“Vẽ” khoản tiền hỗ trợ để lừa đảo

Lợi dụng dịch bệnh đang diễn biến phức tạp khiến đời sống người lao động trở nên khó khăn, nhu cầu vay tiêu dùng tăng cao, nhiều đối tượng đã thực hiện các chiêu trò lừa đảo vay tiêu dùng.

Cụ thể, theo Báo Tin Tức, để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng tiếp cận người nghèo, nông dân không biết chữ để “vẽ” ra các khoản tiền trợ cấp như hỗ trợ dịch bệnh, tiền hỗ trợ người nghèo, người cao tuổi hay tiền của các tổ chức từ thiện. Muốn lấy được các khoản tiền này thì người dân phải đưa những thông tin cá nhân như CMND, CCCD, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh… để các đối tượng đi làm thủ tục nhận tiền.

Các đối tượng sau đó lấy thông tin cá nhân của các nạn nhân để thực hiện hàng loạt hồ sơ vay vốn nhằm chiếm đoạt tiền giải ngân từ các công ty tài chính rồi cắt đứt liên lạc. Hình thức này diễn ra ngày càng phổ biến, đặc biệt ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi trình độ dân trí còn thấp.

Thậm chí, kẻ lừa đảo còn dụ dỗ những người dân không biết chữ, ít hiểu biết và đưa họ đến các cửa hàng điện máy, trực tiếp ký vào các giấy tờ mà không biết rằng thực chất, đó chính là hợp đồng mua trả góp các thiết bị điện tử, di động. Với hình thức lừa đảo này, kẻ gian đã biến các nạn nhân thành “con nợ” và chiếm đoạt tiền của các công ty tài chính.

Chiếm dụng từ dịch vụ gửi hàng kinh doanh

Hoặc trong thời gian giãn cách xã hội để hạn chế lây lan của dịch Covid – 19, các hình thức kinh doanh online nở rộ, đã tạo điều kiện cho các đối tượng phạm tội lợi dụng nhiều hình thức mua bán hàng để lừa đảo, chiếm dụng tiền của khách hàng.

Cụ thể, các đối tượng sẽ dùng một số phương thức, thủ đoạn lừa đảo như lừa đảo qua dịch vụ “Ship Cod” (dịch vụ vận chuyển sẽ ứng số hàng cho người bán khi nhận hàng và thu lại tiền của người mua khi giao hàng).

Trong đó, thủ đoạn lừa đảo được thực hiện khi người mua yêu cầu người bán nâng giá ghi trên phiếu mua hàng của sản phẩm để thu khoản chênh lệch giá; người bán cho rằng việc đó không ảnh hưởng gì đến mình nên đồng ý và sử dụng dịch vụ “Ship Cod” để giao nhận hàng.

Sau khi đưa hàng cho dịch vụ vận chuyển và nhận tiền ứng hàng lớn hơn so với giá trị sản phẩm, người bán chuyển khoản số tiền chênh lệnh lại cho người mua theo như thỏa thuận. Tuy nhiên, khi dịch vụ vận chuyển thông báo không tìm thấy người nhận ở địa chỉ nhận hàng hoặc không có ai mang tên như trên phiếu giao hàng thì người bán phải hoàn lại tiền ứng hàng vì không thể giao hàng. Như vậy, người bán đã bị lừa mất số tiền chênh lệnh giá.

Một phương thức khác là dùng ảnh chụp màn hình lệnh chuyển khoản giả. Nhiều người bán hàng bị nhóm trên mạng xã hội Facebook lừa vì tưởng nhầm khách đã chuyển tiền cho mình. Theo đó, đối tượng giả làm khách đặt mua hàng qua mạng, đồng thời chụp màn hình điện thoại về thông tin chuyển khoản số tiền phải thanh toán cho bên bán thành công qua Internet Banking. Bên bán coi hình chụp màn hình điện thoại, tưởng thông tin chuyển khoản số tiền là thật nên nhờ dịch vụ giao nhận chuyển hàng cho khách.

Khi Shipper lấy hàng đi rồi, tài khoản ngân hàng của người bán chưa nhận được tiền nên gọi cho khách hàng thì sẽ được trấn an là do ngân hàng bị lỗi mạng nên tiền chưa tới. Lúc này, phía dịch vụ vận chuyển giao hàng xong nên bên bán không thể lấy lại hàng được.

Lập kênh đầu tư ảo

Các đối tượng còn dùng các “App” lừa đảo mạo danh đầu tư vaccine Covid-19, thiết bị y tế. Các ứng dụng này có hình thức đầu tư vào các gói vaccine Covid-19 hoặc thiết bị y tế như khẩu trang, kính bảo hộ… Người dùng bị dụ dỗ, lôi kéo đăng ký tài khoản tại một trang web hoặc “App” không rõ nguồn gốc, không có bản quyền công ty bảo hộ; việc đầu tư sẽ thu lời hàng ngày. Việc trao đổi thông tin với người hỗ trợ cũng như các thành viên khác được thực hiện qua nhóm chat trên Zalo, Telegram hoặc các ứng dụng mạng xã hội khác. Nhiều người bị lừa hàng chục triệu đồng khi “App” sập, không thể rút lại tiền.

Lập App để lừa đảo nở rộ trong “mùa” dịch Covid – 19

Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các đối tượng còn xoáy nhiều vào các thủ đoạn liên quan như tạo các website bán hàng trực tuyến vật tư y tế như khẩu trang y tế, nước rửa tay khử khuẩn… Tuy nhiên, sau khi nhận tiền của người mua hàng, đối tượng lừa đảo ngắt liên lạc và không giao hàng như thỏa thuận. Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến để quảng bá dịch vụ tiêm vaccine, bán các sản phẩm có khả năng phòng ngừa virus để lừa nạn nhân.

Đồng thời, các đối tượng còn giả danh nhân viên bệnh viện mạo nhận thông báo đã điều trị cho bạn bè hay người thân của nạn nhân khỏi bệnh Covid-19 và yêu cầu nạn nhân thanh toán chi phí cho quá trình điều trị…

Do vậy, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, người dân sẽ thiếu cảnh giác bị đối tượng xấu, từ đó bị lợi dụng. Vì vậy, người dân cần tỉnh táo chủ động bảo vệ bản thân trước các hành vi lừa đảo.

Author

Ngo@pressvn.com