0 Comments

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép tiếp tục tăng kéo theo giá bán mặt hàng này tăng theo. Có thời điểm giá thép xây dựng lên tới 16.000 đồng/kg, tức cao hơn so với mặt bằng năm ngoái khoảng 45%.

Hiệp hội Thép Việt Nam nhận định: “Giá bán có khả năng tăng thêm để bù đắp giá nguyên liệu đầu vào tăng”. Hiệp hội Thép Việt Nam cũng dự báo tháng 4 và 5 nhu cầu mặt hàng này vẫn tốt song có sự cạnh tranh lớn từ các nhà sản xuất thép xây dựng hàng đầu Việt Nam.

Sản lượng sản xuất và bán hàng thép xây dựng tháng 3/2021 trong tháng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Hiệp hội cho rằng đây là tín hiệu khả quan cho ngành sản xuất thép sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Diễn biến giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thép giai đoạn 2018 đến quý I/2021 (Đơn vị USD/tấn. Nguồn: Hiệp hội Thép Việt Nam)

Theo đó, sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 3/2021 đạt 1.056.710 tấn, tăng 61% so với tháng 2/2021 và tăng 21% so với cùng kỳ 2020.

Bán hàng đạt 1.247.582 tấn, tăng gấp đôi so với tháng trước và tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, việc giá thép tăng đã khiến các nhà thầu xây dựng gặp khó khăn bởi chi phí cao.

Trước đó, ngày 19/4, Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) kiến nghị văn phòng Chính phủ có những biện pháp bảo vệ các nhà thầu xây dựng Việt Nam trong nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản vì tình hình giá thép tăng đột biến một cách phi mã trong quý I/2021, đặc biệt là những ngày tháng 4.

VACC cho rằng các nhà thầu xây dựng Việt Nam gặp phải những khó khăn không cách nào tháo gỡ vì các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước đa số đều sử dụng loại hợp đồng có giá trị cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký (trừ trường hợp bất khả kháng) nên các nhà thầu phải tự giải quyết sự thâm hụt lớn này.

“Còn các dự án đầu tư vốn ngân sách lại phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của các Sở Xây dựng, mà các thông báo này thì không cập nhật được biến động giá kịp thời nên các nhà thầu cũng phải tự xử lý phần biến động này”, Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho hay.

“Mặc dù từ đầu tháng 1/2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản nhắc các bộ ngành xử lý vấn đề này. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có phản hồi mà tình hình thì càng phức tạp hơn, giá cả tiếp tục tăng”, VACC nhấn mạnh.

Dự báo giá thép tháng 5/2021 trong nước tiếp tục tăng (Ảnh minh họa)

Việt Nam nhập khẩu 3,7 tỷ USD sắt thép trong 4 tháng đầu năm 2021

Trong 4 tháng đầu năm 2021, lượng nhập khẩu sắt thép đạt 5,07 triệu tấn, tăng 14% với giá trị 3,7 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ 2020. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2021, sản lượng nhập khẩu sắt thép các loại đạt 1,4 triệu tấn, giảm 2% và giá trị nhập khẩu tăng nhẹ 0,4%, đạt 1,08 tỷ USD so với tháng 3.

Trước đó, trong quý 1/2021, lượng sắt thép các loại nhập khẩu đạt hơn 3,67 triệu tấn, trị giá hơn 2,64 tỷ USD, tăng 11% về lượng và tăng 31,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, tính chung 4 tháng đầu năm 2021, lượng nhập khẩu sắt thép ước đạt 5,07 triệu tấn, tăng 14% với giá trị 3,7 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ 2020.

Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp sắt thép lớn nhất của Việt Nam trong quý 1/2021 với hơn 1,88 triệu tấn, trị giá hơn 1,27 tỷ USD, tăng lần lượt gấp đôi về lượng và tăng 2,2 lần trị giá so với cùng kỳ năm trước. Thị trường này chiếm 51,2% trong tổng lượng và chiếm 48,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước. Tiếp theo là thị trường Nhật Bản với hơn 508 nghìn tấn, trị giá hơn 369 triệu USD; thị trường Hàn Quốc với hơn 398 nghìn tấn, trị giá hơn 359 triệu USD;…

Trong khi nhập khẩu sắt thép đều tăng mạnh thì giá thép trong nước vẫn tăng cao. Theo Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, giá thép tháng 4 đã tăng khoảng 30-40% so với quý cuối năm 2020.

Theo dự báo của Hiệp hội Thép Việt Nam, tình trạng leo thang của giá thép được dự báo tiếp diễn đến hết quý 3/2021. Nguyên nhân là giá phôi thép đầu tháng 4/2021 ở mức 633 USD/tấn, tăng khoảng 30 USD/tấn so với mức giá phôi thép thời điểm đầu tháng 3/2021 và tăng khoảng hơn 200 USD/tấn so với cùng thời điểm năm 2020.

Giá thép cuộn cán nóng đầu tháng 4/2021 ở mức 795 USD/tấn, tăng mạnh khoảng 85 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 3/2021 và đã qua mức chào giá 700 USD/tấn vào đầu tháng 12/2020. Nhìn chung, thị trường thép cuộn cán nóng thế giới biến động mạnh khiến cho thị trường cuộn cán nóng trong nước khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt như tôn mạ, ống thép… sử dụng cuộn cán nóng làm nguyên liệu sản xuất.

Theo Kinh tế Chứng khoán

Author

minh@pressvn.com