0 Comments

Chia sẻ về vấn nạn xăng giả hiện nay, PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, trong kinh doanh xăng, dầu, tỷ lệ thuế, phí chiếm đến 50 – 60% đối với giá thành xăng và khoảng 40% với dầu.

“Nếu buôn lậu thì họ đã lãi tương ứng đến 60% với xăng và 40% với dầu. Còn nếu làm giả, thì lãi thêm 10 – 15%. Như vậy, gần như “buôn 1 lãi 10”.

Như vậy trung bình 1 lít xăng lậu, xăng giả, kém chất lượng, các đối tượng làm ăn bất chính thu lời khoảng 8.000 đồng từ việc không phải chịu các loại thuế, phí. Mặt khác, bình thường khi mua xăng của một công ty đầu mối lớn, do phải nộp thuế nên chỉ được chiết khấu khoảng 1.000-1.500 đồng/lít là cao. Nhưng với xăng dầu lậu, kém chất lượng, các đối tượng sẵn sàng chiết khấu ở mức cao 2.000-2.500 đồng/lít và sau khi chiết khấu, các đối tượng này vẫn thu lời từ 6.000 đồng/lít.

Chính vì mức lợi nhuận khủng khiếp nên các đối tượng làm xăng giả, kém chất lượng bất chấp quy định của pháp luật, sẵn sàng lao vào như con thiêu thân. Thậm chí, để qua mắt được lực lượng chức năng, họ nghĩ ra nhiều thủ đoạn, chiêu trò đối phó rất tinh vi.

Liên quan đến vấn đề quản lý chất lượng xăng dầu, đối tượng được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối, Bộ Công an cho biết, thực tế hiện nay nước ta có 38 doanh nghiệp là đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, trong khi nhiều nước công nghiệp phát triển có số lượng doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu ít hơn.

Trong đó, Hàn Quốc có 5 doanh nghiệp; Trung Quốc 5 doanh nghiệp; Nhật Bản 4 doanh nghiệp; Singapore 5 doanh nghiệp… Vì vậy, để tránh tình trạng “trăm hoa đua nở” về đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu, cần quy định theo hướng chỉ cấp phép cho doanh nghiệp, không cấp cho cá nhân kinh doanh độc lập.

Theo Bộ Công an, thời gian vừa qua, công tác quản lý về số lượng, chất lượng đầu ra xăng dầu tại các cửa hàng, đại lý bán lẻ còn nhiều bất cập, sơ hở.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng khi mua lẻ xăng dầu thường không cần hóa đơn, nhiều đối tượng lợi dụng kẽ hở này để tuồn xăng dầu giả, xăng dầu lậu với số lượng lớn ra tiêu thụ (vụ tiêu thụ 137 triệu lít xăng giả, 1,6 triệu lít dầu DO giả của nhóm đối tượng Trịnh Sướng; vụ bắt giữ 2 triệu lít xăng giả tại Nghệ An…).

Vì vậy Bộ Công an yêu cầu đơn vị soạn thảo Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu cần quy định bắt buộc kẹp chì niêm phong đồng hồ tổng các bể chứa xăng dầu và kết nối dữ liệu cột bơm bán hàng tại cửa hàng, đại lý xăng dầu đến cơ quan thuế.

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo

Author

minh@pressvn.com