Cụ thể, trong tháng 9/2022, Công an TP.HCM đã triệt phá 2 đường dây với tổng cộng 91 đối tượng. Hai đường dây này lừa đảo bằng cách làm giả hồ sơ vay, thẻ ngân hàng, gửi cho người dân và thu nhờ thu hộ phí bảo hiểm vay tiền.

Nhằm nâng cao ý thức cảnh giác của cộng đồng, Công an TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thông qua hệ thống trang mạng xã hội của đơn vị. Công tác này cũng được triển khai đến 312 phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP.

“Bên cạnh dán các tờ tuyên tuyền, infographic tại các điểm công cộng, công an khu vực còn tổ chức họp khu phố để tuyên truyền, kêu gọi bà con nâng cao cảnh giác, không để các đối tượng trên lừa đảo, lợi dụng”, Thượng tá Trần Thanh Giang chia sẻ.

Cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo việc làm

Cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo việc làm.

Thông tin về tình hình lao động thời điểm cuối năm, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.HCM Nguyễn Văn Lâm cũng cho biết, qua thống kê của TP.Thủ Đức và các quận, huyện, tính đến tháng 10/2022, số lượng doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn là 248.897, tổng số lao động đang làm việc có tham gia BHXH là 2.496.211 người, tăng 345.660 người so với cùng kỳ năm 2021 và 100.104 so với 6 tháng đầu năm nay.

“Dự kiến nhu cầu tuyển dụng trong những tháng cuối năm là 43.000, tập trung nhiều ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ, sản xuất hàng tiêu dùng để phục vụ dịp lễ, Tết”, ông Lâm nói.

Tuy vậy, bên cạnh các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để hoàn thành tiến độ theo hợp đồng sản xuất, có một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, buộc phải cắt giảm lao động, như Công ty Samho ở Củ Chi, Công ty Tỷ Hùng ở Bình Tân… Ngoài ra, một số doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại thời gian làm việc như: không có tăng ca và cho nghỉ thêm ngày thứ Bảy, nhằm giữ chân người lao động để có đủ nguồn lực để thực hiện khi có đơn hàng mới.

Ông Lâm cho hay, ngay khi nắm được tình hình, Sở đã cử cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố và các phòng nghiệp vụ phối hợp ngay với Phòng LĐTB&XH, Liên đoàn Lao động làm việc trực tiếp với chủ doanh nghiệp, công đoàn cơ sở để nghe ý kiến của doanh nghiệp, công đoàn về các khó khăn sản xuất. Qua làm việc, một số doanh nghiệp cắt giảm lao động có cam kết cố gắng duy trì, tạo điều kiện thuận lợi để những người lao động đang làm việc chưa đủ 12 tháng có đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ngoài ra còn có một số chế độ liên quan khác cũng đang tiếp tục được thực hiện.

“Riêng Công ty Tỷ Hùng hiện đang tổ chức các công việc về bảo hiểm xã hội, công việc có liên quan đến chế độ, quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật. Sở cũng phối hợp và chỉ đạo 21 phòng Lao động quận, huyện và Thành phố Thủ Đức nắm bắt tình hình doanh nghiệp trên địa bàn, phối hợp với BHXH thành phố rà soát lại các doanh nghiệp còn có nợ đọng BHXH và có khả năng gián đoạn đơn hàng để có kế hoạch xử lý kịp thời”, ông Lâm chia sẻ.

Ngoài ra, Sở cũng tiếp tục phối hợp với UBND các cái quận, huyện theo dõi sát tình hình; chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm, cung cầu; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố huy động nguồn lực xã hội để có phương án chăm lo cho người lao động khi bị nghỉ việc…

Author

Ngo@pressvn.com