Dấu hiệu mập mờ về nguồn gốc

Trong bài viết với nhan đề “Quảng cáo ‘thổi phồng’ chất lượng ghế massage Oreni, người tiêu dùng nên cẩn trọng”, Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đề cập tới tình trạng sản phẩm ghế massage Oreni đang được quảng cáo với thông tin sai sự thật trên các nền tảng internet trong đó có website chính thức của Công ty TNHH Oreni Việt Nam (oreni.vn).

Công ty TNHH Oreni Việt Nam cũng chính là đơn vị phân phối sản phẩm ghế massage Oreni. Công ty này có địa chỉ tại 208D Lê Trọng Tấn, Phường Khương Mai, Quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội. Người đại diện pháp luật của công ty là ông Nguyễn Mạnh Quân.

Tuy nhiên, không chỉ quảng cáo sai sự thật về chất lượng, công dụng sản phẩm, thời gian qua, sản phẩm ghế massage Oreni còn có dấu hiệu “mập mờ” về nguồn gốc xuất xứ. Trên website oreni.vn và Facebook Oreni Việt Nam (hai kênh chính quảng cáo thông tin ghế massage Oreni) có thông tin giới thiệu rằng “Sản phẩm ghế massage toàn thân Oreni theo công nghệ Nhật Bản giúp chăm sóc và cải thiện sức khỏe toàn diện cho khách hàng, phù hợp với mọi lứa tuổi… Toàn bộ sản phẩm của Oreni đều được thiết kế sang trọng, nghiên cứu bởi các kỹ sư hàng đầu thế giới và sản xuất dựa trên công nghệ tiên tiến nhất của Nhật Bản”. Bên cạnh đó là hàng loạt bài viết để quảng cáo cho ghế massage Oreni.

Công ty TNHH Oreni Việt Nam có địa chỉ tại 208D Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân, Hà Nội.

Mặc dù liên tục có những bài viết với ngôn từ “có cánh” quảng cáo về công dụng sản phẩm, tuy nhiên, không có nội dung nào nói về nguồn gốc sản phẩm này. Tất cả chỉ vỏn vẹn trong cụm từ “công nghệ Nhật Bản”. Còn lại, những thông tin về việc sản phẩm ghế massage Oreni được sản xuất tại nước nào thì không thấy Công ty TNHH Oreni Việt Nam đề cập.

Như vậy, người tiêu dùng không thể biết sản phẩm ghế massage Oreni có nguồn gốc, xuất xứ từ đâu, sản phẩm được sản xuất theo công nghệ nào (website chỉ nêu chung chung là công nghệ Nhật Bản), có ưu điểm và hạn chế ra sao. Chính sự mập mờ này khiến người dùng hoài nghi, lo lắng về chất lượng sản phẩm. Bởi trên thực tế, một sản phẩm chất lượng phải là sản phẩm rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ.

Thực trạng này cũng khiến dư luận không khỏi thắc mắc sản phẩm này thực chất có nguồn gốc từ đâu, có được nhập khẩu chính ngạch theo quy định pháp luật hay không? Sản phẩm có đảm bảo chất lượng và an toàn cho sức khoẻ người dùng? Đối với vấn đề này, chúng tôi sẽ liên hệ với Tổng cục Hải quan để làm rõ.

Sản phẩm ghế massage Oreni ghi sản xuất theo công nghệ Nhật Bản, tuy nhiên, thông tin xuất xứ sản phẩm không được nêu.

Những thông tin quảng cáo sai sự thật

Thời gian qua, thông tin về việc nhiều sản phẩm ghế massage Oreni của Công ty TNHH Oreni Việt Nam quảng cáo với nội dung sai sự thật, không đúng chất lượng thực tế, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng khiến dư luận không khỏi bức xúc. Trên website và Facebook thuộc sở hữu của công ty, sản phẩm ghế massage được quảng cáo có khả năng trị liệu chuyên sâu, điều trị mất ngủ, điều trị các bệnh về xương khớp.

Cụ thể, trên trang Facebook Oreni Việt Nam, sản phẩm ghế massage Orei OR-160 được quảng cáo có tính năng massage không trọng lực (Zero Gravity) “giúp lưu thông máu, tuần hoàn máu, giảm áp lực về tim, phòng ngừa nguy cơ mắc các bệnh huyết áp, tim mạch, đột quỵ”.

Một sản phẩm khác là ghế massage Oreni OR-700 được quảng cáo với nội dung “giúp thư giãn, tăng tuần hoàn máu, thúc đẩy quá trình thải độc trong cơ thể, giúp điều trị mất ngủ, đồng thời phòng ngừa nhiều chứng bệnh… Kết hợp các phương pháp, kỹ thuật massage với tính năng làm ấm cơ thể sẽ giúp tăng tuần hoàn máu, đả thông kinh mạch, kích thích sự trao đổi chất ở tế bào, giúp giảm đau nhanh chóng, trị liệu hiệu quả các vấn đề đau nhức xương khớp ở người cao tuổi và người đang gặp vấn đề về cơ xương”. Sản phẩm này còn được quảng cáo có công dụng “Tăng lượng hồng cầu và bạch cầu, giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Tác động tích cực tới não, giúp não bộ tăng hưng phấn, ngăn ngừa mất trí nhớ”.

