0 Comments

Thời gian qua, phát hành trái phiếu để huy động vốn đã trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho các doanh nghiệp trong bối cảnh tín dụng trung dài hạn của ngân hàng thu hẹp; các ngân hàng từng bước giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định.

Nếu năm 2017, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 4,9% GDP thì đến năm 2021, con số này lên tới 16,6% GDP. Dù vậy, trong 2 năm trở lại đây, có thực trạng là nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất cao gấp đôi lãi suất tiền gửi để thu hút vốn. Doanh nghiệp huy động được vốn cho sản xuất, kinh doanh, đầu tư… nhưng tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư, cho thị trường.

CLB Cafe số, Hội Truyền thông số Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Góp phần lành mạnh hóa thị trường chứng khoán Việt Nam”, nhằm tạo điều kiện để các chuyên gia trao đổi, hiến kế giải pháp góp phần đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, trở thành kênh huy động vốn hiệu quả.

“Tin đồn không đủ trở thành cú sốc thị trường”

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển kinh doanh, chúng ta đang sống trong “kỷ nguyên hỗn loạn”. Cụ thể, đây là kỷ nguyên thay đổi liên tục, buộc con người phải làm quen với sự thay đổi đó. Ông Nghĩa cho rằng công nghệ thay đổi quá nhanh, tác động của loài người với môi trường ngày càng tồi tệ, phản ứng trở lại của môi trường thậm chí tàn khốc hơn là những thứ loài người lấy từ đó. Ông Nghĩa cũng trích dẫn một câu hỏi của Bộ trưởng Bộ Khoa học Brasil: “Loài người đang tàn phá tài nguyên như là thế hệ cuối cùng”.

Một dự án của Tân Hoàng Minh tại Hà Nội. Ảnh Hữu Thắng

Tuy nhiên, trước những thay đổi này, TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá kinh tế Việt Nam vẫn phục hồi nhanh, mạnh. “Đây là điểm vô cùng quan trọng với thị trường chứng khoán”, ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa chỉ ra, khi nền kinh tế phục hồi với tốc độ nhanh, đây sẽ là đà cho thị trường phục hồi mạnh. Ngoài ra, kinh tế vĩ mô của việt Nam khá ổn định.

Về tác động của lạm phát tới thị trường Việt Nam, ông Nghĩa nói: “Mỹ và Châu Âu sắp tới có thể đạt kỷ lục về lạm phát trong 50 năm. Tôi tính toán, nếu giá xăng dầu của Việt Nam tăng lên 30-40% thị lạm phát sẽ tăng thêm 0,1-1%. Giá nguyên vật liệu nhập khẩu thì tác động ít hơn bởi nước ta xuất khẩu nhiều nên domino về lạm phát khi giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng không mạnh”. Yếu tố đáng chú ý tác động vào lạm phát là giá lương thực, thực phẩm. Trong trường hợp sớm nhất, ông Nghĩa cho rằng giá lương thực thực phẩm có thể tác động vào lạm phát 0,36%.

“Tính chung, lạm phát năm 2022 có thể lên tới 4% hoặc trên 4% một chút, khác với dự báo của nhiều cơ quan tổ chức, họ dự báo lạm phát có thể đạt tới 6,7%”, ông cho hay.

Đánh giá về ảnh hưởng của những tin đồn trong thời gian vừa rồi, ông Nghĩa cho biết trong quá khứ, những tin đồn tác động rất mạnh đến thị trường chứng khoán. Trong vụ án liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên (hay còn gọi là Bầu Kiên trước đây), ông Nghĩa lúc ấy đang làm cố vấn cho ngân hàng ACB, ông cho biết tác động thời điểm đó mạnh. “Tác động của những tin đồn trong thời gian gần đây đã giảm so với trước đó”, ông Nghĩa nói.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC trao đổi tại tọa đàm.

Cũng tại hội thảo, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC cho biết, các quy định về chứng khoán tại nước ta đã thay đổi mạnh, từ lúc chưa có gì đến hiện tại đã sửa đổi chặt chẽ. Ông Đức cho rằng sau vụ Tân Hoàng Minh, không nên bàn đến câu chuyện thắt chặt hơn các quy định (kể cả phát hành trái phiếu riêng lẻ và phát hành ra công chúng), mà quan trọng là các đơn vị liên quan có nghĩa vụ đảm bảo cho nhà đầu tư.

Đặc biệt, ông Đức nhận định ngân hàng là bên có trách nhiệm bảm đảm nhưng để đúng mục đích lại vô cùng khó khăn. Đức Trương Thanh Đức đề nghị các cơ quan, tổ chức phải làm thật, làm đúng, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh những vụ tương tự như Tân Hoàng Minh thời gian qua.

Trước câu hỏi về vấn đề nếu làm thị trường trong sạch liệu có tình trạng “sạch quá thì không có cá”, ông Nghĩa cho rằng điều này không đúng với thị trường.

“Một thị trường phải trong sạch, nhà đầu tư phải thấu hiểu, có thông tin. Không phải ai cũng đủ khả năng nhìn thấu thị trường, luôn có cái gọi là bất cân xứng thông tin”, ông Nghĩa nói. Theo ông Nghĩa, điều quan trọng với thị trường hiện tại là tìm cách giảm thiểu sự bất cân xứng thông tin. Ông Nghĩa cho rằng, trong tương lai nếu UBCK độc lập, có tiềm lực tiền, nhân lực, cơ sở vật chất mới tạo nên một nền tảng về thông tin minh bạch, nhanh chóng

Luật sư Trương Thanh Đức cũng đồng tình và cho rằng việc làm trong sạch thị trường là tất yếu. “Đây phải là ưu tiên hàng đầu. Không thể để thị trường bị làm giá, chi phối, mập mờ nhiều sai trái”, ông nói

Author

Ngo@pressvn.com