Theo thông tin đăng tải trên chuyên trang An toàn thông tin của Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu Tài Nguyên Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường), trong số 573 vụ tấn công được ghi nhận, có 7 trường hợp tấn công thay đổi giao diện (deface), 160 vụ tấn công lừa đảo (phishing) và 406 trường hợp tấn công cài cắm mã độc.

Tuy nhiên, đáng nguy nhất vẫn là các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS), trong đó tấn công từ chối dịch vụ phản xạ phân tán (DrDoS) là dạng thức tấn công nâng cao nguy hiểm hơn rất nhiều. Theo Cục CNTT và Dữ liệu TNMT, Việt Nam có 53.231 thiết bị có khả năng huy động và trở thành nguồn tấn công DrDoS do đang sử dụng các dịch vụ như NTP (port 123), DNS (port 53) và Chargen (port 19).

Cùng trong tháng 11, các tổ chức quốc tế đã công bố ít nhất 1.854 lỗ hổng, trong đó có ít nhất 174 lỗ hổng cho phép chèn và thực thi mã lệnh. Tại Việt Nam, thống kê cho thấy có 30 lỗ hổng/nhóm lỗ hổng trên các sản phẩm dịch vụ CNTT phổ biến, có thể gây ảnh hưởng tới người dùng.

Bên cạnh đó, Cục CNTT và Dữ liệu TNMT cũng lưu ý trong tháng 11/2020 đã có 16 mạng botnet và danh sách IP/tên miền độc hại có nhiều kết nối từ Việt Nam. Trong đó, chiếm nhiều nhất là các tên miền .ru (9 cái).

Các nhóm lỗ hổng phổ biến phải kể đến của Microsoft (90 lỗ hổng), Apple (101), Oracle (86), Adobe (21), WordPress (13), Cisco (27).

Để tăng cường chỉ số an toàn thông tin, chuyên gia bảo mật khuyến cáo các tổ chức đơn vị cần thường xuyên cập nhật bản vá, chỉ đạo các bộ phận chuyên trách giám sát và phối hợp xử lý, giám sát với các đơn vị chuyên ngành. Ngoài ra cần chủ động rà soát và dự phòng ứng cứu khi có sự cố xảy ra.

Theo SHTT

Author

Ngo@pressvn.com