Nhiều địa phương công bố không đầy đủ thông tin về đất đai

Pháp luật về đất đai và tiếp cận thông tin của Việt Nam đã có những quy định cụ thể về trách nhiệm, quy trình, hình thức và thời hạn công khai thông tin bảng giá đất cấp tỉnh và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện cũng như cung cấp những nội dung thông tin này theo yêu cầu của người dân.

Nghị quyết của Quốc hội Khoá XIV cũng đã quyết nghị việc Chính phủ cần tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về đất đai, quy hoạch đô thị của tổ chức và công dân; cũng như khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân, tổ chức xã hội – nghề nghiệp tham gia phản biện xã hội đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai.

Tuy nhiên, theo kết quả từ “Nghiên cứu thực chứng hướng tới thúc đẩy việc tiếp cận thông tin đất đai của người dân” do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam và Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW) phối hợp thực hiện đối với 63 tỉnh, thành phố từ tháng 7 năm 2021 đến tháng 6 năm 2022 cho thấy, thông tin về đất đai cung cấp chưa đầy đủ và thiếu tính đồng bộ, đồng thời tỉ lệ các tổ chức thực hiện tốt các quy định vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Bất động sản - Công khai thông tin về đất đai: 'Bộ đã hứa, nhưng chưa làm!'

Chỉ có 12/63 tỉnh, thành phố thực hiện tốt việc công khai thông tin bảng giá đất.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 27 trong số 63 Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố đã đăng tải bảng giá đất cấp tỉnh giai đoạn 2020-2024 (chiếm 42,9%) và có 337 trong số 704 UBND cấp huyện trên toàn quốc đã đăng tải kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2021 (chiếm 47,9%).

Tuy nhiên, việc đăng tải thông tin của các cơ quan nhà nước thiếu đồng bộ, các tài liệu đính kèm thông báo công khai kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thường được đăng rải rác ở một số chuyên mục khác nhau trên các cổng/trang thông tin điện tử làm cho người dân gặp khó khăn trong tìm kiếm thông tin một cách đầy đủ.

Kết quả tìm kiếm cho thấy, chỉ có 17% cơ quan đăng tải đầy đủ kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đáp ứng yêu cầu đăng tải cả 4 loại tài liệu gồm: thông báo công khai kế hoạch sử dụng đất, quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, báo cáo thuyết minh, và bản đồ kế hoạch sử dụng đất hoặc đăng tải ba loại tài liệu quan trọng nhất ngoại trừ thông báo công khai kế hoạch sử dụng đất.

Trong số yêu cầu cung cấp thông tin gửi tới 561 văn phòng UBND cấp huyện, có 98 cơ quan cung cấp thông tin (chiếm 17,5%), 15 cơ quan từ chối cung cấp thông tin (chiếm 2,7%), 46 cơ quan có phản hồi nghiên cứu viên nhưng không cung cấp thông tin (chiếm 8,2%). Có tới 402 cơ quan không phản hồi (chiếm 71,7%).

Có 12 trong số 63 tỉnh thành phố thực hiện tốt nhất việc đăng tải thông tin kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử cấp huyện, đó là các tỉnh Bắc Kạn; Sơn La; Nam Định; Đà Nẵng; Phú Yên; Gia Lai; Tiền Giang; Trà Vinh; Đồng Tháp; Hậu Giang; Sóc Trăng; và Cà Mau. Trong đó, ba tỉnh Gia Lai, Tiền Giang, và Trà Vinh có tất cả các huyện thực hiện tốt việc công khai thông tin.

Công khai thông tin đất đai sẽ giảm nguy cơ tham nhũng

Phát biểu tại Toạ đàm “Đánh giá việc công khai thông tin kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và bảng giá đất cấp tỉnh” được tổ chức sáng ngày 1/7 tại Hà Nội, bà Bà Diana Torres, Trường phòng quản trị và thúc đẩy sự tham gia của người dân, UNDP, chia sẻ: “Thiếu công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng và thu hồi đất đai, kết hợp với định giá đất đai ở mức thấp và hành vi trục lợi của một bộ phận công chức địa chính có thể là những nguyên nhân dẫn tới mâu thuẫn đất đai ở Việt Nam, đặc biệt ở những khu vực ngoại vi các thành phố lớn.

Khi thông tin liên quan đến đất đai được chia sẻ công khai và người dân có cơ hội đóng góp ý kiến cho dự thảo kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất, nguy cơ tham nhũng và mâu thuẫn trong linh vực đất đai sẽ giảm đi, niềm tin của người dân vào chính quyền địa phương sẽ tăng lên”.

Cũng tại Toạ đàm, bà Trần Thị Lan Hương, Chuyên gia quản trị công cao cấp, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam nhận định việc công khai thông tin minh bạch về đất đai sẽ góp phần tăng hiệu quả quản trị đất đai và giảm xung đột đất đai. Từ đó nâng cao khả năng quản lý của Nhà nước đồng thời nâng cao trách nhiệm của người dân về cung cấp đầy đủ thông tin về đất đai.

Bất động sản - Công khai thông tin về đất đai: 'Bộ đã hứa, nhưng chưa làm!' (Hình 2).

Bà Trần Thị Lan Hương, Chuyên gia quản trị công cao cấp, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam phát biểu tại Toạ đàm.

Bà Hương nhấn mạnh việc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần “hứa hẹn” sẽ hoàn tất việc công khai thông tin về đất đai nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

“Bộ đã hứa, nhưng chưa làm. Từ đó dẫn đến việc “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, cần nhìn nhận lại vào thực tiễn”, bà Hương chia sẻ.

Tại tọa đàm, PGS.TS Doãn Hồng Nhung – Giảng viên cao cấp Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội kiến nghị phải nhanh chóng triển khai thực thi các yêu cầu của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Đây là một văn bản luật quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân và quy định quy trình công khai thông tin và cung cấp thông tin theo yêu cầu của người dân.

Việc thực hiện tốt những quy định này sẽ góp phần thực hiện tốt các quy định về công khai thông tin đất đai được quy định trong pháp luật về đất đai nhằm góp phần tăng hiệu quả quản trị đất đai và giảm xung đột đất đai.

Theo đó, bà Nguyễn Thị Kim Thoa – Nguyên vụ trưởng, Vụ pháp luật hình sự – hành chính, Bộ Tư pháp đồng quan điểm việc công khai thông tin về đất đai là một việc làm vô cùng cấp thiết, mang ý nghĩa thực tiễn vô cùng to lớn đối với việc làm minh bạch thông tin trên thị trường, từ đó giúp ích cho việc ngăn chặn cũng như giải quyết những tranh chấp về đất đai một cách hiệu quả

Author

Ngo@pressvn.com