịch sử, đã luôn được tích hợp, thay đổi, bổ sung những trường nghĩa mới, khi đất nước bị xâm lược, yêu nước là tham gia chiến đấu đánh đuổi giặc ngoại xâm, thời kỳ tái thiết đất nước, yêu nước là dốc sức xây dựng đất nước, đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, thời kỳ đổi mới yêu nước là làm giàu cho đất nước và hiện nay giá trị yêu nước được bổ sung nhiều trường nghĩa mới như: “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là yêu nước hay trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 “ở nhà là yêu nước”…

Hệ giá trị không bất biến mà luôn thay đổi song sự thay đổi này không triệt để theo hướng là thay thế, xoá bỏ mà các hệ giá trị có thể song song tồn tại, vừa duy trì các giá trị truyền thống, vừa sáng tạo các giá trị mới, các giá trị mới có thể kế thừa, hội nhập, tích hợp các giá trị truyền thống. Chính vì thế, các hệ giá trị không đồng nhất mà mỗi hệ giá trị có “toạ độ” riêng trong đời sống xã hội, chuyển tải những trường nghĩa của cộng đồng, nhóm, tộc người, quốc gia sản sinh ra và nuôi dưỡng nó.

Hiện nay, nhiều hệ giá trị truyền thống đã thay đổi theo hướng thích ứng với bối cảnh mới, nhiều hệ giá trị mới đang được hình thành và vận hành trong xã hội như dân chủ, bình đẳng, hội nhập, khoan dung, cạnh tranh… Mặc dù các hệ giá trị văn hoá mới còn cần thời gian để thấm sâu vào đời sống xã hội song cũng đã đủ để tạo nên cho hệ giá trị những sự thay đổi, thậm chí là phá vỡ các đường biên của thời gian, không gian, sự đồng nhất và cả sự tĩnh lặng, khách quan vốn hay được gắn cho phạm trù giá trị.

Tính phổ quát và đặc thù

Như đã phân tích ở trên, hệ giá trị văn hoá rất đa dạng, mang tính tương đối, không bất biến, không đồng nhất nên hệ giá trị văn hoá tồn tại ở nhiều cấp độ, phạm vi khác nhau, có hệ giá trị mang tính chung, tính phổ quát, có hệ giá trị mang tính riêng, tính đặc thù của từng nhóm, từng cộng đồng, từng tộc người, từng quốc gia, có hệ giá trị tồn tại trong một không gian rộng, một thời gian dài với số đông người lựa chọn nhưng cũng có hệ giá trị lại chỉ tồn tại trong không gian hẹp, một thời gian ngắn với chỉ một nhóm người lựa chọn…

Các hệ giá trị mang tính phổ quát thường được nhắc tới là chân, thiện, mỹ, là yêu nước, nhân ái, đoàn kết, khoan dung, sáng tạo… Những hệ giá trị này thường được đông đảo các nhóm, cộng đồng, tộc người, quốc gia chia sẻ, điều đó có nghĩa những hệ giá trị này có ở nhiều nền văn hoá song nội hàm, trường nghĩa cùng sự sắp đặt theo tầm quan trọng của các hệ giá trị này lại có sự khác nhau giữa các nhóm, cộng đồng, tộc người, quốc gia và đây chính là tính đặc thù của hệ giá trị văn hoá.

Ví dụ, hệ giá trị đoàn kết được nhiều quốc gia, tộc người chia sẻ nhưng hệ giá trị này lại được thể hiện khác nhau ở từng quốc gia, tộc người, đoàn kết với Việt Nam là cố kết cộng đồng, đề cao tính cộng đồng, là đại đoàn kết các dân tộc, là tương trợ… trong khi đoàn kết với Nhật Bản là tinh thần tập thể gắn với tinh thần dân tộc và thể hiện rõ trong từng hành động tập thể.

Tính phổ quát của hệ giá trị khiến cho văn hoá Việt Nam có thể chia sẻ, hội nhập, đối thoại dễ dàng với nền văn hoá thế giới, trong khi đó tính đặc thù của hệ giá trị lại khiến cho văn hoá Việt Nam “hội nhập mà không hoà tan”, giữ được hồn cốt dân tộc, làm giàu bản sắc văn hoá. Tính phổ quát và tính đặc thù của hệ giá trị không tạo ra mâu thuẫn mà cùng tồn tại như hai mặt của một vấn đề, một giá trị riêng lẻ cũng có thể vừa có tính phổ quát, vừa có tính đặc thù và chính thuộc tính này lại thúc đẩy mạnh mẽ hơn tính đa dạng và tương đối của hệ giá trị văn hoá.

Việc gọi tên các đặc điểm, thuộc tính của hệ giá trị văn hoá như trên chỉ là việc cụ thể hoá từng vấn đề, từng khía cạnh để phân tích được sâu hơn mà thôi, còn trên thực tế, các đặc điểm, thuộc tính này luôn có sự liên kết chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau, đan cài, tích hợp vào nhau theo những trật tự nhất định.

Author

Ngo@pressvn.com