0 Comments
Thư của Tổng thống Donald Trump vinh danh GS. Hà Tôn Vinh vì có nhiều hoạt động đóng góp cho  cộng đồng và xã hội Hoa Kỳ.
Thư của Tổng thống Donald Trump vinh danh GS. Hà Tôn Vinh vì có nhiều hoạt động đóng góp cho cộng đồng và xã hội Hoa Kỳ.

Gọi được tên thất bại là một nửa thành công

GS. Hà Tôn Vinh là người không xa lạ trong giới kinh doanh, thậm chí, nhiều người gọi ông là thầy.

Nhiều năm nay, người đàn ông gốc Việt, quốc tịch Hoa Kỳ đã miệt mài đi và chia sẻ kiến thức quản trị doanh nghiệp, bài học kinh doanh quốc tế, để mong doanh nhân Việt lớn nhanh hơn, chuyên nghiệp hơn và tự tin hơn khi bước chân ra thế giới.

Nhưng bản thân ông cho rằng, ông chỉ là người kể chuyện, kể lại những thành công, thất bại trong kinh doanh mà ông học được từ các giảng đường đại học ở nước ngoài, ở chặng đường thành công và cả thất bại của doanh nhân Hà Tôn Vinh.

GS. Vinh có hơn 30 năm kinh nghiệm hoạt động giáo dục – đào tạo, từng làm việc tại nhiều quốc gia ở châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu, Tây Phi trong nhiều lĩnh vực. Ông cũng có kinh nghiệm nhiều năm làm chuyên gia tư vấn tài chính, cơ sở hạ tầng cho nhiều dự án của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); cố vấn vùng châu Á cho Quỹ Đầu tư tư nhân trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng (PPIAF) do 12 tổ chức quốc tế và đa phương tài trợ…

Tại Việt Nam, GS. Vinh làm cố vấn tài chính và quản lý cho nhiều công ty đa quốc gia và các tổ chức tài trợ quốc tế trong các dự án của Chính phủ, như Thủy điện Sơn La (Montgomery Watson-Harza), cổ phần hóa doanh nghiệp, báo cáo khung quốc gia về đầu tư tư nhân trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng của Ngân hàng Thế giới (WB)… Hiện nay, GS. Vinh đang là tư vấn cho các tập đoàn lớn tại Việt Nam và tham gia giảng dạy các khóa học đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ…

Nhưng bản lý lịch của ông không chỉ có màu hồng. 

“Tôi đã từng tiêu tán toàn bộ thành quả của mình vào năm 1992. Chỉ trong vòng 1 năm, nhà cửa không còn, gia đình mất khi vợ bỏ đi. Khi ấy, tình cảnh của tôi là có xe, nhưng không có tiền đổ xăng, có bát vàng nhưng không có cơm để ăn”, GS. Vinh kể về lần trắng tay của mình. Từ một người được học bổng học tiến sỹ của Chính phủ Hoa Kỳ, từng làm chuyên viên tại Nhà Trắng, có tiền, có nhà to, có danh tiếng, bỗng chốc mọi thứ bốc hơi.

Trước đó, ông như có bàn tay vàng, đụng đâu ra tiền đó, mảng kinh doanh máy tính của ông lớn dần. Nhiều năm sau đó, ông còn được vào “tốp” một trong những người trẻ thành đạt của Hoa Kỳ do Nhà Trắng bình chọn và được mời đến New York nói chuyện trên kênh truyền hình CNN. Sau khi có số vốn kha khá, ông tham gia đầu tư vào bất động sản, vào thủy hải sản ở châu Phi và… thất bại.

“Đầu tư đa ngành, trong khi kiến thức chuyên môn không có, tôi không thể quản lý và dần mất khả năng kiểm soát. Sự thật ấy, tôi có thể che đậy, nói dối người khác, nhưng người trong gương mà mỗi sáng tôi soi vào, tôi không thể lừa dối được”, GS. Vinh tâm sự.

Ông mất gần 6 năm để học hỏi rồi làm lại từ đầu và 4 năm để trở lại bình thường. Nhưng ông đã có một bài học đắt giá, đó là sự thành công chỉ là may rủi và tạm bợ nếu không có kiến thức, sự khôn ngoan và khiêm tốn.

