0 Comments

Vừa qua, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường nhận được đơn kêu cứu của người dân tại thôn 6, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội về tình trạng có dấu hiệu buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, dẫn đến việc lấn chiếm mặt hồ thuỷ lợi, ô nhiễm môi trường tại khu vực hồ Đá Dựng

Theo đơn kêu cứu của người dân, thời gian qua tại khu vực hồ Đá Dựng (thôn 6, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội) có dấu hiệu bị xâm lấn, ảnh hưởng đến cảnh quan hồ. Bên cạnh đó, còn xuất hiện một hệ thống trang trại chăn nuôi theo quy mô lớn.

Trong đơn thư, người dân phản ánh trang trại này liên tục xả thải trực tiếp ra khu vực hồ Đá Dựng mà không thông qua bất kỳ hệ thống lọc hay xử lý chất thải nguy hại nào, gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân địa phương. Người dân nơi đây liên tục kêu cứu về việc hồ Đá Dựng bị xâm hại, thế nhưng, chính quyền địa phương vẫn chưa có động thái xử lý.

Việc xả thải trực tiếp ra hồ mà không qua xử lý đã khiến hồ Đá Dựng bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Từ đơn kêu cứu của người dân, chúng tôi tìm tới hồ Đá Dựng tại thôn 6, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, TP.Hà Nội. Khác hẳn với sự trong lành của một vùng quê, không khí quanh hồ Đá Dựng bốc lên mùi hôi thối vô cùng khó chịu. Nước trong hồ chuyển hẳn sang màu đen như nước thải.

Tiếp xúc với chúng tôi, chị M. có nhà ở cạnh hồ cho biết: “Trước đây hồ Đá Dựng có không khí trong lành, nước hồ sạch sẽ trong veo, trẻ con có thể xuống tắm trực tiếp. Nhờ không khí trong lành, nhiều gia đình từ tận Hà Nội tìm về khu vực xung quanh hồ mua đất xây nhà để lấy chỗ cho cả gia đình quây quần nghỉ ngơi những ngày cuối tuần”.

Theo ông Quân, Trưởng thôn 6 thì trang trại nuôi vịt của gia đình ông Hiệu là nguồn thải chính gây ô nhiễm không khí, nước hồ Đá Dựng.

Thế nhưng mấy năm gần đây, nước hồ ngày càng ô nhiễm, không khí không còn trong lành như trước kia gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân xung quanh. “Trước kia cả nhà có thể thoải mái sinh hoạt ngoài vườn, nhưng nay cuộc sống của cả gia đình bó hẹp bên trong bốn bức tường. Mỗi lần mở cửa ra lại thấy mùi hôi thối xông thẳng vào nhà, không thể nào thở được.

Theo chị M., tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực hồ Đá Dựng xuất phát từ trang trại chăn nuôi vịt của gia đình ông Đinh Văn Hiệu. Mùi hôi thối nồng nặc nhất từ lúc 17h hàng ngày khi gia đình ông Hiệu bật quạt thông gió khu chuồng trại.

Nước thải từ trang trại nuôi vịt nhà ông Hiệu xả thẳng ra hồ Đá Dựng.

Chị M. nói thêm, không chỉ các hộ gia đình xung quanh hồ Đá Dựng bị ảnh hưởng mà hàng chục hộ gia đình ở thôn 6 cũng bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối.

Anh T., một người dân sống cạnh đó bức xúc, dù nhà anh cách hồ Đá Dựng một con đường nhưng vẫn bị mùi khó chịu ảnh hưởng. Hằng ngày, gia đình anh T. luôn phải hứng chịu mùi hôi tanh từ hồ bốc lên. “Gia đình tôi như lâm vào cảnh sống dở chết dở. Quần áo phơi ngoài sân thường xuyên bị ám mùi”, anh T. nói.

Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là trường hợp của ông Nguyễn Văn H. – Chủ Khu du lịch sinh thái nông nghiệp Thung Lũng Ngọc Linh. Bởi khu du lịch sinh thái của ông H. nằm ngay cạnh nguồn ô nhiễm.

Việc xả thải thẳng trực tiếp khiến hồ nước ô nhiễm trầm trọng.

Theo ông H., nước hồ trước đây luôn sạch và trong, khác hẳn hiện tại. Nay, mùi xú uế từ hồ luôn luôn bốc lên khiến người dân buồn nôn, mất ăn mất ngủ. Dù đã chi hơn 100 triệu đồng để quây tôn cơ sở của mình, gia đình ông H. và những nhân viên trong khu du lịch vẫn từng giờ, từng phút phải hứng chịu mùi hôi thối, đặc biệt trong những ngày trời mưa phùn không có nắng.

Do không khí bị ô nhiễm nặng nề nhất là khung giờ ăn tối nên khách du lịch ngày một giảm khiến doanh thu của doanh nghiệp giảm sút nghiêm trọng, rơi vào cảnh thua lỗ nghiêm trọng.

