Thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng

Nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh thuộc một số nhóm ngành lĩnh vực gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 phục hồi và tăng trưởng, vào cuối tháng 5/2022, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN.

Gói hỗ trợ 2% có ý nghĩa lớn với doanh nghiệp trong bối cảnh hồi phục do Covid-19.

Theo đó, việc giảm 2% lãi suất cho vay đối với các đối tượng thụ hưởng sẽ trực tiếp giảm chi phí vay vốn; chi phí tài chính cho doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, giảm giá thành, từ đó có cơ hội phục hồi tăng trưởng nhanh, góp phần tạo điều kiện cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế đất nước. Đây là mục tiêu cơ bản, thiết thực và là động lực để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng. Mục tiêu này càng có ý nghĩa hơn khi chi phí đầu vào và áp lực lạm phát gia tăng trong điều kiện hiện nay.

Về phương thức thực hiện và điều kiện hỗ trợ, gói hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ được thực hiện thông qua hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại, với nguyên tắc các đối tượng thụ hưởng đã được vay vốn hoặc đáp ứng các điều kiện vay vốn, được ngân hàng chấp thuận cho vay.

Phương thức thực hiện và điều kiện hỗ trợ này nhằm đảm bảo gói hỗ trợ đúng đối tượng và phát huy hiệu quả, nhờ gắn với trách nhiệm của người vay vốn và sử dụng vốn, đảm bảo nguyên tắc hoàn trả và sử dụng vốn đúng mục đích; phát huy hiệu quả sử dụng vốn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển; qua đó đạt được mục tiêu của gói hỗ trợ cũng như sử dụng hiệu quả vốn tín dụng ngân hàng và vốn ngân sách nhà nước.

Về phối hợp thực hiện, để phát huy hiệu quả gói hỗ trợ, Chính phủ quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan, từ đơn vị thực hiện – ngành Ngân hàng, đơn vị phối hợp – các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương đến các đối tượng thụ hưởng. Qua đó, mỗi đơn vị thấy rõ, đầy đủ trách nhiệm thực thi, đặc biệt là trách nhiệm trong sử dụng hiệu quả vốn ngân sách nhà nước, từ đó các bộ, ngành chức năng chia sẻ, phối hợp cùng tháo gỡ những khó khăn trong khâu tổ chức thực hiện, nhằm đưa chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống.

Doanh nghiệp vẫn “khát vốn”

Trải qua hơn 5 tháng triển khai, một số ngân hàng thương mại đã tích cực triển khai chính sách và đã có kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn một số ngân hàng thương mại chưa tập trung và quyết liệt triển khai, chưa ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn nội bộ, chưa tổ chức truyền thông và hướng dẫn đầy đủ đến các đối tượng thụ hưởng chính sách. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp trong nước đang rơi vào tình trạng “khát vốn” nhưng rất khó để tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Nhiều doanh nghiệp trong nước đang rơi vào tình trạng “khát vốn” nhưng khó tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Thời gian vừa qua, các ngân hàng được cấp thêm tín dụng không nhiều, trong khi ưu tiên của Chính phủ hiện nay là kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, sẽ khó đi theo hướng bơm quá nhiều tín dụng ra thị trường. Một số chuyên gia nhận định rằng, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% cần quy định rõ tỉ lệ, chỉ tiêu giải ngân cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất vì họ là các đối tượng rất cần được hỗ trợ lúc này. Phía Ngân hàng Nhà nước cũng cần nêu nhóm đối tượng doanh nghiệp được cấp tín dụng cụ thể hơn.

Hơn nữa, một trong những điều kiện để được hỗ trợ lãi suất theo quy định của Nghị định 31 là khách hàng phải có phương án về khả năng phục hồi. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có hướng dẫn về phương án khả năng phục hồi, mỗi ngân hàng hướng dẫn một kiểu khiến khách hàng bối rối cũng như khó khăn cho công tác thanh, kiểm tra sau này.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành chỉ thị liên quan đến việc nghiêm cấm các hành vi gây khó khăn, phiền hà, ban hành thêm điều kiện, thủ tục khác với quy định tại Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Ngân hàng Nhà nước để hạn chế đối tượng được hỗ trợ lãi suất, các trường hợp khách hàng đúng đối tượng, đáp ứng đủ điều kiện mà không được hỗ trợ lãi suất.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong triển khai chương trình. Để đẩy nhanh tiến độ triển khai gói hỗ trợ, các ngân hàng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan sớm kiến nghị Chính phủ mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách này.

Thực hiện theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20-5/2022, từ ngày 25-7, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) triển khai hỗ trợ lãi suất 2%/năm (từ nguồn Ngân sách nhà nước) đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Theo đó mức hỗ trợ lãi suất và khoản vay áp dụng:

+ Mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm, tính trên số dư nợ vay được hỗ trợ lãi suất và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế nằm trong khoảng thời gian quy định.

+ Áp dụng với khoản vay bằng VNĐ có thỏa thuận cho vay được ký kết và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-2022 đến ngày 31-12-2023.

Đối tượng áp dụng:

Doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ kinh doanh đáp ứng các điều kiện:

+ Có mục đích sử dụng vốn vay thuộc một trong các ngành đã được đăng ký kinh doanh quy định tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6-7-2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, bao gồm: Hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin; trong đó có hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế nói trên nhưng không bao gồm hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản quy định tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg.

+ Có mục đích sử dụng vốn vay để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố.

Author

Ngo@pressvn.com