Và rồi ông nhận ra rằng, khi bản thân phải chấp nhận sự thất bại ấy, dám thú thật với bạn bè và mong muốn họ giúp đỡ, cả về tiền lẫn công việc, đã là đi được một nửa con đường dẫn đến thành công.

Phần thưởng từ sự kiên trì

Mới đây, GS. Vinh được Tổng thống Donald Trump vinh danh vì có nhiều hoạt động đóng góp cho cộng đồng và xã hội Hoa Kỳ. Trong thư Tổng thống Trump gửi ông, có đoạn viết: “Chúc mừng ông đã nhận được giải Người Tình nguyện của Tổng thống. Thay mặt đất nước và để tỏ lòng biết ơn, tôi cám ơn ông đã đóng góp cho cộng đồng người Hoa Kỳ và những người đang rất cần được giúp đỡ. Sự đóng góp của ông đã giúp Hoa Kỳ tiếp tục cam kết nâng cao cuộc sống của người dân… Tôi tin rằng, ông sẽ tiếp tục đóng góp cho việc nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người và cho tương lai của người dân Hoa Kỳ…”.

Với một người nhập cư, từng phải đi quét dọn trong trường học để kiếm sống như ông, thành quả này thực đáng ngưỡng mộ. Nhưng, ông chỉ nói, cứ kiên trì, nỗ lực, cơ hội sẽ không của riêng ai.

GS. Hà Tôn Vinh thực sự là một người kiên trì. Ngay cách ông chọn thất bại của mình để làm bài học trong các khóa học về quản trị doanh nghiệp, tài chính mà ông đang coi là niềm đam mê không giới hạn đã chứng tỏ như vậy. Ông từng nói, nếu học được thất bại của người khác, thì cũng đã thành công một nửa.

“Làm kinh doanh khó, ở Việt Nam còn khó hơn khi kinh nghiệm quản trị kinh doanh, kinh nghiệm làm ăn quốc tế chưa thực sự là thế mạnh của doanh nhân Việt. Môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý còn nhiều điều chưa thuận. Tôi thực tâm mong chia sẻ kiến thức của mình, để họ thêm kinh nghiệm và tránh vết xe đổ trên con đường sự nghiệp”, GS. Vinh nói.

Là người Việt và nhất là người Việt ở hải ngoại, ông hay kể về hoài bão và ước mơ về một nước Việt Nam thịnh vượng, tự do, hạnh phúc và phát triển; nhưng ông cũng nhìn thấy sự khác biệt giữa Việt Nam với các nền kinh tế phát triển trên thế giới.

“Sự khác biệt đó nằm ở 2 vị trí trọng tâm, đó là con người và môi trường khuyến khích hỗ trợ cho sự phát triển bền vững – cái mà chúng ta thuờng gọi là thể chế. Tôi tin là doanh nhân Việt cần và phải trở thành một yếu tố quan trọng đóng góp cho sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước”, GS. Vinh nói.

Song, để có được vị trí đó, doanh nhân phải học không ngừng, luôn “khởi nghiệp”, luôn tái tạo, cải tiến cung cách làm việc, thay đổi tư duy cho phù hợp với đòi hỏi của môi trường kinh doanh và thế giới mới.

Lúc này, ông vẫn đang đặt cho doanh nghiệp Việt nhiều câu hỏi, mà theo ông, họ phải là người tìm bằng được câu trả lời. Đó là, tại sao trong cùng hoàn cảnh, môi trường hay điều kiện kinh doanh và tài nguyên, người ta thành công, còn mình thì thất bại hay chưa khởi sắc. Hoặc tại sao họ không làm được cái chúng ta làm được trong điều kiện hạn hẹp và tài chính ít ỏi…

Tất nhiên, nhà nước cũng phải làm tốt công việc và trách nhiệm, vì một thể chế chính trị, kinh tế, xã hội ổn định, trong sáng, thân thiện và gần gũi. Đây sẽ là nền tảng cần thiết cho doanh nghiệp phát triển.

Với GS. Hà Tôn Vinh, Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ và bền vững nếu đi bằng hai chân. Một là, cộng đồng doanh nghiệp luôn hướng tới mục tiêu kinh doanh và phát triển bền vững. Hai là, một Nhà nước pháp quyền và trong sạch, luôn vì dân.

“Tôi tin chắc chắn sẽ như vậy!”, ông nói.

Author

Duong@pressvn.com