Một môi trường mới và sự trải nghiệm mới luôn là điều ai cũng thích. Người Úc dễ thương, cà phê Melbourne ngon, môi trường học tập sáng tạo và hiện đại. Thế nhưng, du học Úc cũng có nhiều “góc khuất” mà bạn chưa lường trước được.

“Bước ra khỏi cổng trường, sau khi vừa vượt qua kỳ bảo vệ, tôi thở phào một hơi thật dài và đó cũng là lần đầu tiên tôi biết được rằng con đường về nhà đẹp và mộng mơ đến thế. Hai bên đường tràn ngập lá vàng, Melbourne đẹp hệt như bức tranh “Mùa thu vàng” của Levitan. Vậy mà bạn biết không, suốt 2 tuần – không – thậm chí là gần 3 tuần tôi đã đi qua đây mà không nhận ra điều đó. Không phải tôi là kẻ khô khan, mà bởi lúc ấy việc học áp lực tới mức tôi chỉ được ngủ 2 tiếng một ngày, và ngay cả quãng đường đi bộ 15 phút ít ỏi, tôi cũng tranh thủ nhẩm lại những kiến thức từ đêm hôm trước.

Tôi đã từng nghĩ – là đàn ông thì không được yếu lòng – thế nhưng, khi đi du học, sống nơi xứ người, tôi đã từng suýt rơi nước mắt vì… mùi trứng rán. Vâng! Chính xác là mùi trứng rán phi hành! Bởi, những giây phút mệt mỏi, áp lực cả về tinh thần và vật chất … thì chỉ một “mùi quê hương” thôi cũng đủ để mình muốn òa lên nức nở rồi. Bạn hỏi tôi du học có thích không? Có, thậm chí là nhiều điều tuyệt vời. Thế nhưng, cũng không thiếu những nhọc nhằn. Có những người vững vàng vượt qua, bước tiếp và rồi “nếm trái ngọt”, nhưng cũng có những người vì không chịu được mà trầm cảm, thậm chí bỏ cuộc…”, đó là những lời tâm sự của anh Lê Tiến Đạt về quá trình 4 năm làm luận án Tiến sĩ ngành Quản trị Doanh nghiệp tại trường Swinburne (Úc).

“Các trung tâm du học đã vẽ ra một viễn cảnh quá đẹp…”

Khi nhận được học bổng toàn phần để làm luận án Tiến sĩ, tôi không mất quá nhiều thời gian để lựa chọn đại học Swinburne (Úc). Bởi, đây là trường đại học danh tiếng nằm trong Top 400 trường đại học tốt nhất thế giới, Top 10 trường đại học hàng đầu Úc với bề dày lịch sử hơn 100 năm. Chưa kể, Swinburne là đơn vị tài trợ cho chương trình Đường lên đỉnh Olympia của Việt Nam từ những mùa đầu tiên.

Và quả thật, trong những năm học tập tại đây, với tôi, Swinburne là môi trường đỉnh cao về sự chuyên nghiệp và tử tế trong cả công việc và cuộc sống hằng ngày. Họ coi mỗi sinh viên như một khách hàng, vì thế chúng tôi được chăm sóc, phục vụ vô cùng tận tình, chu đáo. Người Úc cũng rất dễ chịu và tử tế, cà phê Melbourne thì rất ngon. Tuy nhiên, đằng sau tất cả là rất nhiều áp lực, nhọc nhằn mà nếu chưa từng trải qua bạn sẽ khó tưởng tưởng nổi. Tôi gọi đó là nỗi hoang mang và dữ dội của tuổi trẻ!

Tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc đáp máy bay xuống đất Úc, Gs. Christopher – người sau này vừa là thầy, vừa là sếp trong công việc, vừa là người cha giúp đỡ tôi suốt 4 năm ở Úc – đón tôi với nụ cười cực nice. Ông trông thật giản dị, nhanh nhẹn với quần bò, áo len cadigan và dang tay trao tôi một cái ôm nồng hậu. Thế nhưng, ngay cả trong cái khoảnh khắc tưởng chừng như tuyệt đẹp ấy, ông đã nói với tôi một điều mà cả quãng đường du học tôi thấm thía: “Nếu 1 nghiên cứu sinh Úc cố gắng 1, thì em phải cố gắng 10”.

