Thu hồi văn bản chỉ sau 2 ngày

Ngày 24/7/2021, tại công văn số 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng, chống bệnh dịch bệnh COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu. Bộ Y tế có kèm theo hướng dẫn và danh mục về 12 loại thuốc, sản phẩm dược liệu phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19 và 9 sản phẩm sát khuẩn không khí, sát khuẩn tay và xịt họng.

Theo đó, tại hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược, Bộ Y tế công bố 12 loại thuốc cổ truyền phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19. Một số loại sản phẩm được kể đến như Viên nang Kovir, Hoạt huyết Nhất Nhất, Imboot… Ngoài ra, hướng dẫn cũng đưa ra một số danh mục sản phẩm khác như: Sản phẩm sát khuẩn; thuốc xịt họng; các sản phẩm hỗ trợ nâng cao sức khỏe. Trong đó có hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng, thành phần, công dụng… của các sản phẩm này.

Hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu trong phòng và hỗ trợ điều trị covid – 19, ban hành kèm theo công văn số 5944/BYT-YDCT

Các thuốc cổ truyền, các sản phẩm chế biến, bào chế từ dược liệu do bệnh viện bào chế và do các cá nhân, tổ chức ủng hộ được sử dụng điều trị cho người bệnh nhiễm COVID-19 ở mức độ nhẹ, không triệu chứng, cho các đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu và các đối tượng cách ly (F1) phù hợp với tình hình dịch bệnh tại đơn vị, địa phương. Theo nội dung của văn bản số 5944/BYT-YDCT thì sản phẩm viên nang cứng Kovir của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương là một trong 12 sản phẩm hỗ trợ điều trị Covid-19.

Tuy nhiên, công văn này đã vấp phải sự phản ứng của dư luận, nhiều ý kiến cho rằng công văn này thiếu tính khoa học và việc đưa rõ tên sản phẩm, nhà sản xuất các sản phẩm như một hình thức “chỉ định thầu” có phần “thiên vị” cho một số doanh nghiệp. Mà doanh nghiệp đang được nhắc đến nhiều với việc “hưởng lợi” từ công văn trên chính là Công ty Cổ phần Sao Thái Dương.

Chính vì vậy, sáng ngày 26/7/2021, Bộ Y tế đã có văn bản số 5967/ BYT-YDCT thông báo việc thu hồi công văn số 5944/BYT-YDCT 2 ngày trước đó. Cả hai văn bản trên đều do chính Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ký. Và trong văn bản thu hồi, Bộ Y tế ghi: “do có một số nội dung chưa phù hợp nên Bộ Y tế thu hồi công văn này”.

Đột ngột tăng giá 5 ngày trước khi văn bản số 5944/BYT-YDCT xuất hiện?

Giống như có thể “tiên đoán” được sự việc, ngày 19/7, Công ty Cổ phần Sao Thái Dương đã có văn bản thông báo điều chỉnh giá bán sản phẩm viên nang cứng Kovir là 1 triệu đồng/hộp 2 vỉ x 15 viên. Trong khi trước đó, giá 1 hộp viên nang cứng Kovir tại các cửa hàng thuốc chỉ dao động từ 100.000-250.000 đồng/hộp.

Sau thông báo điều chỉnh giá, 5 ngày sau, ngày 24/7, Bộ Y tế ra công văn số 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu để góp phần phòng chống dịch bệnh Covid-19, sản phẩm viên nang cứng Kovir là một trong 12 sản phẩm hỗ trợ điều trị Covid-19.

Thông báo điều chỉnh giá bán sản phẩm viên nang cứng Kovir trước khi văn bản được kí của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương.

Theo khảo sát của PV, sau công văn của Bộ Y tế, viên nang Kovir luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Tại nhà thuốc Long Châu (địa chỉ 151 Trần Đăng Ninh, Cầu Giấy) cho biết, trên tất cả các hệ thống của nhà thuốc không còn sản phẩm nào. Hiện nhà thuốc đã gọi điện cho nhà sản xuất để đặt hàng, nếu khách hàng có nhu cầu thì để lại SĐT, khi nào có hàng nhà thuốc sẽ thông báo sau.

Tương tự, tại nhà thuốc Tâm An (địa chỉ 145 Trần Đăng Ninh, Cầu Giấy), nhà thuốc 365 (địa chỉ số 5 Trương Công Giai, Cầu Giấy)… cũng vậy, nhà thuốc không còn sản phẩm nào để bán cho khách hàng. Rất nhiều khách hàng khác có nhu cầu mua dự phòng các sản phẩm trên cũng không mua được.

Tại rất nhiều cửa hàng thuốc, sản phẩm viên nang Kovir đang trong tình trạng không còn hàng để bán.

