Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại.

Dự thảo đưa ra một số tiêu chí mới với cửa hàng tiện lợi như: Chủ yếu phục vụ khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500 m; đặt tại khu dân cư, nơi tập trung đông người; diện tích kinh doanh 30-200 m2; bán theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tại quầy thu ngân…

Những tiêu chí đó đã gây ra nhiều tranh cãi về sự bất hợp lý. Ngày 13/7, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) – cơ quan xây dựng dự thảo đã có một số thông tin phản hồi.

Vụ Thị trường trong nước cho biết, quy định này không cấm hay hạn chế đối tượng phục vụ/khách mua của loại hình cửa hàng tiện lợi như ý kiến phản ánh trên báo chí cũng như “cách hiểu” của một số chuyên gia.

Tiêu chí này nhằm thể hiện tính tiện lợi về khoảng cách cho người mua hàng, đồng thời làm cơ sở cho các địa phương tham khảo trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại.

Ngoài ra, thẩm quyền và việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại phải tuân thủ theo các quy định hiện hành, đối với lĩnh vực thương mại thực hiện theo Nghị định 98/2020 ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

“Đối với tiêu chí cửa hàng tiện lợi (Điều 5), tiêu chí trung tâm outlet (Điều 6) được xây dựng trên cơ sở tham khảo tài liệu của một số nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam”, Vụ Thị trường trong nước khẳng định.

Kinh tế vĩ mô - Bộ Công Thương nói về việc cửa hàng tiện lợi chỉ bán cho khách trong 500m

Bộ Công Thương cho hay, cách hiểu cửa hàng tiện lợi sẽ chỉ được phục vụ cho khách hàng trong phạm vi dưới 500m là không đúng (Ảnh: Hữu Thắng).

Trước đó, góp ý về Dự thảo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị Bộ Công Thương bỏ đề xuất cửa hàng tiện lợi chủ yếu bán cho khách trong phạm vi 500m vì không khả thi.

Nếu quy định như vậy, chủ cửa hàng không thể biết khách hàng đang sinh sống tại đâu. Chưa kể, nếu cửa hàng nào phục vụ khách mua ngoài 500m có thể vi phạm pháp luật và bị xử phạt.

Theo Vụ Thị trường trong nước, mục đích, quan điểm Bộ Công Thương đặt ra khi xây dựng Dự thảo Thông tư là nhằm góp phần phát triển các loại hình hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế – xã hội theo định hướng của Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước ngành công thương.

Các quy định trong Dự thảo Thông tư không chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định pháp luật khác. Nội dung quy định tại Dự thảo Thông tư không phát sinh thủ tục hành chính, điền kiện đầu tư, kinh doanh….

Vì vậy, cần đảm bảo Dự thảo Thông tư cập nhật được các quy định mới, đồng thời giải quyết các bất cập của Quyết định số 1371/2004 nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho địa phương trong công tác quản lý, phát triển các loại hình hạ tầng thương mại. Góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và thi hành các quy định của pháp luật đối với công tác phát triển, quản lý các loại hình hạ tầng thương mại.

Để bảo đảm tính minh bạch, công khai, dân chủ trong quá trình xây dựng Thông tư, Bộ Công Thương đã có văn bản lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân.

Cụ thể như lấy ý kiến của phía Văn phòng Chính phủ, một số bộ/ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ủy ban nhân dân, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; VCCI; một số hiệp hội có liên quan trong đó có Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam; đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, đồng thời đăng tải lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương để các tổ chức/cá nhân đóng góp ý kiến.

Tới nay, Bộ Công Thương đã nhận được 69 ý kiến góp ý đối với Dự thảo Thông tư, trong đó có 5 bộ/ngành, 5 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, 11 đơn vị thuộc Bộ Công Thương, 48 Sở Công Thương các tỉnh/thành phố. Bộ Công Thương đang đôn đốc các đơn vị, địa phương, hiệp hội khẩn trương gửi ý kiến để tiếp tục tổng hợp, hoàn thiện Dự thảo.

Sau khi hoàn thiện Dự thảo Thông tư, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp phân phối, các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Author

Ngo@pressvn.com