Tôi phải công nhận các trung tâm tư vấn du học ở Việt Nam đã vẽ ra một bước tranh màu hồng quá đẹp. Ngay cả tôi cũng bị “đánh lừa” khi tưởng tượng cuộc sống du học sẽ chỉ là sống trong 1 ngôi nhà thật đẹp, thường xuyên diện vest đi hội thảo, gặp gỡ bạn bè khắp năm châu rồi những buổi party với thật nhiều món ăn ngon và âm nhạc xuyên đêm… Tuy nhiên, thực tế chẳng toàn màu hồng như vậy và có những góc khuất, những thực tế nhọc nhằn mà những trung tâm tư vấn du học này “quên” chỉ cho bạn.

Du học sinh nào cũng đối mặt với “cú sốc 6 tháng”

Bất kể du học sinh nào cũng đối diện với những cú sốc, chúng tôi gọi là cú sốc 6 tháng.

Đầu tiên, đó là nhớ nhà. Sau những háo hức khám phá miền đất mới qua đi, thì cảm giác bơ vơ, lạc lõng, thèm được nghe tiếng người thân, thèm những món ăn quen… mới trỗi dậy. Tôi đã từng nghĩ – là đàn ông thì không được yếu lòng – thế nhưng, khi đi du học, sống nơi xứ người, tôi đã từng suýt rơi nước mắt vì… mùi trứng rán. Vâng! Chính xác là mùi trứng rán phi hành! Bởi, những giây phút mệt mỏi, áp lực cả về vật chất và tinh thần… thì chỉ một “mùi quê hương” thôi cũng đủ để mình muốn òa lên nức nở rồi.

Việc học, rồi công việc bề bộn cuốn mình đi, tưởng như chẳng có chỗ cho những phút yếu lòng, thế nhưng vẫn có những sáng thức dậy, tôi chợt nhớ mình đã quá lâu chưa về nhà. Rồi tôi nhớ người thân, nhớ Hà Nội, nhớ những quán ăn và góc phố quen, nhớ đến nỗi không dám xem ảnh. Và đặc biệt là dịp Tết! Gọi điện về nhìn hình ảnh cả nhà quây quần cảm giác thèm và tủi thân lắm. Các bạn nam có chút đỡ hơn, chứ các bạn nữ không ít người khóc sưng cả mắt. Rồi bạn biết không? Có những đêm tôi đi ra biển với bạn, chỉ xa xăm trong mênh mông: “Nhà tao kia kìa” cốt để tưởng tượng rằng, quê hương mình vẫn chỉ đâu đó trong tầm mắt thôi.

Sau nỗi nhớ xa nhà ấy, bạn phải đương đầu với áp lực học hành khủng khiếp. Nhiều người nghĩ, việc học ở nước ngoài sẽ bớt căng thẳng hơn nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại: Để học tốt bạn phải nỗ lực hơn rất nhiều. Năm đầu tiên tôi phải đọc tài liệu nhiều đến mức đau mắt. Năm thứ hai, tôi làm phỏng vấn nghe băng nhiều đến nỗi bị đau hai bên tai, đến năm thứ ba, tôi phải viết nhiều, hai tay sưng tấy. Và sau mỗi lần bảo vệ luận án là tôi ốm nằm liệt giường 1 tuần. Lịch trình suốt 4 năm du học của tôi dường như ít thay đổi: Buổi sáng tôi làm trợ lý cho giáo sư, đến buổi chiều và tối thì đi học. Tới đêm, tôi lên thư viện đọc sách và trở về phòng vào sáng sớm.

Năm đầu, mỗi ngày tôi thậm chí chỉ cho phép mình ngủ 2 tiếng từ 6h30 cho đến 8h30 vì sợ không theo kịp tiến độ.

Thế nhưng, đôi khi chăm chỉ và nỗ lực là chưa đủ, bạn phải chuẩn bị tâm lý thật vững vàng để tránh rơi vào trạng thái hoang mang cực độ. Khi sang Úc, tôi chỉ xác định học Tiến sĩ 2 năm rưỡi, sau đó tôi học thêm về quản trị kinh doanh. Sau 1 năm cố gắng, tôi gần như làm xong Tiến sĩ. Tuy nhiên khi ấy, giáo viên gọi lên đổi cách tiếp cận đề tài, tôi nghe như tiếng sét ngang tai, bởi đổi đề tài coi như bắt đầu lại từ con số 0, cả một năm chỉ dám ngủ 2 tiếng của mình là công cốc. Chiều đó tôi đi bộ trong rừng mấy tiếng đồng hồ để trấn tĩnh. Sau đó tôi sốc lại tinh thần, suy nghĩ tích cực hơn, biết đó là thử thách nhưng cũng là cơ hội để tôi phát triển, đặc biệt là dịp để tôi học hỏi thêm kiến thức mới từ người thầy đáng kính của mình. Tôi chọn cách đứng dậy và lao vào hướng đi mới rất nhanh, hết năm thứ 3 tôi học xong tiến sĩ và năm thứ 4, tôi và giáo sư viết thêm một cuốn sách.

