0 Comments

Một loại máy, nhiều mức giá

Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam (thị xã Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) là bệnh viện có nhiều chuyên khoa khám chữa bệnh nội, ngoại trú phục vụ nhu cầu lớn của người dân trong vùng. Chiếc máy CT scanner 32 lát cắt (Toshiba, Nhật Bản) mà phóng viên nhắc đến ở đây được phía bệnh viện này đấu thầu mua sắm theo Quyết định số 732/QĐ-BVĐKKVQN ngày 23/12/2019 do Giám đốc bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam Nguyễn Tải ký phê duyệt. Công ty TNHH Thương mại dịch vụ kỹ thuật Kim Hữu là đơn vị trúng thầu với giá 14.154.265.000 đồng (Bằng chữ: Mười bốn tỷ, một trăm năm mươi tư triệu, hai trăm sáu mươi lăm nghìn đồng).

Quyết định phê duyệt gói thầu của bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam.

Qua nghiên cứu, tìm hiểu trên thị trường cung cấp trang thiết bị y tế, phóng viên được biết, máy CT scanner 32 lát cắt được các bệnh viện công đấu thầu mua sắm, có nhiều hãng sản xuất, xuất xứ khác nhau. Một số thương hiệu có tiếng như Toshiba, Canon, Siemens, Philips… xuất xứ từ nhiều nước: Nhật Bản, Đức, Trung Quốc, Ấn Độ, Hà Lan, Singapore… với nhiều lát cắt khác nhau, phổ biến là 16, 28, 32, 64,…lát cắt.

hieuunganhcom6296f854301ac
Giá chiếc máy CT Scanner 32 lát cắt và các phụ kiện mà công ty TNHH Thương mại dịch vụ kỹ thuật Kim Hữu trúng thầu tại bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam.

Đơn cử, tháng 12/2019, bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) đã mua sắm thông qua hình thức đấu thầu 1 máy CT Scanner 32 lát cắt với giá là 6.145.000.000 đồng (Bằng chữ: Sáu tỷ, một trăm bốn mươi lăm triệu đồng). Đơn vị trúng thầu là tổng công ty Cổ phần y tế Danameco.

Tháng 2/2020, bệnh viện Đa khoa Hưng Hà (Thái Bình) mua hệ thống máy CT.Scanner của Đức do nhà thầu công ty TNHH đầu tư trang thiết bị Đại Dương cung cấp với giá 7.182.000.000 đồng (Bằng chữ: Bảy tỷ, một trăm tám mươi hai triệu đồng).

Cũng năm 2020, vào tháng 10, trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị lựa chọn nhà thầu công ty Cổ phần Thiết bị y tế và kỹ thuật hình ảnh Saigonmit trúng gói thầu Mua máy CT Scanner 32 lát cắt xuất xứ Đức với giá là 9.490.000.000 đồng (Bằng chữ: Chín tỷ, bốn trăm chín mươi triệu đồng).

Tháng 1/2021, bệnh viện Đa khoa Thái Thụy (Thái Bình) mua sắm lắp đặt hệ thống máy CT Scanner cũng của Đức do nhà thầu công ty Cổ phần thiết bị y tế Thiên Phong cung cấp với giá 7.168.000.000 đồng (Bằng chữ: Bảy tỷ, một trăm sáu mươi tám triệu đồng).

Khi khảo sát giá dòng máy này trên thị trường, phóng viên cũng nhận được giá thấp hơn nhiều so với số tiền mà phía bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam đã mua.

Theo đó, với nhu cầu mua máy CT Scanner 32 lát cắt lắp đặt cho cơ sở khám chữa bệnh tư nhân tại Hà Nội, phóng viên nhận báo giá của công ty V.A (TP.HCM) – được giới thiệu có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cung cấp trang thiết bị y tế với giá là 4.950.000.000 đồng (Bằng chữ: Bốn tỷ, chín trăm năm mươi triệu đồng), máy Canon của Nhật Bản có lưu ý giá trên đã bao gồm thuế VAT và bảo hành tận nơi lắp đặt.

Anh K.A – Giám đốc kinh doanh của Công ty này cho biết thêm: Dịch vụ hậu mãi là bảo hành hệ thống máy 12 tháng kể từ ngày bàn giao thiết bị; bảo hành Bóng đèn X-quang 100.000 vòng quay có phát tia kể từ ngày bàn giao thiết bị; chuyên viên của công ty sẽ kiểm tra máy định kỳ trong suốt thời gian bảo hành. Anh A. còn tư vấn khá kỹ cho phóng viên rằng, dòng máy anh báo giá cho phóng viên tương đương với thông số kỹ thuật của máy Toshiba 32 lát cắt do hãng này đã bán cho thương hiệu Canon từ 3 năm nay.

Khảo sát giá tại công ty Y.T.V. có địa chỉ tại Hà Nội, phụ trách hotline của Công ty này báo giá cho phóng viên dòng máy CT Scanner 32 lát cắt với thông tin như sau: “Nếu của hãng Siemens thì giá máy khoảng 4.200.000.000 đồng (Bằng chữ: Bốn tỷ, hai trăm triệu đồng), còn nếu của hãng Toshiba hay Hitachi thì giá thành khoảng từ 6.000.000.000 – 7.000.000.000 đồng – Bằng chữ: Sáu đến bảy tỷ đồng (do chi phí hàng chính hãng nhập từ Nhật Bản rất cao)”.

Giá máy cao do nhập khẩu không qua nước thứ ba

Cần lưu ý rằng, giá thiết bị y tế cao hay thấp đôi khi còn phụ thuộc và ảnh hưởng bởi các yếu tố: tính năng, công suất, linh phụ kiện theo kèm, chế độ bảo hành, bảo trì, đào đạo, vận chuyển, truyền thông… Tuy nhiên, với chênh lệch giá máy mà bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam mua sắm so với thị trường cao như vậy thì cũng là điều đáng suy ngẫm.

Để có thông tin đa chiều, phóng viên đã liên hệ tới phía bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam. Ông Phạm Ngọc Mạnh, Trưởng phòng Thiết bị y tế, bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam cho biết: “Máy CT scanner của bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam mua là 32 lát cắt, nhập nguyên từ Nhật Bản về không qua nước thứ ba sản xuất. Cũng có những máy của Nhật nhưng sản xuất ở Trung Quốc hay Ấn Độ thì giá sẽ khác”.

“Khi bệnh viện mua máy thì chưa có Thông tư 14 của bộ Y tế về việc quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập, cho nên chỉ nhờ đơn vị thẩm định giá (được bộ Tài chính cấp phép hồ sơ năng lực) thẩm định, trên cơ sở đó Bệnh viện gửi cho sở Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định lại. Sau đó, sở Kế hoạch và Đầu tư trình Ủy ban và Ủy ban phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Bệnh viện căn cứ trên cơ sở đó làm theo các bước của luật Đấu thầu.

Giá của máy còn liên quan đến linh kiện kèm theo phù hợp với nhu cầu riêng của bệnh viện. Việc mua sắm những linh kiện này của các đơn vị khác cũng khiến giá máy tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, phần mềm của máy cũng ảnh hưởng đến giá cả. Ví dụ cùng một máy thở nhưng option khác nhau thì giá cũng sẽ khác nhau”, ông Mạnh nói thêm.

Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Author

Ngo@pressvn.com