0 Comments

Theo Thông tư số 07/2018/TT-BCT về việc sửa đổi Thông tư số 21/2017/TT-BCT do Bộ Công Thương ban hành, từ ngày 01/01/2019, các sản phẩm dệt may, hàng may mặc trước khi đưa ra thị trường bắt buộc phải được chứng nhận phù hợp quy chuẩn QCVN 01:2017/BCT về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các Amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm Azo trong sản phẩm dệt may.

Theo Quy chuẩn này, từ ngày 1/1/2019, danh mục sản phẩm dệt may chịu sự điều chỉnh của quy chuẩn gồm: Quần, áo, váy, các loại vải may mặc, các loại thảm trải sàn, hàng phụ kiện may mặc như tất, khăn, mũ, găng tay, cà vạt, chăn, ga, gối, đệm, rèm cửa, giày, dép thể thao, giày tennis, giày bóng rổ, giày thể dục, giày luyện tập và các loại tương tự… chỉ được lưu thông trên thị trường sau khi đã được chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy và đăng ký hồ sơ chứng nhận hợp quy theo quy định.

Quy định pháp luật là vậy nhưng trên thị trường vẫn còn một số doanh nghiệp không tiến hành chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy (CR) cho sản phẩm dệt may theo quy định của Bộ Công Thương. Điều này không chỉ khiến người tiêu dùng và dư luận bức xúc mà còn tiềm ẩn nguy cơ tới sức khoẻ người tiêu dùng nếu hàm lượng formaldehyde có trong sản phẩm dệt may vượt quá mức chuẩn cho phép.

Một chi nhánh của hệ thống thời trang Friday tại địa chỉ 196 Nguyễn Trãi (Hà Nội).

Thời gian qua, toà soạn Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) nhận được phản ánh qua đường dây nóng về trường hợp hệ thống thời trang Friday đang phân phối nhiều sản phẩm quần áo không được gắn dấu chứng nhận phù hợp theo quy định tại quy chuẩn QCVN 01:2017.

Theo tìm hiểu, thời trang Friday là hệ thống cửa hàng chuyên phân phối các sản phẩm quần áo nữ, có nhiều chi nhánh tại Hà Nội (địa chỉ tại 65 Hồ Tùng Mậu; 231 Chùa Bộc; 138 Cầu Giấy; 191 Cầu Giấy; 196 Nguyễn Trãi; 72 Chùa Láng; 187 Trần Đại Nghĩa; 106B6 Phạm Ngọc Thạch; 101 Chùa Bộc).

Để kiểm chứng thông tin, theo chân một khách hàng, phóng viên đã đến cửa hàng Friday tại địa chỉ số 196 Nguyễn Trãi (Hà Nội) để mua quần áo. Tại đây, phóng viên chứng kiến cảnh nhân viên chi nhánh giới thiệu nhiều sản phẩm quần bò, áo sơ mi, áp phông… với chủng loại, mẫu mã, giá cả khác nhau.

Nhiều sản phẩm quần áo bán tại Friday không được gắn dấu hợp quy (dấu CR) theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, đa phần sản phẩm quần áo phân phối tại cửa hàng Friday không được gắn dấu hợp quy (dấu CR) trên nhãn mác sản phẩm. Khi phóng viên hỏi về việc tại sao quần áo được bán tại Friday không gắn dấu CR theo quy định, nhân viên trả lời họ chỉ là người bán hàng, các vấn đề chứng nhận hay pháp lý khác do công ty phụ trách.

Điều này đặt ra nghi vấn liệu các sản phẩm quần áo tại hệ thống cửa hàng Friday đã được chứng nhận hợp quy hay chưa? Các sản phẩm có đảm bảo hàm lượng formaldehyde an toàn cho người dùng theo QCVN 01:2017 hay không? Vì sao Friday không tiến hành chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy cho sản phẩm quần áo trước khi đưa ra lưu thông ngoài thị trường?

Không chỉ thiếu dấu hợp quy trên sản phẩm theo quy định, nhãn mác trên nhiều sản phẩm quần áo tại Friday còn ghi thông tin sơ sài, thậm chí không thể hiện thông tin về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Điều này đặt ra câu hỏi các sản phẩm bán tại Friday được nhập từ đâu? Vì sao thông tin xuất xứ nguồn gốc không được ghi trên nhãn?

Không chỉ không gắn dấu CR, nhãn mác hàng hoá tại Friday không thể hiện thông tin nguồn gốc sản phẩm.

Với mong muốn có thêm thông tin khách quan, phóng viên đã liên hệ đặt lịch làm việc trực tiếp với hệ thống này. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, toà soạn vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía hệ thống thời trang Friday.

Vấn đề đặt ra là tại sao quy định pháp luật đã có hiệu lực từ đầu năm 2019 nhưng đến nay Friday vẫn chưa chứng nhận hợp quy cho sản phẩm? Friday có đang cố tình vi phạm? Đề nghị Cục Quản lý thị trường Hà Nội vào cuộc kiểm tra, làm rõ để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Sản phẩm không chứng nhận hợp quy có thể bị thu hồi

Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá và Nghị định 126/2021/NĐ-CP quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử quy định rõ:

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong sản xuất sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải công bố hợp quy theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng:

– Không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng phải công bố hợp quy;

– Không đăng ký hồ sơ công bố hợp quy tại cơ quan có thẩm quyền;

– Không sử dụng dấu hợp quy, sử dụng dấu hợp quy không đúng quy định đối với sản phẩm, hàng hóa đã được công bố hợp quy theo quy định khi đưa ra lưu thông trên thị trường;

– Không tự thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời khi phát hiện hàng hóa của mình đang lưu thông hoặc đã đưa vào sử dụng có chất lượng không phù hợp công bố hợp quy hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;

– Không thực hiện lại việc công bố khi có sự thay đổi về nội dung của hồ sơ công bố hợp quy đã đăng ký hoặc có sự thay đổi về tính năng, công dụng, đặc điểm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã công bố hợp quy;

– Sử dụng chất phụ gia, hóa chất, kháng sinh bị cấm sử dụng hoặc chưa được phép sử dụng trong sản xuất sản phẩm, hàng hóa, trừ trường hợp trong sản xuất, pha chế thực phẩm;

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải công bố hợp quy theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng:

– Không thực hiện đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng phải áp dụng một trong các biện pháp sau: Chứng nhận hoặc giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định đã đăng ký hoặc thừa nhận theo quy định pháp luật; tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân;

– Không thực hiện chứng nhận hợp quy trong sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải chứng nhận hợp quy bởi tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định được chỉ định theo quy định pháp luật hoặc sử dụng giấy chứng nhận hợp quy, dấu hợp quy đã hết hiệu lực.

Phạt tiền từ 02 lần đến 03 lần giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ đối với hành vi sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Biện pháp khắc phục hậu quả theo thứ tự ưu tiên như sau:

– Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu;

– Buộc thu hồi và tái chế hoặc thay đổi mục đích sử dụng;

– Buộc thu hồi và tiêu hủy sản phẩm, hàng hóa vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, thủy sản nuôi, cây trồng và môi trường.

Author

Ngo@pressvn.com