0 Comments

Theo kết luận tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội chiều 3/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, việc cách ly tại nhà trong giai đoạn này là hết sức cần thiết.

“Trong những ngày qua, đại bộ phận dân TP chấp hành tốt. Nhưng vẫn còn một số trường hợp ra công viên. Nếu TP yên lặng được một tuần nữa, thì hy vọng không phải dùng bệnh viện dã chiến Mê Linh”, ông Chung nói.

Ông Nguyễn Đức Chung cũng cho hay, từ ngày hôm nay (4/4), các đơn vị từ quận huyện, phường xã tăng cường kiểm tra xử phạt người đi ra ngoài đường không đúng nội dung cho phép.

“Chế tài đã có rồi, đề nghị quận huyện, phường xã phải tăng cường kiểm tra để phát hiện và xử phạt tất cả các trường không thuộc diện được đi ra ngoài”, ông Chung nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay, từ ngày hôm nay (4/4), các đơn vị từ quận huyện, phường xã tăng cường kiểm tra xử phạt người đi ra ngoài đường không đúng nội dung cho phép (ảnh minh họa).

Trước thông tin Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ thị về việc xử phạt người đi ra ngoài đường không đúng nội dung cho phép, không vì mục đích thiết yếu theo như tinh thần Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đang được dư luận quan tâm. Trong đó, nhiều người chưa rõ thông tin là bằng cách nào để xác định được người ra đường không vì mục đích thiết yếu như lãnh đạo TP Hà Nội đề cập hay chế tài xử phạt được áp dụng theo khung pháp lý nào?

Trả lời liên quan đến vấn đề pháp lý về việc xử phạt người dân ra ngoài đường không đúng nội dung cho phép được áp dụng theo quy định nào, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc Hà Nội xử phạt người ra đường không đúng quy định (vi phạm chỉ thị của Thủ tướng, các quy định về phòng chống bệnh dịch) là cần thiết, có căn cứ pháp luật.

Một số quy định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực phòng chống dịch COVID-19

Theo luật sư Đặng Văn Cường, thời điểm hiện nay, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng về phòng chống dịch bệnh xác định thời điểm này, Việt Nam đã bước sang giai đoạn 3, giai đoạn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng sẽ khó kiểm soát hơn, nguy hiểm hơn. Bởi vậy, việc thực hiện giãn cách xã hội, cách ly toàn xã hội là cần thiết.

Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 447/QĐ-TTg công bố dịch bệnh COVID-19 trên cả nước, đồng thời quy định bắt buộc thực hiện các quy định trong các văn bản, Chỉ thị 05/CT-TTg, Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Khi quyết định công bố tình trạng dịch bệnh trên cả nước được ban hành cũng đồng thời quy định hiệu lực bắt buộc đối với các Chỉ thị, văn bản trước đó của Thủ tướng và Ban chỉ đạo phòng chống bệnh dịch. Văn bản này là văn bản quy phạm pháp luật, bắt buộc người dân phải tuân theo, áp dụng trên phạm vi cả nước, người nào vi phạm các quy định này, vi phạm điều cấm của pháp luật thì sẽ phải chịu chế tài theo quy định của pháp luật.

Theo đó, các văn bản quy định: “Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng”.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu toàn thể nhân dân tự giác chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng chống dịch.

Sau khi có quyết định của Thủ tướng, UBND TP Hà Nội và các tỉnh, thành trên các nước đều ban hành các văn bản quy định chi tiết, tổ chức thực hiện quyết định trên. Trong đó, có giải pháp giản cách xã hội, cách ly tại nhà đối với toàn thể người dân trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo thông tin được Sở Tư pháp thành phố Hà Nội cung cấp, hành vi không tạm đình chỉ hoạt động cơ sở ăn uống, tập trung nơi đông người (liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19)… sẽ bị xử phạt tiền tối đa đến 20 triệu đồng. Nhiều hành vi khác có thể bị xem xét xử lý hình sự, cụ thể như sau:

1. Người không đeo khẩu trang nơi công cộng bị phạt tiền tối đa đến 300.000 đồng.

2. Người vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định tại nơi công cộng bị phạt tiền tối đa đến 5 triệu đồng; vứt ra vỉa hè, đường phố bị phạt tiền tối đa đến 7 triệu đồng.

3. Người che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc Covid-19 bị phạt tiền tối đa đến 2 triệu đồng.

4. Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền dịch bệnh tại vùng có dịch thì bị phạt tiền tối đa đến 10 triệu đồng đối với cá nhân; 20 triệu đồng đối với tổ chức.

5. Người không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch Covid-19 thì bị phạt tiền tối đa đến 10 triệu đồng đối với cá nhân; 20 triệu đồng đối với tổ chức.

6. Người không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra, vào vùng dịch bị phạt tiền tối đa đến 20 triệu đồng.

7. Người trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly để phòng, chống dịch Covid-19 có thể bị xử phạt hành chính tối đa đến 10 triệu đồng hoặc bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự trong trường hợp lây truyền dịch bệnh cho người khác.

8. Hành vi trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly mà gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch Covid-19 thì bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự.

9. Người nào khai báo y tế không đầy đủ hoặc gian dối gây lây truyền dịch Covid-19 cho người khác bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự.

10. Người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch Covid-19 có thể bị phạt tiền tối đa đến 15 triệu đồng hoặc bị xử lý theo Điều 288 Bộ luật Hình sự.

11. Người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch Covid-19 thì bị xử lý theo Điều 330 Bộ luật Hình sự.

12. Chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán bar, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát-xa, cơ sở thẩm mỹ…) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm dừng để phòng, chống dịch bệnh mà gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch, bệnh thì bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự.

13. Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự kham hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh Covid-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính bị xử lý về tội đầu cơ theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự.

T.Hà/Sở hữu Trí tuệ

Author

Ngo@pressvn.com