Quay trở lại nội dung trên, điều đáng bàn, sản phẩm viên nang Kovir có từ năm 2017, khi mà chưa có dịch COVID-19. Văn bản xác nhận công bố sản phẩm Kovir do Cục trưởng cục an toàn thực phẩm ký ngày 31/7/2017.

Tuy nhiên, khi dịch COVID -19 bùng phát, thì trên một số phương tiện thông tin đại chúng và trang mạng xã hội có đưa thông tin sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kovir của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương hiệu quả cao đối với các bệnh virus từ sau lần uống đầu tiên; hỗ trợ điều trị COVID-19.

Ngay tại bảng giá của Sao Thái Dương, dù không nhắc tới COVID-19 nhưng lại ghi công dụng: Hỗ trợ phòng và điều trị sớm các bệnh do virus gây ra… dùng cho trường hợp F1, giúp giảm nguy cơ F1 thành F0. Liều đủ dùng là 15 ngày.

Thậm chí, Sao Thái Dương còn quảng bá: Sản phẩm được nghiên cứu tại Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Thái Bình, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Câu hỏi là, với thành phần ghi trên website của Sao Thái Dương: “Bột mịn cao hỗn hợp dược liệu 600mg (được chiết xuất từ các dược liệu sau: Sài hồ 245mg, Phục linh 245mg, Đảng sâm 245mg, Tiền hồ 245mg, Cát cánh 163mg, Xuyên khung 163mg, Chỉ xác 163mg, Khương hoạt 163mg, Độc hoạt 163mg, Cam thảo 163mg, Sinh khương 82mg, Bạc hà 82mg)” và công dụng chỉ là “nâng cao sức đề kháng” thì tại sao Kovir có giá tới 1 triệu đồng/hộp?

Văn bản 5944/BYT-YDCT ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Việc ra công văn số 5944/BYT-YDCT và tiếp theo là văn bản số 5967/BYT-YDCT thu hồi văn bản trên đã tạo nên một dấu hỏi rất lớn của người dân vào Bộ y tế.

Nhiều câu hỏi đã đặt ra người dân và giới chuyên môn về thực chất các sản phẩm này đã được ứng dụng thử nghiệm để hỗ trợ điều trị người mắc Covid-19 thể nhẹ như thế nào? Nhiều sản phẩm cùng tính chất như vậy nhưng của các nhà sản xuất khác sao không thấy nhắc tới? hoặc Bộ y tế đã đánh giá như thế nào? Ai đánh giá, có đảm bảo tính khoa học và khách quan hay không? Bộ Y tế căn cứ vào đâu để đưa các sản phẩm trên vào trong danh mục hỗ trợ điều trị covid – 19?

Văn bản số 5967/BYT-YDCT thu hồi công văn số 5944/BYT-YHCT.

Những câu hỏi cụ thể khác như: Hoạt huyết Nhất Nhất lâu nay được quảng cáo trên TV cho những căn bệnh về não, hoạt huyết… không liên quan gì tới việc điều trị viêm phổi lại nằm trong danh sách, tại sao lại nằm trong nhóm chống Covid-19?

Anh N.V.Q cho biết: “Một số người cho rằng đều là thuốc cả. Không hỗ trợ bệnh này thì hỗ trợ bệnh khác, đều có tác dụng hỗ trợ. Tuy nhiên theo tôi không thể suy nghĩ như vậy. Đấy là cách “đánh lận con đen”, vì giữa việc cơ quan Nhà nước có chuyên môn công bố thông tin, nó khác hoàn toàn với việc rỉ tai nhau công dụng nước cam tăng đề kháng. Vì nó tạo ra niềm tin cho người dân về các sản phẩm đó. Vô hình chung, tạo ra sự bất bình đẳng trên thị trường. Và nếu sản phẩm chưa được kiểm chứng lâm sàng, chưa có phác đồ điều trị mà công bố vội vã, thì sẽ rất nguy hiểm khi người dân tự ý mua về sử dụng, ảnh hưởng tới cả việc điều trị Covid”

Liên quan đến các thông tin trên, trả lời báo chí ngày 25/7/2021, ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y dược học cổ truyền, Bộ Y tế, cho biết: đây là thuốc do doanh nghiệp tài trợ, hỗ trợ, không phải để đấu thầu, không phải để người bệnh nhao nhao đi mua.

Các danh sách sản phẩm kể trên nhằm “tham mưu cho ban chỉ đạo phòng chống dịch sản phẩm sử dụng cho người không có triệu chứng hoặc F1, sản phẩm trong danh sách tập hợp các thuốc được tài trợ”?

Sau công văn bị thu thồi của Bộ Y tế, rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Và dù trong trường hợp như thế nào, thiết nghĩ Bộ Y tế cần phải trả lời về trường hợp này để lấy lại lòng tin từ nhân dân.

Hoàng Quân/Theo Sở hữu trí tuệ

Author

Ngo@pressvn.com