Sản phẩm ghế massage Oreni OR-180i cũng được quảng cáo có khả năng “giảm đau khớp, giảm đau thắt lưng, ngăn ngừa thoái hóa đốt sống ở người cao tuổi, điều hòa nhịp tim và cải thiện sức khỏe tim mạch tốt hơn, cải thiện lưu thông máu, phòng tránh tai biến”.

Không chỉ trên website, trang Facebook của Oreni Việt Nam cũng đăng tải thông tin quảng cáo ghế massage Oreni có khả năng “Giúp ngủ ngon và sâu giấc hơn; Điều trị các bệnh đau nhức mỏi cơ; Điều hòa huyết áp và bệnh tim mạch; Tăng cường hệ miễn dịch; Điều chỉnh và cải thiện tư thế”.

Ghế massage Oreni quảng cáo có khả năng “điều trị” các bệnh đau nhức mỏi cơ, tuy nhiên đây là thông tin sai sự thật.

Có thể thấy, mặc dù quảng cáo sản phẩm có khả năng điều trị mất ngủ, trị liệu các bệnh về xương khớp, huyết áp, tim mạch, trị liệu chuyên sâu, phòng bệnh, ngăn ngừa mất trí nhớ nhưng phía Công ty TNHH Oreni Việt Nam lại không đưa ra bằng chứng, căn cứ khoa học nào liên quan tới việc ghế massage của công ty có các công dụng kể trên là sự thật.

Trong khi đó, trên thực tế, những loại ghế massage chủ yếu có chức năng massage, thư giãn, tạo cảm giác sảng khoái, dễ chịu cho người dùng. Phần lớn những bệnh như xương khớp, cột sống là bệnh mãn tính, cần điều trị lâu dài và khoa học. Việc ghế masage được quảng cáo sử dụng chế độ sưởi ấm giúp tăng tuần hoàn, trị bệnh là không đúng sự thật. Đây là những phương pháp chữa bệnh chưa được chứng minh một cách khoa học và chưa được Bộ Y tế khuyến cáo nên sử dụng.

Trên website của Công ty TNHH Oreni Việt Nam còn đăng tải hàng loạt bài viết tư vấn các bệnh liên quan tới xương khớp, thoái hoá xương khớp. Sau đó, gắn với thương hiệu sản phẩm ghế massage Oreni để thu hút người dùng. Điều này dễ khiến người dùng hiểu lầm công dụng thực sự của sản phẩm trong việc điều trị các bệnh kể trên.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao những nội dung quảng cáo như trên lại xuất hiện trên website, Facebook của Công ty TNHH Oreni Việt Nam? Căn cứ nào để Công ty TNHH Oreni Việt Nam quảng cáo sản phẩm ghế massage Oreni có khả năng trị liệu, thậm chí có thể điều trị các bệnh về xương khớp, tim mạch, ngăn ngừa mất trí nhớ? Đây có phải hành vi lừa dối người tiêu dùng thông qua việc quảng cáo sai sự thật về công dụng, chất lượng sản phẩm hàng hoá?

Người tiêu dùng nên cẩn trọng

Liên quan tới vấn đề trên, theo ý kiến của chuyên gia, ghế massage là mặt hàng chiếm thị phần lớn nhất và có giá trị gia tăng cao nhất trong các thiết bị massage. Trong những ngày đầu, với lợi thế tiếp cận sớm các nền tảng thương mại điện tử và kinh nghiệm làm tiếp thị, một số công ty sản xuất và OEM ghế massage giá rẻ đã nhanh chóng tiến vào thị trường, thu hút người tiêu dùng với chiến lược giá thấp.

Trước đây, những chiếc ghế massage được xem là thiết bị gia dụng cao cấp, có giá lên tới cả trăm triệu đồng thì giờ đây, khách hàng dễ dàng có thể sở hữu chỉ với 40-50 triệu đồng, thậm chí đặt mua từ Trung Quốc về với giá chỉ 15-20 triệu đồng kể cả phí vận chuyển.

Tuy nhiên, do thiếu tích lũy kỹ thuật, các nhà sản xuất nhỏ nói trên có xu hướng đẩy sản phẩm của mình lên tầm cao hơn bằng cách cải thiện hình thức bên ngoài và đa dạng tính năng phụ trợ, thay vì chú trọng vào chất lượng và độ an toàn. Kinh nghiệm non kém, dịch vụ hậu mãi khó được đảm bảo khiến thị trường ghế massage đang dần trở nên hỗn tạp.

Bên cạnh các thương hiệu ghế massage truyền thống thì ngày càng có nhiều thương hiệu, sản phẩm ghế massage mới từ trung cấp đến cao cấp, thậm chí cả thương hiệu đồ gia dụng nổi tiếng cũng lấn sân sang lĩnh vực ghế massage. Người tiêu dùng như bị đưa vào ma trận.

Trước tình trạng này, người dùng không nên vội vàng tin vào những quảng cáo không có cơ sở, vượt ngoài tầm công dụng của sản phẩm. Đồng thời, trước khi chọn mua cần quan tâm tới chất lượng, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, không mua sản phẩm không thể chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Chiểu theo quy định pháp luật, tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05 – 50 triệu đồng, cấm làm công việc nhất định từ 01 – 05 năm.

Tại khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo cũng nghiêm cấm: “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố”.

Author

Ngo@pressvn.com