Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Vinmec, nhân sâm là một vị thuốc quý. Bộ phận dùng làm dược liệu là rễ phơi hay sấy khô của cây nhân sâm (Panax gingseng C.A. Mey.), thuộc họ ngũ gia bì (Araliaceae). Nhân sâm là cây mọc hoang hoặc được trồng ở những vùng cao, nhiệt độ thấp, mát lạnh. Loại sâm tự nhiên quý hơn sâm trồng và loại sâm này được gọi là dã sâm.

Nhân sâm là vị thuốc lợi về các kinh tỳ, phế, tâm. Theo những tài liệu cổ của Y Học Cổ Truyền, nhân sâm có tính bình, vị ngọt, hơi đắng có tác dụng bổ khí, cố thoát, điều tiết cơn khát, ích trí, an thần, kiện tỳ, bổ phế, trấn tĩnh, giảm đau mỏi và chống mệt mỏi.

Nhân sâm còn là dược liệu có thể cải thiện giúp con người tỉnh táo về tinh thần, thay đổi tâm trạng và giảm cảm giác mệt mỏi. Nhân sâm được biết đến là loại thảo dược thay thế các loại thuốc chống trầm cảm và lo âu. Khi một người đang phải trải qua tình trạng căng thẳng tinh thần quá mức, các kích thích tố tuyến thượng thận (cortisol, adrenaline và noradrenaline) sẽ tăng tiết và gây ra những các vấn đề sức khỏe khác. Nhân sâm có thể giúp bạn cân bằng lượng adrenaline trong cơ thể. Tuy nhiên, việc dùng nhân sâm không được tùy tiện. Bởi vì nhân sâm tuy là thảo dược bổ nhưng thuốc hay nhiều khi lại là độc nếu không dùng đúng cách, đúng người.

Nhân sâm rất tốt nhưng không phải ai cũng có thể dùng. Ảnh minh họa

Người bị rối loạn tiêu hóa

Người bụng thường xuyên bị đầy trướng, khó tiêu, đau bụng, sôi bụng, phân nát, lỏng hoặc tiêu chảy không được dùng. Đặc biệt, nếu bị đau bụng, tiêu chảy, dùng nhân sâm có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Người bệnh tăng huyết áp

Người bệnh tăng huyết áp cũng không nên dùng do nhân sâm có thể làm huyết áp tăng cao hơn, làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh và có thể gây ra những hậu quả do huyết áp quá cao như vỡ mạch máu não, liệt nửa người…

Người bị mất ngủ

Người bị mất ngủ nhưng thể trạng kém, không nên dùng nhân sâm vào buổi tối, mà nên dùng vào buổi sáng với liều lượng thấp, khoảng 2-3g/ngày. Chú ý không dùng lô sâm (đầu núm rễ củ sâm), vì có tác dụng gây nôn.

Người bị thương phong cảm mạo phát sốt

Khi bị cảm mạo đều có triệu chứng ngoại cảm. Trị liệu lấy sơ phong, tán hàn hoặc thanh nhiệt giải biểu để trừ ngoại tà. Nhân sâm bổ khí có thể làm cho ngoại tà lưu trệ trong cơ thể không thể phát tiết ra ngoài được, ảnh hưởng tới hiệu quả trị liệu, kéo dài bệnh tình. Cho nên người đang uống nhân sâm, nếu bị cảm mạo nên dừng uống.

Những người bị bệnh gan mật cấp tính

Viêm gan, viêm túi mật, sỏi mật xuất hiện sốt, đau hạ sườn phải, đau bụng, vàng da đều là gan mật bị thấp nhiệt làm khí không lưu thông thanh thoát được. Nếu uống nhân sâm lại trợ thấp sinh nhiệt làm cho khí trệ uất kết, chứng bệnh sẽ nặng thêm.

Những người bị giãn phế quản, lao phổi, ho ra máu

Những người này thường ho có đờm lẫn máu, sốt nhẹ, đông y gọi là âm hư hỏa vượng, phế âm suy nhược. Cần tư âm giáng hỏa, lương huyết chỉ huyết. Nhân sâm làm thương âm, động hỏa, càng làm tình trạng ra máu nặng thêm khi bị các bệnh lao phổi, giãn phế quản, cho nên không nên dùng nhân sâm.

Những người có bệnh về hệ thống miễn dịch

Người bị bệnh tự miễn như bệnh Luput ban đỏ, viêm khớp loại phong thấp, cứng bì… không nên dùng nhân sâm, vì dùng bệnh sẽ nặng thêm.

Phụ nữ mang thai

Nếu uống nhân sâm, thành phần nhân sâm có thể qua tuần hoàn huyết dịch sang thai nhi rất không lợi cho thai nhi và có thể dẫn tới tình trạng khó sinh.

Author

Ngo@pressvn.com