0 Comments
Thông tin sai lệch, lời thoại tục tĩu, hình ảnh phản cảm, nội dung nhảm nhí… là những gì có thể dễ dàng nhận thấy khi xem một số clip hài của Bảo Bảo Film và A Hy TV trên kênh Youtube. Đáng nói hơn là, nhiều clip trong số đó có nhân vật sử dụng trang phục truyền thống và bối cảnh làng bản của đồng bào dân tộc thiểu số…

Rất nhiều clip của Bảo Bảo Film và A Hy TV sau khi phát trên kênh Youtube đã ngay lập tức nhận được hàng nghìn lượt bình luận của người dân tộc Mông, Thái, Tày… trên cả nước. Trong đó, chủ yếu là những lời chê trách, phản bác, yêu cầu gỡ clip, thậm chí là chửi bới, tuyên bố sẽ kiện những cá nhân, tổ chức xây dựng lên các clip này.

Những clip như thế này không nên xuất hiện vì nó bôi xấu và góp phần chia rẽ các dân tộc” (Huan Hoang). “A Hy làm tiền trên danh dự, nhân phẩm của các dân tộc khác, chà đạp nên những nét văn hoá của dân tộc chúng tôi. A Hy sẽ trả giá về những gì anh ta đã làm” (Tub Biv Vwj). “Tôi có một vài lần lướt qua một số video của Bảo Bảo film vì thấy nhân vật có mặc trang phục dân tộc của chúng tôi. Tôi thấy nội dung rất nhảm nhí, chứng tỏ anh cũng chẳng hiểu gì về dân tộc của chúng tôi cả. Khi không hiểu gì về một tộc người thì đừng bao giờ làm phim về họ” (Chư Giàng). “Đời sống đồng bào miền núi đã khắc xưa hơn nhiều, không còn lạc hậu thế đâu, đồng bào cũng không ai suy nghĩ ngô nghê, ăn nói thô tục như thế” (Hoà Bẹt).

Kênh A Hy TV thường xuyên đăng tải các clip có nội dung phản cảm về đồng bào dân tộc thiểu số

Nguồn cơn của sự tức giận này bắt nguồn ngay từ những cái tên câu khách một cách lố lăng của các clip: “Tộc lừa Kinh bán Đào”; “Lấy vợ xem Mông, lấy chồng xem giống”, “Bố vợ tham ăn găp con rể keo kiệt”, “Chị dâu phải lòng em trai kết nghĩa”, “Anh Tộc đi mua sữa non gặp cô chủ thích tòm tem”, “Cổ vũ bóng đá theo phong cách anh Tộc và cái kết bê bết cả đời”… Trong clip, vẫn là khung cảnh làng bản của các tỉnh miền núi, trang phục của nhân vật là các bộ quần áo có hoa văn truyền thống của đồng bào dân tộc, nhưng ngôn từ thể hiện giữa các nhân vật rất nhảm nhí, thậm chí bậy bạ; tình huống diễn ra trong clip vô duyên và kệch cỡm.

Là người đã từng đến với rất nhiều bản làng của đồng bào dân tộc, đã cùng ăn, cùng ở với đồng bào… nên tôi dễ dàng phát hiện ngay những câu nói, hình ảnh, cách ứng xử trong mỗi clip là không phản ánh thực tế và không thể chấp nhận. Đáng nói là các clip gần như đã “dán nhãn” đồng bào dân tộc là những người chẳng giống ai, thích rượu chè, cả tin, dễ lừa và hay lừa người khác. Thậm chí, không ít clip có nhân vật anh tộc (A Hy thủ vai) thường xuyên dùng lời lẽ tục tĩu, khiêu khích, gợi dục với phụ nữ, kèm với đó là các hình ảnh sờ mó, lột áo quần…Đặt giả thiết người xem chưa từng tiếp cận với đời sống của đồng bào DTTS, nếu xem nhiều clip như vậy sẽ rất dễ có cách nhìn méo mó về truyền thống văn hoá của 1 số nhóm dân tộc.

Được biết, nhận được phản ánh từ một số cộng đồng DTTS về việc một số cá nhân, tổ chức sản xuất và đăng tải các tiểu phẩm trên các trang mạng xã hội có hình ảnh, nội dung không phù hợp với truyền thống văn hoá, bôi nhọ hình ảnh các DTTS, gây bức xúc trong cộng đồng DTTS, ngày 19/4/2020, Uỷ ban Dân tộc (UBDT) đã có công văn số 445/UBDT-HTQT đề nghị xử lý nghiêm trường hợp vi phạm của kênh Yuotube A Hy TV – kênh đang có hơn 721.000 lượt người theo dõi. Công văn (do ông Hà Việt Quân – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế của UBDT ký) nêu rõ: “Căn cứ vào nội dung các điều khoản cụ thể của Luật An ninh mạng 2018, Nghị định 05/NĐ-CP của CP về công tác dân tộc; Nghị định 15/NĐ-CP quy định xử phạm vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, UBDT đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông ( Cục phát thanh Truyền hình và Trang thông tin điện tử) cho kiểm tra và có hình thức xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật”.

Trước những bình luận đầy bức xúc, giận dữ của người xem (phần đông là đồng bào dân tộc Mông), mới đây, Bảo Bảo (đại diện cho Bảo Bảo Film) và A Huy ( đại diện kênh A Hy TV) đã có clip xin lỗi. Trong đó Bảo Bảo biện minh rằng nội dung clip chỉ nhằm mục đích hài hước, phục vụ khán giả; A Hy thì cho rằng, mình đã chưa tìm hiểu kĩ phong tục, tập quán của đồng bào nên có những cách thể hiện chưa đúng. Tuy nhiên, những lời xin lỗi của 2 nhân vật này được cho là thiếu nghiêm túc, lấp liếm, chưa thực sự chân thành. Đáng nói hơn cả là sau đó, kênh Youtube A Hy TV đã ẩn hết các nội dung, nhưng các clip do nhóm A Hy thực hiện vẫn còn nhiều trên mạng; tiếp tục gây phẫn nộ cho rất nhiều theo dõi…

Bảo Bảo Film đã gỡ bỏ một số clip có nội dung bị đồng bào dân tộc thiểu số lên án

Trao đổi với báo giới, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến hình ảnh người người DTTS, Cục đã cho rà soát và bóc gỡ các clip vi phạm. Hiện Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đang tiếp tục rà soát nhằm xử lý triệt để tận gốc.

Lâu nay, định kiến dân tộc luôn là vấn đề nhạy cảm, bởi những định kiến sẽ ảnh hưởng tới không hay tới tinh thần, ý thức dân tộc; đây cũng là một trong những nguyên nhân gây chia rẽ giữa các dân tộc. Nhận thức được vấn đề này nên Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều chủ trương, chính sách hướng tới mục tiêu giúp các dân tộc bình đẳng và cùng phát triển, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị và chia rẽ dân tộc.

Chính vì vậy, việc xây dựng và đăng tải các clip có hình ảnh đồng bào dân tộc nhưng lại không đúng với thuần phong, mỹ tục của đồng bào của kênh A Hy TV và Bảo Bảo Film là rất đáng lên án, cần được các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý mạnh tay, quyết liệt, đúng với quy định của pháp luật.

Theo Hoàng Mai/Báo Công Thương Điện Tử

Author

Ngo@pressvn.com