Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Nghị quyết số 138/NQ-CP về Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể, Chính phủ quyết nghị thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Nội dung Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; giữ vững các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh nguồn nước; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm;

Năm 2030, Việt Nam phấn đấu GDP bình quân đầu người đạt 7.500 USD. Ảnh minh họa.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021 – 2030, trong đó vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng tăng khoảng 8 – 8,5%/năm. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Tỉ trọng trong GDP của khu vực dịch vụ đạt trên 50%, khu vực công nghiệp – xây dựng trên 40%, khu vực nông, lâm, thủy sản dưới 10%. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 50%;

Phát huy lợi thế của từng vùng kinh tế – xã hội; hình thành hai vùng động lực phía bắc và phía nam gắn với hai cực tăng trưởng là thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hành lang kinh tế Bắc – Nam, các hành lang kinh tế Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, Mộc Bài – Thành phố Hồ Chí Minh – Vũng Tàu với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào phát triển chung của đất nước; cơ bản hình thành mạng lưới đô thị quốc gia, đảm bảo tính kết nối cao giữa đô thị trung tâm cấp quốc gia với các đô thị vùng và khu vực nông thôn; tỉ lệ đô thị hóa đạt trên 50%;

Thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; tỉ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GDP; Quy mô dân số đến năm 2030 đạt khoảng 105 triệu người. Chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,7. Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm.

Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 32 m2; Phát triển nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; thuộc nhóm 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á. Tỷ lệ sinh viên đại học đạt 260 trên 10 nghìn dân. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 – 40%;

Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Phát triển mạng lưới cơ sở y tế quốc gia đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe toàn dân, hướng tới mục tiêu công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Đến năm 2030, đạt 35 giường bệnh và 19 bác sỹ trên 10 nghìn dân; tỉ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%…

Tầm nhìn đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Các vùng phát triển hài hoà, bền vững, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh; Hệ thống đô thị thông minh, hiện đại, giàu bản sắc, xanh.

Giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Môi trường có chất lượng tốt, xã hội hài hoà với thiên nhiên, phát triển hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cac-bon thấp; Giai đoạn 2031 – 2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5 – 7,5%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27 nghìn – 32 nghìn USD. Tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70 – 75%. Chỉ số phát triển con người ở mức cao, đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc..

Author

Ngo@pressvn.com