0 Comments

Bonsai hay còn gọi là Bồn Tài là tên dùng để chỉ nghệ thuật “trồng cây trong chậu”, có nguồn gốc từ rất lâu đời. Hà Nội là trung tâm lớn nhất, nơi sản sinh và gìn giữ các nghệ thuật văn hóa, cũng là nơi nghệ thuật bonsai phát triển mạnh nhất miền Bắc nước ta.

Hiện nay, có 4 tiêu chí “Cổ, kỳ, mỹ, văn” được giới nghệ nhân cây cảnh xem là những căn cứ để hình thành nên nghệ thuật cây cảnh. Cụ thể, cây cảnh nghệ thuật phải tạo ra từ 4 giá trị đó, tuy nhiên không nhất thiết là phải đảm bảo đầy đủ 4 yếu tố, có thể thiếu 1 hoặc 2 nhưng các yếu tố đó qua thời gian sẽ dần được tạo nên đầy đủ. 4 yếu tố này được đan xen lẫn nhau, không có yếu tố nào đứng đầu và cần có sự hài hòa tổng thể cả 4 yếu tố.

Trong đó, Cổ – xét về mặt thời gian được hiểu là tuổi thọ của cây cao; xét về mặt con người, cổ ở đây còn mang ý nghĩa là công sức là thời gian người nghệ nhân chăm cây.

Kỳ – có thể hiểu theo 3 nghĩa, trước tiên là kỳ công: sự bỏ tâm sức của người chơi vào trong cách chăm sóc, uốn nắn tạo hình dáng, lá, thân, cành, rễ… từng yếu tố tạo nên một tổng thể hợp nhất; tiếp đến là kỳ lạ: là hình dáng khác biệt so với cây bình thường; cuối cùng là kỳ vị: chính là nhắc đến sự thú vị khi ngắm nhìn cây, cùng 1 cây nhưng mỗi người có thể nhìn ra một hình dáng khác nhau.

Mỹ – vẻ đẹp tổng thể từ rễ, thân, cành, lá, từng đường uốn, chậu, bệ hay bình trồng cây… Một bộ phận tuy không đạt về thẩm mỹ nhưng khi kết nối với tổng thể cây thì tạo nên nét đẹp thì vẫn mang yếu tố “ Mỹ”.

Văn – chính là ý nghĩa của tác phẩm. Bởi mỗi tác phẩm được tạo ra đều mang ý nghĩa và những giá trị nhân văn nhất định.

Với mong muốn gìn giữ, phát triển và tái hiện nét đẹp văn hóa cây cảnh ông cha để lại, ngày 18/2/2022, tại KĐT Libeco – TT Trạm Trôi – Hà Nội đã diễn ra giao lưu, trưng bày “Cây cảnh nghệ thuật đương đại”. Trong ngày đầu tiên, chương trình đã có sự tham gia của nhiều nghệ nhân trẻ và đông đảo người yêu cây cảnh. Nhiều tác phẩm bonsai đặc sắc hội tụ các yếu tố “Cổ, kỳ, mỹ, văn” thu hút người xem.

Theo anh Lê Minh Hoàng (Hà Nội) – một nghệ nhân trẻ chia sẻ, việc trồng, uốn, nắn một tác phẩm bonsai vô cùng tỉ mỉ, kỳ công, không những đòi hỏi người nghệ nhân phải có một đôi tay khéo léo, mà còn phải là người biết “lắng nghe” tiếng nói của cỏ cây.

“Lúc mới vào nghề, để có được một tác phẩm hoàn thiện, trước tiên tôi mất một khoảng thời gian dài để có thể làm đất trồng sao cho cây không bị chết. Cứ khoảng 3 – 4 năm thường phải thay đất một lần vì đất cũ đã hết dinh dưỡng. Khi trồng cây phải uốn nắn cẩn trọng nếu không dễ gãy cành. Mỗi khi cây có các biểu hiện sâu bệnh, cằn cỗi phải kịp thời xử lý bởi có những trường hợp để cây sâu bệnh khiến cho nhiều cây có tuổi đời đến vài chục năm cũng không sống nổi. Người ta ví chăm sóc bonsai chính là thổi hồn vào cây”.

Tại đây, hầu hết các tác phẩm được đánh giá đặc sắc thể hiện tinh thần tôn vinh văn hóa đương đại, tiếp thu học hỏi và mang những ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Hi vọng thời gian tới, nghệ thuật bonsai tại Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa, trở thành “món ăn tinh thần” đối với những tâm hồn yêu thiên nhiên.

Chương trình sẽ diễn ra đến hết ngày 20/2/2022.

Thanh Tùng -VietQ

Author

Ngo@pressvn.com