Còn một khó khăn nữa mà tôi nghĩ mọi du học sinh phải đối mặt, đó là câu chuyện vật chất, tiền bạc. Dù có học bổng toàn phần, có lương khi làm trợ lý cho giáo sư nhưng có những lúc tôi vẫn gặp cảnh “dở khóc dở cười” vì thiếu thốn. Mà đi du học thì hầu như cậu trai, cô gái nào cũng mang cho mình tính tự lập, vì thế, việc vay mượn tiền với chúng tôi là điều “cấm kỵ”. Chưa kể, ai cũng phải chuẩn bị cho mình tâm lý “quản trị rủi ro” thật tốt vì một mình nơi xứ người, có “biến” xảy ra thì phải có một khoản dự trù. Tôi nhớ có lần hết sạch tiền, đi siêu thị nhấc khay thịt bò lên tôi lại phải ngậm ngùi đặt xuống vì “ăn thịt bò thì sắp tới như thế nào? Xoay tiền ra làm sao?”. Rồi có giai đoạn phải nói thực sự là “kiệt quệ”, tôi chỉ dám mua 1 miếng sushi bé xíu hoặc một hộp kimbap chia làm hai bữa…

Cũng bởi áp lực ấy mà tôi biết nhiều du học sinh phải đi hái nấm, làm ở trang trại cực nhọc vất vả. Có em bị tai nạn lao động gãy chân, gãy tay… Rồi có những bạn ham kiếm tiền mà lơ là việc học. Có bạn thì không kiểm soát được cuộc sống, sa đà vào cuộc sống buông thả…

Sau những áp lực nghiệt ngã ấy, có người không vượt qua được để rồi stress, trầm cảm, thậm chí trở về nước mà mọi thứ còn đang dang dở… Nhưng nếu vững vàng vượt qua, chiến thắng bản thân và nghịch cảnh trong giai đoạn này có nghĩa là bạn đã đặt 1 chân tới đích rồi. Và còn một điều nữa tôi muốn các bạn xác định tâm lý là ngay cả khi bạn cảm thấy đã làm chủ được cuộc sống của mình, cảm giác nước Úc như một quê hương thứ 2, thì vẫn có những nỗi chạnh lòng khó tránh. Dù đại đa số người Úc được coi là rất lịch sự, văn minh, thế nhưng vẫn có “tình huống” mà bạn phải chuẩn bị tâm lý thật tốt để đối diện. Tôi khá là nhạy cảm với câu hỏi tôi được đặt ra khá nhiều “Học xong bạn có dự định ở lại không”. Lúc ấy tôi thì hay mỉm cười “Việt Nam của tôi quá giàu và đẹp rồi”, và khi ấy tôi thấy cả hai phía đều rất thoải mái. Rồi những năm tháng đầu tiên mới sang, việc phải đối mặt với những cú sốc văn hóa từ sự khác biệt về lối sống cũng là một điều mà người trẻ cần phải chuẩn bị thật tốt. Ngôn ngữ chưa quá “chuẩn Úc” có thể làm mình chút ngại ngùng khi “chém gió”, cách nhìn cuộc sống từ “500 anh em mình là một gia đình” khi ở nhà sẽ khác với phong cách “không xen vào chuyện cá nhân và hạn chế chia sẻ tâm tư” khi ở xứ người.

Sinh viên trường quốc tế hiện nay quá giỏi!