Nhiều người dân chia sẻ, vấn đề ô nhiễm hồ Đá Dựng có từ rất lâu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như sinh hoạt của người dân. Thế nhưng dù nhiều lần phản ánh, chính quyền cơ sở vẫn không xử lý.

Xác nhận tình trạng này, ông Đinh Hồng Quân – Trưởng thôn 6 – thông tin: “Nguyên nhân hồ Đá Dựng bị ô nhiễm chủ yếu là do quá trình chăn nuôi của hộ gia đình ông Đinh Văn Hiệu. Cụ thể, trang trại của gia đình ông Hiệu rộng khoảng 1hecta, bao gồm hai dãy chuồng trại. Mỗi năm gia đình ông Hiệu nuôi từ hai đến 3 lứa, mỗi lứa khoảng 4.000 – 5.000 con vịt/lứa.

Trước đây, ông Hiệu chăn nuôi vịt kết hợp với một công ty nên dùng cám của doanh nghiệp này. Hiện tại, ông Đinh Văn Hiệu ủ thêm cá để làm thức ăn cho vịt. Chính hộ ông Hiệu đã xả thải trong quá trình chăn nuôi qua một cái ao nối trực tiếp với hồ Đá Dựng, khiến hồ chuyển màu đen và bốc mùi.

Diện tích, quy mô chăn nuôi của gia đình anh Hiệu không lớn. Điều quan trọng khâu xử lý chất thải và mùi là kém gây ảnh hưởng rất là nhiều đến cuộc sống của người dân trên địa phương. Chính quyền thôn đã báo cáo lãnh đạo xã, UBND xã Tiến Xuân đã có công văn gửi Phòng cảnh sát môi trường, Công an TP.Hà Nội về kiểm tra xử lý tình trạng ô nhiễm. Tuy nhiên đến nay chúng tôi cũng chưa thấy cơ quan nào về kiểm tra, xử lý cả.

Để làm rõ thông tin về tình trạng lấn chiếm cũng như nguyên nhân gây ô nhiễm tại hồ Đá Dựng, Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã liên hệ làm việc với UBND xã Tiến Xuân, UBND huyện Thạch Thất. Sau nhiều ngày liên hệ qua số điện thoại di động của ông Đinh Công Tuân – Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã Tiến Xuân nhưng liên tục báo bận.

Đến ngày 8/2, Phóng viên trực tiếp đến trụ sở UBND xã Tiến Xuân để hỏi về lịch làm việc. Trả lời chúng tôi, ông Tuân khẳng định chưa có căn cứ cụ thể để khẳng định trang trại nuôi vịt của gia đình ông Hiệu gây ô nhiễm môi trường. Vị chủ tịch xã này sau đó báo bận họp với tỉnh đội Hòa Bình đồng thời giao Văn phòng UBND xã bố trí cán bộ địa chính xã trả lời phóng viên. Tuy nhiên, theo cán bộ Văn phòng UBND xã Tiến Xuân thì cán bộ địa chính không có mặt tại trụ sở.

Đến ngày 16/2, Văn phòng UBND huyện Thạch Thất cho biết, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất đã giao Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạch Thất trả lời Tạp chí Kinh tế Môi trường về tình trạng lấn chiếm hồ, xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường tại hồ Đá Dựng. Tuy nhiên do lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường Thạch Thất đang bận họp nên chưa sắp xếp được lịch làm việc cụ thể, sẽ thông tin lại sau.

TS. Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu cho rằng, giải pháp căn cơ cho vấn đề ô nhiễm sông, hồ ở Hà Nội là phải xử lý được nguồn nước thải. “Hầu hết các sông, hồ ở Hà Nội ô nhiễm là do nguồn nước thải đổ thẳng vào, nếu chính quyền quyết tâm xử lý ô nhiễm thì phải xử lý được nguồn nước thải, nếu không sẽ không có cách nào giải quyết triệt để được”, TS. Đào Trọng Tứ khẳng định.

Theo ông Tứ, nhiều nước trên thế giới đặt nặng vấn đề xử lý nước thải đầu nguồn. Các gia đình đều có hệ thống xử lý nước thải, sau đó mới đổ ra sông, hồ. Chính quyền đặt vấn đề đô thị lên hàng đầu, nếu công trình nào không có hệ thống xử lý nước đạt tiêu chuẩn thì sẽ không được xây dựng. “Nếu Hà Nội đặt quyết tâm xử lý ô nhiễm thì về lâu dài phải áp dụng các biện pháp “cứng rắn” như nhiều nước trên thế giới đã thực hiện, như xử lý nước thải từ đầu nguồn các gia đình, công ty…”, TS. Đào Trọng Tứ nhấn mạnh.

Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Author

Ngo@pressvn.com