Trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, ngành du lịch trong nước sẽ còn khó khăn kéo dài. Để trụ vững, các doanh nghiệp du lịch buộc phải chủ động, sáng tạo trong kinh doanh để ứng phó với tình hình cũng như cần thêm trợ lực từ Nhà nước để phục hồi thị trường.

Tín hiệu lạc quan

Ngay sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động chương trình “Người Việt đi du lịch Việt”, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã tích cực hưởng ứng với gói sản phẩm hấp dẫn chưa từng có để kích thích nhu cầu du lịch của người dân. Tại Hà Nội, các doanh nghiệp uy tín như: Hanoitourism, DulichViet, Vietravel, Saigontourism… đồng loạt “tung” ra những gói kích cầu giảm giá từ 30%-50%, trong đó tập trung vào du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng bắt kịp theo xu hướng du lịch hậu Covid-19.

Đại diện Công ty CP Truyền thông du lịch Việt (DulichViet) cho biết, công ty đã thực hiện các chương trình Du hí non nước Việt Nam an toàn – thơ mộng với ưu đãi hấp dẫn lên tới 40%. Còn Công ty CP đầu tư du lịch Hà Nội (Hanoitourist) cũng “tung” gói combo với mức ưu đãi từ 20-30%… Trong các chương trình kích cầu, DN đều hướng khai thác các điểm đến biển đảo như Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Phú Quốc… để phục vụ du khách.

Công ty CP Truyền thông du lịch Việt triển khai gói kích cầu giảm tới 40%.

Với chính sách giá, đường tour hấp dẫn, lượng khách đăng ký mua sản phẩm của nhiều DN đang có sự tăng trưởng tích cực, từ 20-30%. Bà Nguyễn Phương Thùy, đại diện Hanoitourism thông tin, hơn một tháng qua Hanoitourism đã mở cửa tổ chức tour trở lại, số lượng khách hàng quan tâm và có nhu cầu cũng nhiều hơn. Tuy nhiên, theo các công ty du lịch, hiện đa số khách mua tour chủ yếu là khách quen, đối tượng hưu trí. Còn lại, các đối tượng khách cơ quan, doanh nghiệp, gia đình hầu như chưa có đơn đặt hàng.

Với khối kinh doanh lưu trú, hiện tại cũng đã có tín hiệu lạc quan hơn khi lượng khách đặt phòng đã bắt đầu sôi động trở lại, giúp “phá băng” thị trường trong giai đoạn cách ly xã hội và trống nguồn khách quốc tế. Theo đại diện Resort Flamingo Đại Lải, nhờ triển khai các gói kích cầu, lượng khách tới khu nghỉ dưỡng này đã tăng, đặc biệt, một tháng nay gần như “cháy” phòng vào cuối tuần. Đối tượng khách hàng chủ yếu là các gia đình, nhóm bạn trẻ từ Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Cần thêm trợ lực

Thị trường du lịch đã bắt đầu “ấm” lên, song trước dự báo khả năng phục hồi chậm và Việt Nam chưa mở cửa thị trường khách quốc tế nên DN du lịch vẫn phải đối diện nhiều thách thức khi doanh thu tiếp tục giảm sâu, thậm chí nhiều đơn vị, tiềm lực hạn chế đang phải gồng mình để duy trì hoạt động.

Ông Lưu Đức Kế, Phó Tổng giám đốc Công ty DulichViet cho biết, mặc dù hoạt động du lịch đã bước đầu có tín hiệu khả quan, tuy nhiên, với hơn 5 tháng không có doanh thu, nhưng DN hàng tháng vẫn phải chi trả tiền băng thông, đường truyền, tiền lương nhân viên và các chi phí khác. Trước thực tế này, DN buộc phải nghĩ cách mở rộng kinh doanh, tìm kiếm thêm nguồn thu như tham gia phân phối trực tiếp đầu ra cho sản xuất giải cứu nông sản; hay đầu tư sản xuất khẩu trang, cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước.

Ngành du lịch đã có những tín hiệu phục hồi, song dự báo vẫn còn gặp nhiều khó khăn đến hết năm nay.

Hanoitourism cũng là đơn vị khá linh động thích ứng với khó khăn bằng việc kinh doanh thêm dịch vụ “Bếp cơm văn phòng” online. Bà Nguyễn Phương Thùy chia sẻ, sau vài tháng triển khai dịch vụ, đến nay công ty đã có một lượng khách hàng ổn định, nhờ đó có một phần nguồn thu trang trải chi phí vận hành công ty và có thêm nguồn lực “chống đỡ” trong giai đoạn khó khăn này.

Mặc dù đã rất nỗ lực, sáng tạo, song DN vẫn cần thêm trợ lực từ phía cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương để thúc đẩy kích cầu, “hồi sinh” thị trường cũng như phát triển mạnh mẽ hơn. Ông Lưu Đức Kế kiến nghị, DN cần sự kết nối từ địa phương, cơ quan quản lý nhằm tạo ra những hành động thiết thực; khắc phục những tồn tại, làm mới sản phẩm, dịch vụ; đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng tại một số trọng điểm du lịch.

Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các doanh nghiệp du lịch sẽ còn khó khăn kéo dài, do đó, ngoài việc tự nỗ lực vượt khó, các cơ quan ban ngành nên chung tay hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này bằng miễn, giảm, giãn thuế; địa phương đồng hành kích cầu thông qua việc giảm giá, lệ phí điểm tham quan, thắng cảnh. “Khó khăn hiện nay cũng nên coi là cơ hội “hiếm có” để ngành du lịch tái cấu trúc thị trường, sản phẩm, chính sách quản lý… tạo sức hấp dẫn mới và sẵn sàng mở cửa đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép” – TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Theo Đỗ Nga/Báo Công Thương Điện Tử

Author

Ngo@pressvn.com