Sau 4 năm tu nghiệp, nhận tấm bằng tiến sĩ từ trường đại học Swinburne danh giá, chưa kể Swinburne lại là một trường nổi tiếng với tỷ lệ sinh viên ra trường có cơ hội việc làm rất tốt, những người như chúng tôi có được khá nhiều “sự săn đón” từ phía các nhà tuyển dụng. Thế nhưng, cá nhân tôi xác định, nếu ở lại Úc thì mọi thứ sẽ ổn định nhưng cơ hội để thử sức, vẫy vùng sẽ không nhiều. Chưa kể, trong công việc, các đồng nghiệp bản địa sẽ dễ dàng có nhiều điều kiện, nhiều lợi thế hơn. Hơn nữa, tâm lý được đóng góp ngay cho quê hương, cho dân tộc cũng là một điều dễ hiểu với những người trẻ tuổi như chúng tôi trong thời đại ngày nay, khi được đi ra thế giới rộng lớn thì càng thấy yêu tổ quốc mình hơn. Vì vậy, tôi không mất nhiều thời gian để đưa ra lựa chọn trở về Việt Nam sống và làm việc.

Tôi nhớ, khi tôi đi du học về, đã có rất nhiều công ty nước ngoài mời làm việc. Thậm chí sếp của 1 công ty lớn đến tận văn phòng của tôi để đặt vấn đề. Tuy nhiên cuối cùng tôi chọn lĩnh vực giáo dục, một lĩnh vực mà tôi luôn nghĩ là có thể đóng góp được cho đất nước, và cho thế hệ trẻ kế tiếp thế hệ chúng tôi. Cá nhân tôi luôn mong rằng các bạn trẻ, dù xuất thân từ hoàn cảnh gia đình như thế nào, thì đều xứng đáng nhận được các cơ hội để phát triển bản thân, trở nên chuyên nghiệp và hội nhập thế giới. Tôi hay đùa, đây là lĩnh vực “tạo Phúc”.

Cũng chính nhờ làm việc trong lĩnh vực này, tôi được biết tới dự án Swinburne Việt Nam. Phải thừa nhận rằng, những năm tháng sống ở Úc tôi thực sự yêu đất nước này, và hơn cả là sự biết ơn. Vì vậy, tôi đã đồng ý ngay khi nhận được lời mời tư vấn cho dự án Swinburne Việt Nam với mong mỏi đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển thế hệ trẻ và thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao về giáo dục giữa Úc và Việt Nam.

Được đi và tiếp xúc nhiều với các bạn sinh viên, tôi có thể khẳng định rằng, chất lượng sinh viên của chúng ta ngày càng tốt. Đặc biệt, các bạn sinh viên trường quốc tế tại Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu của các công ty, thậm chí tập đoàn lớn trong và ngoài nước.

Nhiều người hỏi tôi vậy có nên đi du học nước ngoài không? Tôi nghĩ, câu trả lời sẽ phụ thuộc vào lựa chọn của mỗi người. Nếu bạn thích trải nghiệm một môi trường hoàn toàn mới, ham thích khám phá bản thân… thì cứ mạnh dạn bước ra thế giới. Nhưng hãy nhớ chuẩn bị cho mình một hành trang thật vững chắc cả về tinh thần lẫn vật chất. Còn nếu bạn muốn trải nghiệm môi trường giáo dục nước ngoài mà không phải trải qua “cú sốc 6 tháng”, thì học tại các trường Đại học quốc tế tại Việt Nam là một sự lựa chọn an toàn.

Thương hiệu giáo dục Úc nói chung và thương hiệu Swinburne thì luôn được khẳng định trên tầm thế giới. Vì thế, trải nghiệm môi trường đào tạo quốc tế, bắt đầu những bước đi đầu tiên trên lộ trình nghề nghiệp từ Swinburne sẽ là một sự chuẩn bị thông minh cho tương lai, khi bạn muốn trở nên chuyên nghiệp hơn, sống một cuộc sống đáng giá hơn, và có thể đóng góp nhiều hơn cho tổ quốc sau này.

— — — — — — — — — — — — — — — — — — — — — — —

Anh Lê Tiến Đạt (Hà Nội)

Tốt nghiệp tiến sĩ tại Úc với 4 năm kinh nghiệm làm trợ lý cho Giáo sư tại Úc

Trở về Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển giáo dục nước nhà

Là một thành viên tích cực tham gia các hoạt động thúc đẩy hợp tác giáo dục Việt Nam và Úc.

Lead & tham gia các hoạt động phát triển giới trẻ, với slogan “Mọi người trẻ, dù nghèo cũng có cơ hội để phát triển, để trở nên chuyên nghiệp và hội nhập quốc tế”

Theo Đời sống Việt Nam

Author

Ngo@pressvn.com