0 Comments

Theo Bộ Y tế, nhằm tăng cường hiệu quả quản lý chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 38/2021/TT-BYT ngày 31/12/2021 quy định chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền.

Trong đó quy định rất rõ các biện pháp quản lý chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền. Đối với dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền nhập khẩu là Giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của từng lô dược liệu (Giấy C/O) do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp và Phiếu kiểm nghiệm dược liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Đối với dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền trong nước là Bản cam kết nuôi trồng thu hái trong nước hoặc Giấy chứng nhận đạt Thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu, khai thác dược liệu tự nhiên (GACP) và Phiếu kiểm nghiệm dược liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Đồng thời, Bộ Y tế đã ban hành Dược điển Việt Nam V, Dược Điển Việt Nam V bản bổ sung, với 399 tiêu chuẩn về dược liệu và thuốc cổ truyền và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định số 1157/QĐ-BKHCN ngày 12/5/2017 về việc công bố 25 Tiêu chuẩn quốc gia về dược liệu sau chế biến. Đây là hệ thống tiêu chuẩn giúp kiểm soát chất lượng của dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền lưu hành trên thị trường.

Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, hệ thống kiểm nghiệm chất lượng thuốc hiện nay gồm: 02 Viện Kiểm nghiệm thuốc trực thuộc tuyến trung ương (Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương và Viện Kiểm nghiệm thuốc Tp Hồ Chí Minh) và 62 Trung tâm kiểm nghiệm các tỉnh, dược, mỹ phẩm, thực phẩm các tỉnh thành phố.

Trong đó, đã có 28 đơn vị đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc (GLP) và tiếp tục xây dựng hệ thống kiểm nghiệm vùng trên toàn quốc để đáp ứng công tác kiểm nghiệm chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền lưu hành trên thị trường.

Hằng năm, hệ thống cơ quan kiểm nghiệm tuyến trung ương và cấp tỉnh, thành phố tiến hành lấy mẫu để kiểm soát chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ, khám chữa bệnh có sử dụng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền.

Ngoài ra, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền cũng phối hợp với Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm kiểm nghiệm dược, mỹ phẩm, thực phẩm các tỉnh, thành phố tiến hành kiểm tra, lấy mẫu đánh giá chất lượng thuốc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ, khám chữa bệnh có sử dụng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền.

Theo Bộ Y tế, đến nay, Bộ Y tế, ngành y tế các địa phương cơ bản đã kiểm soát tốt được chất lượng của dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền lưu hành trên thị trường

Author

Ngo@pressvn.com